Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama trả lời truyền thông về thảm họa tràn dầu


Khi gặp gỡ các ký giả vào ngày thứ Năm tại một cuộc họp báo của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama sẽ phải trực diện với những câu hỏi hóc búa liên quan đến cách hành xử của chính quyền đối với vụ chảy dầu dưới biển tại vùng vịnh Mexico. Theo tường trình của Thông tín viên Dan Robinson từ tòa Bạch Ốc, đây sẽ là cuộc họp báo đầu tiên của ông Obama kể từ khi giàn khoan Deepwater Horizon bị nổ và chìm hồi tháng Tư.

Cho đến nay, Tổng thống Obama đã chịu áp lực mạnh từ các nhà phê bình thuộc nhiều phía trong chính giới và từ giới truyền thông liên quan đến những bước đối phó với tình hình vùng Vịnh và liên quan đến áp lực của chính quyền buộc BP đối phó với vụ chảy dầu.

Những câu hỏi hóc búa đang được đưa ra về điều gì sắp tới, chẳng hạn Tổng thống sẽ làm gì nếu như không ngăn chặn được dầu tiếp tục chảy, và điều gì sẽ phải làm cho dù ngăn chặn được, nhằm phòng tránh chuyện đó xảy ra lần nữa, và làm sao để những qui định liên quan đến việc khoan dầu được chặt chẽ hơn.

Được biết, Tổng thống sẽ viếng thăm vùng vịnh lần thứ 2 vào ngày thứ Sáu, và hôm thứ Tư ông đã đưa ra những nhận định sau đây tại California trước khi trở về Washington.

Ông Obama nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không ngồi yên cho đến khi cái giếng này được đóng lại, môi trường tại đó được điều chỉnh lại và và việc dọn dẹp được hoàn tất."

Trong nhiều tuần lễ, Tổng thống Obama và các cố vấn của ông cũng đã tìm cách lái sự quan tâm của giới truyền thông về những điều chính quyền đã làm nhằm trưng dụng những khối óc khoa học kỹ thuật lỗi lạc để giải quyết vấn đề và tránh những tai họa trong tương lai.

Vấn đề chính phủ sẽ làm gì kế tiếp hồi đầu tuần đã được Cựu Tư Lệnh Tuần Duyên Hoa Kỳ Thad Allen nói tới, ông được chỉ định là người giám sát công cuộc ứng phó toàn bộ của chính phủ.

Khi được hỏi về điều gì nên làm để cân xứng qui luật khoan dầu hiện tại của Mỹ với những tiêu chuẩn tại các nơi khác trên thế giới, Ðô đốc Allen nói: “Tôi đã yêu cầu thuộc cấp của tôi tìm hiểu các hệ thống luật lệ trên khắp thế giới, và cách thức một số nước xử lý luật lệ và thanh tra các hệ thống đề phòng tai nạn cùng các hệ thống khoan dầu.”

Ông nói thêm việc cứu xét tiêu chuẩn quốc tế có thể dựa theo tổ chức hàng hải quốc tế, mà Hoa Kỳ có tham gia.

Trong số những câu hỏi được lập đi lập lại có một thắc mắc là liệu tai họa Deepwater Horizon có buộc Tổng thống phải thay đổi quyết định mở rộng việc khoan dầu ngoài khơi trong những năm tới không. Hiện thời chính phủ hoãn việc cấp phép cho những hoạt động khoan dầu mới.

Cuộc họp báo ngày Thứ Năm cũng trùng hợp với việc Bộ trưởng Nội vụ Ken Salazar đệ trình lên Tổng thống bản phúc trình chính thức những gì đã phát hiện được cho đến giờ này về nguyên do gây ra tai họa trong vùng Vịnh.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs cũng nói tới một ủy ban độc lập mà Tổng thống Obama đã thành lập. Theo ông, Tổng thống đã cam kết sẽ duyệt xét tình hình thấu đáo mọi khía cạnh của tình hình.

Ông Gibbs nói: “Nhìn vào vai trò của của cả công nghiệp dầu khí lẫn vai trò của chính phủ trong việc điều hành công nghiệp này, theo tôi Tổng thống đã có thái độ rất rõ rệt là chúng ta không nên tiếc rẻ một khoản chi nào khi cần phải cứu xét những khả năng chuyện gì đã gây ra sự cố này.”

Một ngày trước khi diễn ra cuộc họp báo, trong một cuộc điều trần tại Quốc hội, các nhà làm luật đã tỏ ra phẫn nộ và chất vấn Bộ trưởng Nội Vụ Ken Salazar về những tin tức nói tới tình trạng chấp pháp lỏng lẻo và những vi phạm qui tắc đạo đức của các viên chức chính phủ có nhiệm vụ thanh tra việc khoan dầu ngoài khơi.

Ông Salazar đã nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ là bắt BP phải chịu trách nhiệm về mọi chi phí liên quan đến tai nạn chảy dầu, và đây cũng là một vấn đề nổi cộm sẽ được nêu ra trong cuộc họp báo ngày thứ Năm.

Ông Salazar nói: “Điều đó có nghĩa là họ phải chịu tất cả mọi tổn phí để ứng phó với vụ chảy dầu do họ gây ra, nó có nghĩa là họ phải cáng đáng mọi thiệt hại có liên quan tới tác động đối về tài nguyên thiên nhiên, có nghĩa là mọi phí tổn liên quan đến công tác dọn dẹp, và có nghĩa là những người sẽ chịu ản hhưởng về mặt kinh tế tại vùng Vịnh cũng sẽ được bồi thường.”

Ông Salazar cũng nêu rõ một điều là, trong nhiều cuộc họp với BP, công ty này đã cam kết không “núp đằng sau” giới hạn về trách nhiệm gây thiệt hại là 75 triệu đôla theo luật hiện hành của Mỹ mà các nhà lập pháp đang có ý định hủy bỏ, một động thái được chính quyền Tổng thống Obama hậu thuẫn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG