Đường dẫn truy cập

OECD hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2011


Ông Gurria nói điều quan trọng là các chính quyền phải áp dụng một số cải cách kinh tế vững chắc
Ông Gurria nói điều quan trọng là các chính quyền phải áp dụng một số cải cách kinh tế vững chắc

Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, OECD, đặt trụ sở tại Paris, đã giảm mức dự báo tăng trưởng cho năm 2011, giữa lúc một phúc trình mới kết luận rằng tiến trình hồi phục từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đã chậm lại trong năm nay.

Tại một cuộc họp báo ở Paris, Chủ tịch Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, ông Angel Gurria, nói rằng mức tăng trưởng kinh tế của thế giới đã bước vào một giai đoạn khó khăn hơn:

“Sản lượng và tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu mất đà, giữa lúc mức ủng hộ dành cho các biện pháp khích lệ tài chánh và các yếu tố có tính giai đoạn khác dần dà lùi vào quá khứ. Mức trì chậm này đã được dự liệu. Chúng tôi đã tính tới các yếu tố đó trong các số liệu từ tháng Năm năm ngoái, nhưng ít nhất là trong khu vực Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, khuynh hướng này có vẻ đậm nét hơn là chúng ta tưởng trước đây.”

Theo các số liệu đã được điều chỉnh của OECD cho năm 2011, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm tới, thay vì 4,5% như dự báo hồi tháng 5 năm 2010.

Trong phúc trình bán niên về tình hình kinh tế mới, Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế tiên đoán rằng tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2012, ở mức 4.6%.

Mức tăng trưởng của OECD, gồm 33 nước thành viên, kể cả các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, sẽ “khiêm nhường” hơn, chỉ đạt 2,3% trong năm tới, và 2,8% trong năm 2012.

Hoa Kỳ là nơi mà tình trạng trì chậm có vẻ rõ nét nhất, nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thay vì mức dự đoán 3,2%.

Ông Gurria còn nhắc đến những nguy cơ và rủi ro khác, kể cả những quan tâm về việc giá nhà cửa tại Hoa Kỳ và Anh sẽ còn xuống thấp hơn nữa, và mức công nợ leo thang tại một số quốc gia.

Chủ tịch Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế Gurria đưa ra những nhận định vừa kể, giữa lúc quan tâm đang lên cao về mức công nợ quá cao tại Ireland và Bồ Đào Nha.

Một nền kinh tế gặp khó khăn khác là Hy Lạp đã nhận một kế hoạch cứu nguy quy mô hồi đầu năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước thành viên OECD theo dự kiến sẽ duy trì ở mức cao tới 7,5% vào cuối năm 2012.

Ông Gurria nói rất quan trọng là các chính quyền phải áp dụng một số cải cách kinh tế vững chắc. Ông nói:

“Những biện pháp cải cách được cân nhắc kỹ và thi hành tốt đẹp sẽ mang lại những kết quả về 3 mặt: các biện pháp này sẽ tăng sản lượng và kiến tạo công ăn việc làm, chúng sẽ củng cố ngân sách quốc gia, và tái cân bằng mức cầu trên thế giới.”

Bất chấp bức tranh toàn cảnh không mấy sáng sủa, ông Gurria nói các nền kinh tế thế giới có thể sẽ nhận được một số tin vui, kể cả triển vọng các công ty mang về nhiều lợi nhuận, có thể đẩy mạnh đầu tư.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG