Và vì đề tài này tương đối khá rộng cho nên chúng tôi xin chia ra làm hai kỳ; hôm nay dành cho phần Một.
“1000 năm Thăng Long - Hà Nội”! Chỉ có điều là về mặt lịch sử mà nói thì một khi nhấn mạnh vào một thời điểm nào đấy, cho dù có trọng đại đến mấy, thì nó cũng dễ khiến cho nhiều thời điểm quan trọng khác như có phần bị Lư mờ! Thăng Long, kinh đô đầu tiên từ triều đại nhà Lý vào năm Thuận Thiên thứ Hai, 1010 cho đến thời nhà Nguyễn năm 1802 chăng? Vua Lý Công Uẩn trước khi dời đô từ Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay về thành Đại La, tức khu vực phía Nam của nội thành Hà Nội về sau, thì truyền thuyết có ghi là ngài nằm mơ thấy có con rồng vàng bay lên trời cho nên đã cải danh Đại La thành ra Thăng Long. Nhưng trước đấy mà không có Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, có công pha Tống về sau, trở thành vua Lê Đại Hành của nhà Tiền Lê thì lấy đâu ra chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ được ban cho Lý Công Uẩn để sau khi Lê Long Đinh chết thì ngai vàng lọt vào tay nhà Lý? Ngược dòng lịch sử thêm một tí nữa thôi thì Ngô Vương Quyền, vị vua đầu tiên của nước Nam chính thức xưng vương sau khi đại phá quân Nam Hán ở trận Bạch Đằng, mà không có ngài thì lấy đâu ra mối loạn “Thập Nhị Sứ Quân” sau khi vua băng hà, để rồi từ đấy mới xuất hiện vua Đinh Tiên Hoàng với viên Thập Đạo Tướng Quân của mình là Lê Hoàn? Mà Ngô Vương Quyền thì đóng đô ngay tại thành “Cổ Loa” có từ đời An Dương Vương, ngay địa phận của Hà Nội về sau chứ nào có đâu xa?
Các nhạc sĩ, vì là nghệ sĩ, cho nên khi cổ vũ lòng yêu nước thì họ cảm nhận theo tình cảm tự nhiên đối với lịch sử của giống nòi, theo cảm quan của riêng mình nếu như người ta để cho họ tự do sáng tác chứ không làm theo khẩu hiệu nhất thời của mỗi thời. Vậy thì đã nhắc đến Thăng Long, xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe lại một bài hát thật đặc sắc của Hoàng Quý khi xưa, nói đến một thời trước Thăng Long là bài “Bóng cờ lau” mà trên mạng có nói vừa quên cả lịch sử lẫn tựa đề bài hát để ghi là “Bóng cỏ lau”!
Sau đây là bài “Bóng cờ lau” của Hoàng Quý, trình bày tốp ca.
( Trích “Bóng cờ lau” )
Vừa rồi là một lượt hát bài “Bóng cờ lau” của Hoàng Quý, trình bày tốp ca!
“Hoa Lư oi! Muôn năm còn trong sương gió. Đến muôn đời mà không dứt lời ca!”
Và ấy là hình ảnh lịch sử của đất Hoa Lư, kinh đô của nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Nhưng tất nhiên là muốn cho “đến muôn đời mà không dứt lời ca” theo như lời bài hát thì người ta phải biết để mà nhớ đến cũng như hát nó lên!
Còn khi nói đến Thăng Long thì ai khác sao không biết, nhưng theo như chỗ chúng tôi thấy thì cho đến tận ngày hôm nay, chưa có bài hát nào đặc sắc hơn bài “Thăng Long hành khúc”, nhạc của Văn Cao, lời của Đỗ Hữu ích vào thời giữa thập niên 40. Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài “Thăng Long hành khúc” qua giọng ca Quang Hung và nhóm tốp nữ phụ họa.
( Trích “Thăng Long hành khúc” )
Vừa rồi là bài “Thăng Long hành khúc” của Văn Cao và Đỗ Hữu Ích qua giọng ca Quang Hung và tốp nữ phụ họa.
