Đường dẫn truy cập

Phạm Công Thiện, người bạn của nhiều thế hệ, đã qua đời


Phạm Công Thiện, người bạn của nhiều thế hệ, đã qua đời
Phạm Công Thiện, người bạn của nhiều thế hệ, đã qua đời

Nghe tin Phạm Công Thiện (1941-2011) qua đời, tôi cảm thấy bần thần cả mấy ngày. Phải nói ngay là tôi không quen biết gì với ông. Tôi cũng chưa bao giờ gặp ông cả, dù có thời gian ông sống ở Úc, nghe nói đến mấy năm, chủ yếu chỉ sống ở Sydney, cách Melbourne, nơi tôi đang ở khoảng gần một ngàn cây số. Có điều, tôi đọc ông khá sớm, có lẽ lúc khoảng 15, 16 tuổi gì đó. Và đọc khá đều. Sau này, ở hải ngoại, khi ông có sách mới, tôi đều tìm đọc. Lâu lâu lại đọc lại mấy cuốn sách cũ của ông được xuất bản từ trước 1975.

Thật ra, chuyện tôi đọc ông và thích ông cũng chẳng có gì đặc biệt. Trước năm 1975, ở miền Nam, chắc chắn ông là một tác giả thuộc loại ăn khách nhất. Không phải nhà văn ăn khách nào cũng được ngưỡng mộ. Nhiều nhà văn chuyên viết truyện cho lứa tuổi mới lớn, lứa tuổi thời đó thường gọi là tuổi mộng mơ hay tuổi thích ô mai, hẳn cũng được tìm đọc một cách thích thú. Nhưng thích thú không hẳn là ngưỡng mộ. Và không phải sự ngưỡng mộ nào cũng đủ mạnh để có thể được nhìn thấy như một phong trào. Chỉ giới hạn trong số những người cầm bút có tính phi-hư cấu (non-fictional), Nguyễn Hiến Lê, chẳng hạn, có lẽ cũng nhận được ngưỡng mộ của nhiều người thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Nhưng hầu hết những sự ngưỡng mộ ấy đều khá chừng mực và lặng lẽ. Chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân. Mỗi lần bước vào hiệu sách, thấy tác phẩm mới của ông, người ta mua ngay, rồi về nhà âm thầm đọc. Rồi thôi. Với Phạm Công Thiện thì khác. Sự ngưỡng mộ của người đọc thường được bộc lộ một cách rất nồng nhiệt và sôi nổi. Biến thành những lời trầm trồ, bàn tán, khen ngợi ở khắp nơi.

Tôi không biết trong nửa sau của thập niên 1960, sau khi những cuốn sách đầu tiên của Phạm Công Thiện được xuất bản và bán chạy ào ào, phản ứng của người đọc như thế nào, chứ vào đầu thập niên 1970, khi tôi học những năm cuối cùng của cấp 2, và đặc biệt, khi bước vào cấp 3, thì hầu như trong đám bạn trai cùng lớp của tôi, đứa nào cũng mê Phạm Công Thiện. Nhiều đứa, rất nhiều đứa, đi học, lúc nào cũng kè kè mang theo một cuốn sách nào đó của Phạm Công Thiện; chuyện trò, cứ lôi Phạm Công Thiện ra nói; viết bài cho mấy tờ bích báo trong lớp hay đặc san trong trường, thế nào cũng lòi ra đôi ba câu mang hơi hướm Phạm Công Thiện.

Nhớ, thời ấy, thoạt đầu tôi cũng chia sẻ với bạn bè sự say mê đối với Phạm Công Thiện. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi lại thấy có cái gì như lúng túng. Tôi để ý thấy, trong đám bạn học của tôi, những “fan” nồng nhiệt nhất của Phạm Công Thiện thường có một số đặc điểm khá giống nhau: một, học không có gì xuất sắc lắm; hai, cách ăn nói hơi… tàng tàng; và ba, ở dơ, tóc tai thì bù xù, quần áo thì bẩn thỉu, người ngợm thì rất hiếm khi được tắm rửa. Dần dần, tôi cố giấu sự say mê của mình. Có đọc Phạm Công Thiện thì cũng đọc “lén” ngoài tầm nhìn của bạn bè.

Dĩ nhiên, cần nói ngay, những “đặc điểm” nêu trên chỉ giới hạn trong phạm vi hoàn toàn cá nhân, trong mấy lớp cuối cùng của bậc trung học của tôi mà thôi. Ở những nơi khác, chắc chắn là Phạm Công Thiện có những độc giả biết rút tỉa từ ông những gì tinh túy nhất mà ông muốn gửi gắm và truyền đạt qua những trang viết lúc nào cũng hừng hực ngọn lửa của trí tuệ và nhiệt tình.

Điều đặc biệt là sự ngưỡng mộ của nhiều người đối với Phạm Công Thiện không hề chấm hết sau năm 1975. Ở hải ngoại, nhiều người vẫn tiếp tục đọc Phạm Công Thiện, đã đành. Ở trong nước, nhiều người, đặc biệt trong giới cầm bút, vẫn tiếp tục say mê Phạm Công Thiện. Trong những lần về Hà Nội, chuyện trò với bạn bè, một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là có khá nhiều nhà văn và nhà thơ ở miền Bắc cũng đọc Phạm Công Thiện rất kỹ. Và thích. Họ nhắc đến Phạm Công Thiện với một sự ngưỡng mộ không hề che giấu. Nhớ, có lần, một nhà thơ ở Hà Nội nói với tôi: Một tài năng và nhân cách kiểu như Phạm Công Thiện không hề có và không thể có ở miền Bắc. Trong cả tài năng lẫn nhân cách của ông đều có cái gì ngang tàng, phóng đãng, bạt mạng, bay bổng, vượt ra ngoài mọi khuôn phép và quy ước của xã hội, những điều hoàn toàn bị cấm kỵ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong giới cầm bút ở Sài Gòn hiện nay, sự ngưỡng mộ đối với Phạm Công Thiện lại càng rõ. Theo kinh nghiệm của tôi, từ những cuộc tán gẫu về văn nghệ với bạn bè ở Sài Gòn, nhắc đến bất cứ một tên tuổi nào trước 1975, ý kiến mỗi người mỗi khác; chỉ duy nhắc đến Phạm Công Thiện là dễ được mọi người đồng tình với nhau nhất. Đồng tình về sự uyên bác của ông. Đồng tình về cái tính nghệ sĩ hiếm có của ông.

Tuy nhiên, điều tôi chú ý và muốn nhấn mạnh nhất là: sự ngưỡng mộ giành cho Phạm Công Thiện kéo dài khá nhiều thế hệ. Những người đã trưởng thành trước 1975 ngưỡng mộ ông ư? Thì cũng dễ hiểu. Cả những người trưởng thành sau 1975, trong một hoàn cảnh lịch sử và khí quyển văn hóa hoàn toàn khác trước, vẫn say mê và đánh giá rất cao Phạm Công Thiện.

Trong loạt bài tưởng niệm Phạm Công Thiện trên Tiền Vệ mới đây, chúng ta bắt gặp nhiều lời phát biểu đầy ưu ái dành cho Phạm Công Thiện. Như, nhà thơ Inrasara (sinh năm 1957), trong bài “Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện & tuổi trẻ tôi”: “Tôi tin tưởng vào thiên tài. Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài.” Hay, như nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh (sinh năm 1958), trong bài “Cái rực rỡ của tuyệt vọng”: “Trong tưởng tượng của tôi, nếu chọn 10 tác giả của Sài Gòn trước 1975, trong số đó sẽ có Phạm Công Thiện. Còn nếu chọn 5, trong số đó vẫn có Phạm Công Thiện. Và nếu chỉ chọn một, thì người đó, dĩ nhiên là Phạm Công Thiện.”

Trong bài thơ “Những con đường và cơn mưa phùn tháng ba”, viết khi nghe tin Phạm Công Thiện qua đời, nhà thơ Khương Hà (sinh năm 1985) mở đầu bằng mấy câu:

em đừng nói với tôi về rừng
buổi chiều hình như đã mưa
cơn mưa phùn mãi mãi ở lại chứ không bay đi như cơn mưa phùn của Thiện
em cũng đừng nói với tôi về mặt trời
vốn không bao giờ có thực

Tôi chú ý đến mấy chữ “cơn mưa phùn của Thiện”.

Tôi đã nghe khá nhiều nhà thơ trẻ ở Sài Gòn, thuộc lứa tuổi của Khương Hà (sinh sau năm 1980), mỗi lần nhắc đến Phạm Công Thiện đều chỉ nói “Thiện” như thế. Không có họ, không có tên đệm gì cả. Chỉ “Thiện” thôi.

Lúc đầu, thoạt nghe, thú thật, tôi hơi có chút ngỡ ngàng. Nhưng sau, ngẫm lại, lại thấy hay. Nó có cái gì gần gũi, thân mật và thân thiết lạ lùng. Một sự gần gũi, thân mật và thân thiết, thứ nhất, có tính xuyên-thế hệ, và thứ hai, không hề có ở bất cứ một người cầm bút nào khác. Không ai gọi Nguyễn Tuân là “Tuân”, Mai Thảo là “Thảo”, Thanh Tâm Tuyền là “Tuyền”, Trần Dần là “Dần”… như vậy.

Chỉ có Phạm Công Thiện.

Một mình Phạm Công Thiện.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG