Đường dẫn truy cập

NXB Tự do bị đóng tài khoản vì ‘thách thức’ sự kiểm duyệt của nhà nước


Hai quyển sách của Nhà báo độc Phạm Đoan Trang do NXB Tự do ấn hành. Photo Facebook NXB Tự do.
Hai quyển sách của Nhà báo độc Phạm Đoan Trang do NXB Tự do ấn hành. Photo Facebook NXB Tự do.

Ba tài khoản ngân hàng của một nhà xuất bản ở Việt Nam được cho là bị an ninh ra lệnh khóa bởi vì các ấn phẩm của họ không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền.

Ông Nam Khánh, đại diện của NXB Tự do, hôm 4/8 cho VOA biết:

“Trong vòng một tháng qua, ba tài khoản ngân hàng của chúng tôi đã bị can thiệp khóa một chiều. Kể từ tuần trước, chúng tôi không thể rút tiền mặt và cũng không thể rút tiền online, mặc dù tài khoản vẫn nhận được chuyển khoản từ độc giả.”

Ông Nam Khánh cho biết ba tài khoản này được đăng ký ở các ngân hàng Vietcombank, VP Bank, và Eximbank.

“Chúng tôi đã liên lạc với ngân hàng nhưng họ chỉ phản hồi là ‘chờ kiểm tra lại và báo sau,’” ông Khánh chia sẻ.

VOA chưa liên lạc được với các ngân hàng trên để tìm hiểu lý do các tài khoản của NXB Tự do bị khóa.

Ra đời từ ngày 14/2/2019, Nhà Xuất Bản Tự Do, một tổ chức có phương châm “Nói ‘không’ với kiểm duyệt, lan tỏa tri thức và tôn trọng sự thật” gây chú ý với việc phát hành một loạt sách của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang: “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực,” cùng một số sách của các tác giả khác có nội dung liên quan đến nhân quyền, tù nhân lương tâm, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo báo Người Việt.

Được hỏi có phải vì xuất bản các quyển sách vừa nêu mà bị an ninh sách nhiễu chăng, ông Nam Khánh nói: “Việc NBX bị đánh phá, tôi cho rằng không phải chỉ vì chúng tôi hợp tác với cô Phạm Đoan Trang, mà vì tiêu chí không chịu kiểm duyệt của NXB.”

“Một NXB hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước, thường xuyên bị chính quyền đánh phá là điều không có gì lạ. Gần đây nhất là việc người giao sách của chúng tôi bị an ninh giả dạng mua sách để vây bắt 2 lần trong 3 ngày, các thành viên của NXB bị truy đuổi phải bỏ chạy khỏi nơi ở, lần đó chúng tôi đã mất gần như toàn bộ tài sản có giá trị.”

Trong một thông cáo hôm 1/8, NXB Tự Do nói: “Sự việc này (khóa tài khoản ngân hàng) cùng với việc người giao hàng của công ty dịch vụ vận chuyển sách bị gài bẫy chứng tỏ an ninh quyết phá cho bằng được các hoạt động xuất bản độc lập. Họ quyết chặn nguồn tài chính giúp duy trì và tái đầu tư cho việc in ấn và phát hành sách.”

Hôm 5/8, nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên Facebook:

“Sau lần “vồ hụt” người vận chuyển cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực” và “Chính trị bình dân” sáng 30/7, lực lượng an ninh đã tiếp tục rình bắt các shipper…, trong đó có một lần an ninh huy động cả côn đồ vào cuộc đuổi bắt.

“Bên cạnh đó, gần như bất cứ tài khoản cá nhân nào được NXB Tự Do mở ra (để nhận tiền mua sách và ủng hộ từ bạn đọc) đều bị phong toả ngay lập tức.”

Ngoài ra, các hoạt động tặng sách miễn phí của Nhà Xuất Bản Tự Do trong thời gian gần đây được cho là khiến lực lượng an ninh văn hóa của chính quyền Việt Nam nổi giận và tìm cách ngăn chặn ráo riết, theo Người Việt.

Sách do Nhà Xuất bản Tự do ấn hành. Photo NXB Tự do
Sách do Nhà Xuất bản Tự do ấn hành. Photo NXB Tự do

Bà Phạm Đoan Trang cho biết thêm:

“Trước tình hình đó, Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi – một đài phát thanh của người Việt hải ngoại – đã đứng ra đảm nhận việc phát hành tác phẩm “Phản kháng phi bạo lực” ở bên ngoài Việt Nam, nhằm giúp NXB Tự Do quảng bá các ấn phẩm độc lập.”

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào cuối tháng 7, đại diện NXB Tự do cho biết:

“Sự cai trị độc đoán và kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Việt Nam đã dần biến Tự Do thành một cái gì đó rất xa xỉ đối với người Việt, vì vậy với mong muốn giúp người dân Việt Nam tiếp cận với kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại và vén bức màn sắt đang bao phủ lên đời sống xã hội Việt Nam, cũng như góp phần thúc đẩy một ngành in ấn, xuất bản thật sự độc lập, chúng tôi muốn mục tiêu của mình thể hiện ở ngay từ cái tên của nhà xuất bản. Đó là tự do sáng tác, truyền thông báo chí tự do, xuất bản tự do, tự do học thuật, và cái tên Nhà xuất bản Tự Do đã ra đời như chính mục tiêu và lý do mà nó tồn tại.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG