Đường dẫn truy cập

Pakistan đàn áp đối lập, nhưng cho phép 1 nhóm Hồi giáo cực đoan tuần hành


Những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Pakistan Imran Khan hô khẩu hiệu chống chính phủ bên ngoài dinh thự của ông Khan ở Islamabad, Pakistan, 28 tháng 10 năm 2016.
Những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Pakistan Imran Khan hô khẩu hiệu chống chính phủ bên ngoài dinh thự của ông Khan ở Islamabad, Pakistan, 28 tháng 10 năm 2016.

Nhà chức trách Pakistan bị đả kích nặng nề vì một mặt đàn áp giới hoạt động chính trị muốn biểu tình chống chính phủ, nhưng mặt khác lại cho phép một nhóm Hồi giáo cực đoan tuần hành tới tận trung tâm thủ đô Islamabad.

Đảng đối lập Pakistan Tehreek-i-Insaf (PTI) do quán quân bóng chày Imran Khan lãnh đạo, dự trù tiến về Islamabad vào ngày thứ Tư để tổ chức một cuộc biểu tình để đòi Thủ Tướng Nawaz Sharif từ chức, và tố cáo ông về tội tham nhũng.

Nhưng chính quyền Pakistan hôm thứ Năm cấm tất cả các cuộc tuần hành chính trị và tôn giáo trong thành phố, đồng thời phát động một chiến dịch đánh chặn trên khắp nước để ngăn cản người của đảng PTI và một số lãnh đạo đảng này, tuần hành tới Islamabad. Hàng trăm người đã bị bắt giữ.

Các trục lộ dẫn đến Islamabad bị phong toả bằng container, trong khi cảnh sát dùng gậy giải tán các thành viên đảng đối lập, đang trực chỉ về hướng thủ đô Islamabad.

Người cầm đầu đảng PTI, ông Imran Khan, bị cấm không được rời khỏi nhà ông ở gần Islamabad, cùng với một số lãnh đạo cao cấp khác đang hội họp tại đó. Ông Khan cam kết sẽ có mặt để dẫn đầu cuộc tuần hành dự trù cho ngày 2/11.

Trong khi các ủng hộ viên của phe đối lập đấu tranh với cảnh sát cả ngày thứ Sáu tới tận khuya, thì đảng Hồi giáo Ahle Sunnat Wal Jamaat (ASWJ) của người Sunni tuần hành ở một khu trung tâm Islamabad, bất chấp lệnh cấm tụ tập.

Bộ Nội vụ Pakistan biện minh rằng đây là một cuộc tuần hành tôn giáo, điểm tụ tập hàng năm của ASWJ, và ban tổ chức cuộc tuần hành đã xin phép trước.

Mặc dù vậy, chính quyền Pakistan bị đả kích mạnh mẽ vì cho phép cuộc tuần hành tôn giáo của một tổ chức bị chỉ trích là vẫn “cổ vũ cho phong trào cực đoan tôn giáo” tại một thời điểm khi mà Pakistan cần phải kiềm chế các nhóm Hồi giáo thường xuyên dùng lãnh thổ Pakistan để phát động các cuộc tấn công khủng bố tại Afghanistan và Ấn Độ.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền và giới bình luận tố cáo chính quyền của ông Sharif là áp dụng “hai tiêu chuẩn khác nhau” cho đối lập và nhóm Hồi giáo cực đoan, và đặt nghi vấn về cam kết của Pakistan sẽ kiềm chế phong trào cực đoan bạo động.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG