Đường dẫn truy cập

Quốc hội Thái Lan buộc tội em gái của ông Thaksin


Bà Yingluck Shinawatra đã bị buộc rời khỏi chức thủ tướng qua một phán quyết của toà án chỉ vài tuần lễ trước một cuộc đảo chính vào ngày 22 tháng 5 năm ngoái.
Bà Yingluck Shinawatra đã bị buộc rời khỏi chức thủ tướng qua một phán quyết của toà án chỉ vài tuần lễ trước một cuộc đảo chính vào ngày 22 tháng 5 năm ngoái.

Tại Thái Lan, quốc hội do tập đoàn quân nhân cầm quyền bổ nhiệm đã buộc tội thủ tướng dân cử cuối cùng trong một cuộc bỏ phiếu kín hôm nay. Cuộc biểu quyết diễn ra 8 tháng sau khi bà Yingluck Shinawatra bị buộc rời khỏi chức vụ lãnh đạo chính trị trong nước.

Vài giờ trước cuộc biểu quyết buộc tội, một thông cáo của văn phòng bộ trưởng tư pháp nói rằng cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ bị truy tố hình sự về tội xao lãng nhiệm vụ trong tư cách một giới chức nhà nước dường như đã quyết định số phận của bà.

Các nhà lập pháp tại quốc hội do tập đoàn cầm quyền bổ nhiệm, đầy các sĩ quân quân đội và các kẻ thù chính trị của bà Yingluck, sau đó đã mở một cuộc bỏ phiếu kín về việc có buộc tội bà hay không.

Chủ tịch viện lập pháp Pornpet Wichitcholchia loan báo kết quả biểu quyết. Ông nói có 190 phiếu thuận, 18 phiếu chống, 8 phiếu trắng và 3 phiếu bất hợp lệ, do đó số phiếu thuận vượt quá tỷ lệ 3 phần 5 cần thiết để buộc tội.

Điều này có nghĩa là cựu thủ tướng sẽ không hội đủ điều kiện để ra tranh cử trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trong 5 năm tới đây. Một cáo trạng hình sự, trong một vụ sẽ được đưa ra xét xử tại tối cao pháp viện, có thể khiến bà lãnh án tù tới 10 năm.

Động cơ chính trị

Trong suốt thời gian có mặt tại các phiên luận tội, cựu thủ tướng nhất mực khẳng định là không có vấn đề tham nhũng trong kế hoạch trợ giá gạo gây thiệt hại, là nguyên do của vụ luận tội và những cáo trạng hình sự chống lại bà.

Bà Yingluck lập luận rằng không hề có ý nghĩa lừa dối, xao lãng nhiệm vụ hay có bất kỳ hành vi tham nhũng nào. Hôm qua, bà Yingluck nói với cơ quan được bổ nhiệm rằng các hoạt động chống lại bà có một động cơ kín và bị chính trị thúc đẩy. Bà nói mọi quyết định gạt bà ra ngoài lề chính sự đều vi phạm các quyền tự do cơ bản.

Một cựu cố vấn an ninh quốc gia trong chính phủ của bà Yingluck, ông Sean Boonpracong, nói các quyết định phản bội những người tin lời quân đội nói rằng tiếp theo cuộc đảo chính sẽ là hoà giải chính trị và giải quyết các khó khăn kinh tế.

Ông Boonpracong nói: "Tôi đã dự liệu một thời kỳ khó khăn trước mắt với sinh hoạt kinh tế không được giải quyết như lời họ nói. Vì thế chúng ta sẽ phải chờ xem. Nhưng tôi không dự liệu bất kỳ chuyện gì khác ngoài việc đất nước bước qua một khúc quanh trên con đường không thể đoán trước được."

Xóa bỏ vĩnh viễn

Trước cuộc biểu quyết buộc tội, chính phủ quân nhân Thái Lan đã cảnh báo sẽ có biện pháp nếu những người ủng hộ bà Yingluck xuống đường.

Tuy nhiên, cựu cố vấn an ninh quốc gia không dự báo các cuộc biểu tình như thế của công chúng.

Ông Boonpracong nói thêm: "Thông tin của tôi phù hợp với tin tình báo quân đội rằng có nhiều phần chắc là phe Áo Đỏ các cử tri của đảng Pheu Thai sẽ không xuống đường. Và mặt khác trong tình trạng thiết quân luật họ đứng trước khó khăn pháp lý và có thể bị bắt giữ."

Bà Yingluck đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2011, đưa gia đình bà trở lại nắm quyền 5 năm sau khi anh của bà là ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Ông đã tự ý đi sống lưu vong vì có thể bị tù vì tội tham nhũng nếu trở về nước. Người em của ông đã bị buộc rời khỏi chức thủ tướng qua một phán quyết của toà án chỉ vài tuần lễ trước một cuộc đảo chính vào ngày 22 tháng 5 năm ngoái.

Sau đó chỉ huy trưởng quân đội Prayuth Chan-ocha đã lãnh đạo một cuộc đảo chính không đổ máu và tự bổ nhiệm mình làm người đứng đầu tập đoàn cầm quyền. Nay là một tướng lãnh hồi hưu, ông đã ở lại chức vụ đó cho đến giờ này và đã dàn dụng để được bổ nhiệm vào chức thủ tướng.

Các giới chức trong tập đoàn cầm quyền trước đây từng thừa nhận rằng họ có ý định xoá bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra ra khỏi chính trường Thái.

Tương lai của Thái Lan

Các đảng được sự hậu thuẫn của ông Thaksin, một cựu cảnh sát viên đã trở thành một nhà tài phiệt trong ngành viễn thông, đã thắng mọi cuộc bầu cử ở vương quốc này kể từ năm 2001. Quân đội can thiệp để lật đổ các chính phủ dân sự là sự kiện thường xảy ra ở Thái Lan.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej còn gọi là Rama 9 hiện là vị nguyên thủ trị vì lâu năm nhất thế giới, nắm quyền tối thượng. Nhưng nhà vua 87 tuổi đã bị đau yếu từ mấy năm nay và hiện ít khi xuất hiện trước công chúng.

Nhiều người Thái lo ngại về sự ổn định của vương quốc một khi quốc vương Bhumibol không còn trong bối cảnh nữa. Quân trị được sự tán thành của nhiều thành phần thượng lưu và nhiều người trong giới trung lưu, không những bởi vì nó chấm dứt được bạo động chính trị trên đường phố mà còn bảo toàn trật tư khi diễn ra những vụ nối ngôi trong hoàng gia.

Thảo luận công khai về việc liệu Đông cung Thái tử Maha Vajiralongkorn, 62 tuổi, người sẽ lên thừa kế, có lên nối ngôi vua hay không là điều cấm kỵ ở Thái Lan. Và số vụ kiện về tội khinh quân đã gia tăng kể từ khi xảy ra vụ đảo chính lần chót.

Sự kiện ấy, kèm với thiết quân luật đang tiếp tục, việc bãi bỏ hiến pháp và các sắc lệnh hạn chế quyền tự do phát biểu và hội họp đã có một tác động kinh hồn không những đối với phe bất đồng chính kiến mà cả đối với cuộc tranh luận công cộng về tương lai của Thái Lan.

Cựu Thủ tướng Thái Lan tự biện hộ trước cáo buộc tham nhũng (VOA60)
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:00 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG