Đường dẫn truy cập

RSF lên án Việt Nam chặn báo Đức sau bài điều tra liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn


Bài viết về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên trang web của tờ báo Taz. RSF lên án việc trang mạng của tờ báo Đức bị chặn ở Việt Nam sau khi bài viết này được đăng tải.
Bài viết về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên trang web của tờ báo Taz. RSF lên án việc trang mạng của tờ báo Đức bị chặn ở Việt Nam sau khi bài viết này được đăng tải.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án Việt Nam chặn trang mạng của báo Taz sau khi tờ báo Đức đăng bài viết về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị Việt Nam truy nã, được cho là đang sống ở Đức và có nguy cơ bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc.

Tổ chức chuyên bảo vệ cho tự do báo chí toàn cầu có trụ sở ở Pháp cho biết rằng chính quyền Việt Nam “rõ ràng đã chặn trang web của nhật báo Taz”. Trong tuyên bố đưa ra hôm 8/8, RSF nói rằng họ đưa ra nhận định như vậy dựa trên các nguồn tin và đánh giá của họ.

Theo RSF, trang mạng của Taz bị chặn ở Việt Nam sau khi tờ báo này đăng bài điều tra về “một vụ bắt cóc có thể sắp được mật vụ Việt Nam tiến hành tại Đức”, nơi mà cách đây 6 năm ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam lúc đó đang bị truy nã, cũng được cho là bị bắt cóc đưa trở về Việt Nam.

Theo kiểm chứng của VOA hôm 22/8, trang web của báo Taz vẫn không truy cập được ở Việt Nam nếu không dùng phần mềm đặc biệt để vượt kiểm duyệt, như VPN.

Tờ Taz hôm 6/8 công bố một bài điều tra của nhà báo Marina Mai và Konrad Litschko, trong đó nói rằng “Các mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một quan chức phản bội ở Berlin” và rằng “giờ đây một phụ nữ phải đối mặt với số phận tương tự”.

Bài báo này tiết lộ rằng bà Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC và được cho là có vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam từ nước ngoài, đã đến sinh sống ở Đức trong vài tháng qua. Vẫn theo điều tra của Taz, Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, người bị kết án vắng mặt với bản án hàng chục năm tù, lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan của chính phủ Đức từ chối.

Tờ Taz dẫn lời Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo rằng họ “sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”.

Đức cho rằng ông Thanh, cựu chính trị gia và từng là chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hồi tháng 7/2017 khi đang xin tị nạn tại quốc gia châu Âu này mặc dù Việt Nam nói rằng ông Thanh tự về “đầu thú”. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sau đó bị đình trệ một thời gian vì vụ việc trước khi được nối lại. Ông Thanh bị Việt Nam tuyên án tổng hợp tù chung thân vào năm 2018 với các tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước” và “tham ô tài sản”.

Còn bà Nhàn bị một tòa án ở Hà Nội xét xử vắng mặt hồi tháng 1 năm nay và bị tuyên tổng cộng 30 năm tù với các cáo buộc “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với mức thiệt hại 152 tỷ đồng.

Việt Nam hôm 16/8 nói rằng họ quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú.

Nhà báo Mai, người cùng điều tra viết bài về bà Nhàn cho tờ Taz, nói với VOA rằng độc giả của tờ báo ở Việt Nam thông báo về việc trang web của báo không truy cập được hai ngày sau khi bài viết trên được công bố. Theo nhà báo này, “Việt Nam không đưa ra lý do chính thức vì sao website của Taz bị chặn”.

“Chế độ Việt Nam đang trấn áp một cách có hệ thống đối với các thông tin quan trọng cả trong và ngoài nước thông qua việc sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau”, bà Helene Hahn, chuyên vận động cho Tự do Internet của RSF ở Đức, nói trong tuyên bố. “Chúng tôi cực lực lên án việc chặn trang web Taz, điều cho thấy chế độ Hà Nội sợ điều tra phản biện”.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội về tuyên bố của RSF cũng như những thông tin mà Taz đưa ra về bà Nhàn.

RSF trong năm nay đưa Việt Nam xuống thứ hạng 178/180 quốc gia trên thế giới về tự do báo chí, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên, vì “tăng cường bịt miệng những tiếng nói của các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ” trong Đảng Cộng sản.

Việt Nam vẫn luôn phản bác các báo cáo cho rằng Việt Nam nằm trong số các nước kiểm duyệt truyền thông nhiều nhất trên thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhiều lần khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam và được tôn trọng trên thực tế.

RSF cho biết đây không phải lần đầu tiên chính quyền Việt Nam hạn chế các nhà báo và phương tiện truyền thông phản biện có trụ sở ở Đức. Tổ chức này nói rằng bốn bài viết của nhà báo Lê Trung Khoa của Thoibao.de được đăng tải trên Facebook bị chặn ở Việt Nam “do các hạn chế pháp lý ở địa phương”. Ông Khoa xác nhận với VOA hôm 22/8 rằng các bài viết này có các liên kết đến các bài báo chỉ trích chính phủ Việt Nam của truyền thông Đức, bao gồm cả trang web của RSF.

Để phá vỡ sự kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam, RSF cho biết họ đã tạo ra một trang nhân bản để bạn đọc có thể truy cập vào website của Taz ở Việt Nam. Đây là một phần trong dự án hỗ trợ các phương tiện truyền thông bị ảnh hưởng bởi kiểm duyệt trên toàn thế giới của RSF. Tổ chức này hồi tháng 3 năm nay nói rằng họ đã khôi phục trở lại được 80 trang mạng bị chặn ở 24 quốc gia, trong đó phần nhiều ở Nga và Trung Quốc, trong dự án có tên Operation Collateral Freedom.

Trong email gửi VOA hôm 22/8, bà Hahn nói rằng "với dự án 'Collateral Freedom,' chúng tôi đang hỗ trợ các trang web truyền thông và tin tức trên toàn thế giới để đưa chúng trở lại trực tuyến nếu chúng bị kiểm duyệt hoặc bị chặn trong nước." Đại diện của RSF cho biết taz.de đã truy cập được trở lại ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ này.

VOA Tiếng Việt nằm trong số các trang web bị chặn ở Việt Nam nhưng độc giả ở đây giờ có thể truy cập qua trang nhân bản được tạo ra theo phương thức tương tự.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG