Đường dẫn truy cập

Room (Căn Phòng) - Emma Donoghue


Room (Căn Phòng) - Emma Donoghue
Room (Căn Phòng) - Emma Donoghue

Qua tiểu thuyết Room kể lại câu chuyện của một phụ nữ trẻ bị bắt cóc, giam cầm, cưỡng hiếp và sinh ra một đứa con trai nhưng tuy trong tình cảm bị giam cầm một thứ tình mẫu tử trong sáng đã nẩy nở làm động lực cho việc tự giải thoát.

Ngày nay thông tin về những trường hợp những thiếu nữ bị bắt cóc, bị cưỡng hiếp và sau đó bị thủ phạm giam cầm cách ly trong nhiều năm đã khiến dư luận chú ý, ghê tởm và lên án nặng nề. Ở Mỹ, vào tháng 8 năm 2009 báo chí và truyền hình đưa tin trường hợp của nữ sinh 11 tuổi Jaycee Lee Dugard học sinh trường South Lake Tahoe ở California bị hai vợ chồng Phillip Craig Garrido và Nancy Garrido bắt cóc và giam cầm hơn 18 năm trong một căn lều kín phía sau nhà ở quận Antioch, California. Trong thời gian bị cầm tù Joycee đã bị hung thủ cưỡng bức và sinh hạ hai con gái. Hiện hai vợ chồng hung thủ bị giam giữ chờ ngày ra tòa. Trước đó không lâu, vào tháng 4 năm 2008 ở thành phố Amstetten, nước Áo, một phụ nữ 42 tuổi tên là Elisabeth Fritzl đã khai với cảnh sát bà bị cha đẻ Josef Fritzl giam cầm trong 24 năm dưới hầm nhà, bị người cha tấn công sách nhiễu tình dục, và cưỡng hiếp liên tục, kết quả bà đã sinh hạ bảy đứa con và một lần bị xảy thai. Josef Fritzle nay đã 73 tuổi bị tòa kết án tù chung thân. Cho nên khi biết thông tin về hai thảm họa xã hội kể trên người ta không khỏi tự hỏi biết đâu còn khá nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra nhưng chưa bị khám phá tiết lộ và lòng hiếu kỳ của người đời tất nhiên chờ đợi những vụ “bắt cóc, giam cầm, cưỡng hiếp” khác được khám phá.

Chính vì thị hiếu này nên khi quyển tiểu thuyết Room của Emma Donoghue – qua tiếp thị của nhà xuất bản và dư luận đồn thổi – kể lại câu chuyện của hai mẹ con bị kẻ bắt cóc giam cầm trong nhiều năm lập tức được giới độc giả tiểu thuyết chờ đợi đón đọc, nhất là khi quyển truyện này đã lọt vào danh sách chung kết của giải Man Booker Prize năm 2010.

Emma Donoghue sinh năm 1969 ở Dublin, Ái-Nhĩ-Lan, là con út trong 8 người con trong gia đình, cha bà là nhà phê bình hàn lâm nổi tiếng Denis Donoghue. Tốt nghiệp cử nhân ưu hạng ở University College Dublin ngành văn chương Anh-Pháp và Tiến sĩ Văn chương Anh ở đại học Cambridge với luận án về tình bạn giữa nam nữ trong tiểu thuyết thế kỷ 18. Là tác giả của 6 tiểu thuyết và được trao nhiều giải văn chương giá trị. Năm 1998 sang sống ở Canada và vào quốc tịch xứ này năm 2004. Hiện Emma Donoghue sống ở London, Ontario với bạn tình và hai người con. Tiểu thuyết Room là tác phẩm thứ bảy.

Quyển Room, theo lời Emma Donoghue, không phải là truyện phóng tác từ trường hợp Josef Fritzle mà chỉ được “gợi ý” từ vụ án này chứ không căn cứ trên truyện thực đã xảy ra vì nội dung truyện là tình mẫu tử giữa Ma – tên người phụ nữ ẩn danh – và đứa con trai 5 tuổi tên Jack trong hoàn cảnh cả hai mẹ con bị giam cầm nhiều năm trong một căn phòng kín. Nhân vật tự sự trong Room là Jack đứa con trai 5 tuổi. Ta hãy nghe Jack nói ở những giòng vào truyện: “Hôm nay tôi được năm tuổi. Đêm qua tôi bốn tuổi sẽ nằm ngủ trong Tủ Quần Áo, nhưng khi tôi tỉnh dậy trên giường trong bóng tối tôi đã biến thành năm tuổi, abracadabra. Trước đây tôi ba tuổi, trước nữa là hai, trước nữa nữa là một, trước nữa nữa nữa là zero. Có phải tôi là những con số cứ bị trừ đi không?”