Năm 1831, triều Minh Mạng của nhà Nguyễn, thì kinh đô đã dời về Phú Xuân, thuộc địa bàn của Huế ngày nay, nơi mà có tài liệu lịch sử ghi là vua Gia Long năm 1802 khi lập nên triều đại nhà Nguyễn đã có ý kiến cho rằng: “Đóng đô ở Phú Xuân mới gọi là Kinh sử”! Vậy thì năm 1831, trong một cuộc cải cách quy mô về mặt hành chính, Thăng Long ở ngoài Bắc được cải danh lại là Hà Nội! Trước đấy hơn 400 năm, thời kỳ nhà Minh đô hộ An Nam tức thời kỳ Bắc thuộc lần thứ Tư thì không những tên nước đã bị đổi thành Giao Chỉ mà Thăng Long cũng đã bị đổi tên thành Đông Quan. Bài hát của Văn Cao và Đỗ Hữu Ích không mang tựa đề “Hà Nội hành khúc” mà là “Thăng Long hành khúc” phi chăng vì ý nghĩa theo chiều dài lịch sử của Thăng Long quan trọng hơn nhiều so với cái tên mới là Hà Nội; chưa nói gì đến tổn thất theo biến cố lịch sử gần gũi nhất với thời ấy, khi thành Hà Nội mất về tay quân Pháp vào năm 1882, Tổng Đốc Hoàng Diệu tự vẫn để giữ vẹn danh tiết!
Cuối năm 1946 thực dân Pháp tái chiếm Hải Phòng và đánh ra Hà Nội. Tự vệ Thành tập hợp hàng ngũ để chống trả. Chủ trương “Toàn Quốc Kháng Chiến” được ban hành. Các lực lượng chính quy dần dần rút ra chiến khu, nhưng Hà Nội vẫn là địa bàn của cảnh súng nổ đạn rơi. Bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đinh Thi, viết năm 1947, với những câu như “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” là chuyện ca từ căn cứ vào những cái có thực!
Nhưng bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đinh Thi mãi về sau này ít ra vẫn còn có khi được ca sĩ người ta hát lại. Còn như bài “Hà Nội 49” của Trần Văn Nhơn, sinh năm 1912 ở Sàigòn, mất năm 1973 cũng tại Sàigòn, một nhạc sĩ người miền Nam từng có thời làm truởng ban Việt Nhạc ở đài phát thanh Hà Nội từ năm 1948 đến 1952 với sự có mặt ở đấy của các nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ hay các ca sĩ như Minh Trang, Minh Đỗ, thì những bài như “Hà Nội 49” của ông, khi mà tình hình ở Hà Nội vẫn còn rất nhiễu nhương, lại hiếm có mấy ai ngày nay còn biết đến.
Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài “Hà Nội 49” của Trần Văn Nhơn qua giọng ca Mai Hoa.
( Trích “Hà Nội 49” )
Vừa rồi là một lượt hát bài “Hà Nội 49” qua giọng ca Mai Hoa. Hà Nội của năm 1949, như chúng tôi vừa nói đến, là cái thời vẫn còn gay go về mặt tình hình chính trị cũng như quân sự tại Hà Nội. Ấy là thời mà nhạc sĩ Hoàng Dương, theo như tài liệu có người kể lại, có cảm hứng sau hai lần phải tạm xa Hà Nội, để viết nên bài “Hướng về Hà Nội” vào năm 1954, một bài hát mà cho đến tận ngày hôm nay có lẽ chưa có bài hát nào viết về Hà Nội mà có được giai điệu cũng như ca từ đẹp một cách hồn nhiên nhưng tha thiết như thế. Sau năm 54, ở trong Nam khi bài hát vẫn tiếp tục được phổ biến thì khá nhiều người ngộ nhận ấy là tâm tình cùa một người rời xa Hà Nội để vào Nam, thế nhưng không phải, vì tác giả của nó vẫn ở lại miền Bắc. Còn có tài liệu ghi rằng tác giả viết năm 54 sau khi đã về Nam Định.
Bài “Hướng về Hà Nội” thì chúng tôi đa có dịp giới thiệu đôi lần trong chương trình này do đó hôm nay không cho phát lại, vì khuôn khổ thời gian không cho phép là cái chính.
Nhưng rồi sau năm 54 thì có một loạt các nhạc sĩ gốc Bắc theo nhau di cư vào Nam. Và ở đây người ta bắt đầu nghe rất nhiều ca khúc nổi tiếng viết về quê hương miền Bắc, về Hà Nội.
Điển hình nhất là bài “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành mà chúng tôi xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe qua giọng ca Anh Ngọc, được ghi âm vào thời trước 75 ở trong Nam!
( Trích “Giấc mơ hồi hương” )
Quý vị thân mến! Chúng ta đang nghe bài hát “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành qua giọng ca Anh Ngọc, được ghi âm trước năm 75 ở trong Nam. Và đến đây thì cũng đã kết thúc phần đầu của đề tài phát thanh ngày hôm nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại với phần tiếp theo trong buổi phát thanh tuần sau!