Truyện được tác giả cho xảy ra ở Mỹ, được chia ra hai phần với phần đầu là tình cảnh Ma và Jack sống trong căn phòng giam và phần sau chiếm hai phần ba quyển sách kể lại chuyện hai mẹ con sau khi trốn thóat đã thích ứng với thế giới bên ngoài ra sao. Bảy năm trước Ma khi đó 19 tuổi bị “Già Nick” bắt cóc tại bãi đậu xe một trường đại học ở một thị trấn nằm ở phía Bắc nước Mỹ tác giả không nêu rõ tên, và đem giam vào một căn phòng vuông vức 12x12 feet đặt ở vườn sau nhà.

Căn phòng này được “Old Nick” thiết kế khá chu đáo từ trước. Trước khi bắt đầu viết quyển Room tác giả đã bỏ nhiều công dùng máy vi tính thiết kế căn phòng này. Căn phòng được cách âm cẩn thận, bên trong có một giường ngủ, tủ lạnh, máy truyền hình, tủ quần áo, mái nhà có ô vuông kính nhìn lên thấy bầu trời. Tuy những tiện nghi là tối thiểu nhưng người ở bên trong cũng khả dĩ sống được.

Hai năm sau khi bị bắt cóc Ma mang bầu với “Già Nick” và sinh ra Jack. Hàng ngày “Già Nick” cung cấp thực phẩm và nước uống, đặc biệt ngày chủ nhật được đãi ngộ khá hơn có cả quần áo mới và thuốc men. Bất chấp sự có mặt của Jack “Già Nick” khi lẻn vào căn phòng liền nhốt Jack vào tủ quần áo để cưỡng dâm Ma. Qua lời kể của Jack ngồi trong tủ quần áo, nó nhẩm đếm những tiếng lò xo nệm giường xập xình khi “Già Nick” làm tình với Ma.

Trong tình trạng bị giam cầm bất khả kháng Ma và Jack sinh tồn bằng cách tạo ra những sinh hoạt khá đặc biệt: chơi games, đọc sách (hai mẹ con chỉ có 5 quyển sách, một trong năm cuốn là quyển Alice in Wonderland), đùa cợt, ăn uống, bày ra những công trình làm thủ công, phơi nắng dưới ánh mặt trời xuyên qua ô kính trên mái nhà, tập thể dục bằng cách đi vòng vòng quanh phòng hay từ giường ngủ nhẩy lên nhảy xuống, ban đêm ngẩng mặt ngó bầu trời…Và đặc biệt nhất là trò “La Hét Kêu Cứu”: hai mẹ con cùng nhau đứng trên mặt bàn hò hét mong sao bên ngoài có người nghe thấy sẽ giải cứu.

Ngày lại ngày chỉ có chừng đó sinh hoạt tiếp diễn vô tận một cách căng thẳng vô vọng. Phút vui hiếm họa ngày buồn khôn nguôi. Như vậy đủ thấy Ma là người mẹ can đảm và yêu thương con tận tình. Ma đã gắn liền cuộc sống của mình với cuộc sống của Jack, đứa con trai đầy nhựa sống, trí tò mò sinh động, tính tình dịu dàng trìu mến. Nhưng cái nhìn, ý niệm về thế giới của Jack hoàn toàn sai lệch vì nó chỉ biết cái thế giới trong căn phòng giam nhỏ bé. Dù cho xem truyền hình Jack cũng không thể nào hình dung được thế giới bên ngoài như thế nào. Hơn thế nữa khả năng thích ứng với thực tại bên ngoài của nó cũng bi thui chột vì không được phát triển bình thường. Về sự phát triển ngôn ngữ của Jack cũng bị vênh lệch, hỏng hụt, nhất là về văn phạm và ngữ pháp: nó thường không dùng được đúng cach mạo từ chỉ định đặt trước danh từ.

Emma Donoghue đã thật tài tình khi viết những cuộc đối thoại giữa Ma và Jack bằng lối nói “không bình thường” của cậu bé 5 tuổi từ khi sinh ra đời đã bị giam kín. Chẳng hạn Jack nói với mẹ “You cutted the cord”, “[Ma] goes to Thermostat to hot the air”, hay “ten times their big”. Cũng có những ban đêm khi “Già Nick” đột nhập căn phòng hai mẹ con phải ngưng những sinh hoạt hàng ngày. Rất nhiều cảnh gay cấn do “Già Nick” gây ra cho hai mẹ con. Nhưng Ma vẫn kiên trì mang niềm hy vọng Jack sẽ đến tuổi khôn lớn có khả năng thoát cũi sổ lồng. Hàng ngày Ma liên tục nói cho con biết về thế giới bên ngoài, và tập cho Jack mưu giả vờ chết để “Già Nick” sẽ cuốn nó vào một tấm thảm ném lên chiếc xe tải của lão đem đi chôn, nhân đó Jack sẽ thóat chạy và cầu viện giải cứu. Cuối cùng kế hoạch này của hai mẹ con đã thành công.

Phần thứ nhì quyển truyện mang tựa đề “Bên Ngoài” chiếm 2 phần 3 của bề dày 323 trang. Phần này của quyển tiểu thuyết với những mô tả tinh vi xác thực của Emma Donoghue là phần được khen ngợi nhất. Tác giả trong phần này đã chứng tỏ bỏ ra khá nhiều công sức tìm hiểu nghiên cứu hậu chứng của những người bị giam cầm lâu năm chẳng hạn vấn đề mất tính cách, bệnh trầm cảm, những khó khăn về điều chỉnh thính thị khi tiếp xúc với thực tại ngoại giới v.v… Những kiến thức này đúng ra chỉ những chuyên gia tâm bệnh lý mới thông thạo. Cho nên đọc những trang sách này độc giả thấy những mô tả của Emma Donoghue rất khả tín không thua mức độ chính xác của những báo cáo và những trang ghi chép lịch sử cá nhân ttrong những cuốn sách tâm lý trị liệu, nhưng không khô khan và vắn tắt như sách tâm lý trị liệu, những trang sách của Emma Donoghue rất lôi cuốn và trăn trở.

Trong mấy tuần lễ đầu tiên sau khi trốn thóat, Ma phải kiên nhẫn giúp Jack thích nghi với mọi thứ ở thế giới bên ngoài, ngay một việc nhỏ nhặt như lên xuống các bậc thềm hay cầu thang, chua kể tới những việc quan trọng lớn lao hơn như tiếp xúc với cảnh sát, nhân viên y tế trong bệnh viện, giới truyền thông, thân nhân gia đình Ma kể cả người dượng của mẹ nó và một đứa bé anh họ mới ba tuổi, nhất là khi Jack lần đầu bị cảm lạnh. Một điểm đáng khen ngợi khác là tác giả đã dùng thời hiện tại trong suốt tuyến tự sự nhằm loại trừ được khả năng người đọc cảm thấy đây là câu truyện kể của một đứa bé mới học mẫu giáo.

Nhưng điểm son của quyển truyện nằm ở chỗ tác giả đã thành công khi khai triển chủ đề mối liên hệ thân yêu gần gũi mẹ-con khá phức tạp tuy trong đời sống thông thường người mẹ nào cũng trải qua nhưng không mấy chú tâm tới những sự phát triển cả về tình cảm lẫn nhận thức của những khía cạnh đặc biệt của mối liên hệ này. Là một người mẹ đã trải qua kinh nghiệm nuôi con, để viết quyển Room Emma đã phối hợp kinh nghiệm nuôi con với những sưu khảo không những về những người bị bắt cóc – nhất là trẻ con – mà còn về những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình cảnh bị giam cầm hay trong những hoàn cảnh gây chấn thương tâm lý, điển hình là trường hợp cậu bé năm tuổi tên là Jeffrey Baldwin ở Toronto đã chết sau những năm tháng bị ông bà bạc đãi, một câu chuyện đã ám ảnh Emma Donoghue trong một thời gian dài.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG