Đường dẫn truy cập

Nhuận bút cho các nhà văn


Trình bày bìa: Nguyên Hưng. Chân dung tác giả: Hoạ sĩ Phương Quốc Trí
Trình bày bìa: Nguyên Hưng. Chân dung tác giả: Hoạ sĩ Phương Quốc Trí

In sách mới. Tự quảng cáo cho sách mới trên blog. Công việc ấy dễ gợi ấn tượng như một trò thương mại rẻ tiền.

Thực sự không phải thế.

Bạn có biết in một cuốn sách ở hải ngoại, tác giả nhận được bao nhiêu tiền không?

Nói đến nhuận bút của các nhà văn, người ta rất dễ bị lừa. Lừa vì những tin tức thường thấy trên báo chí. Chẳng hạn, báo loan tin, trong năm 2009, Tổng thống Barack Obama của Mỹ nhận được trên 5 triệu rưỡi đô Mỹ từ tiền nhuận bút hai cuốn sách của ông Dreams from my Father (xuất bản lần đầu năm 1995) và Audacity of Hope (xuất bản lần đầu năm 2006). Số tiền này cao hơn cả chục lần lương tổng thống của ông. Lại nữa, báo chí cũng loan tin tiền nhà xuất bản ứng trước cho cuốn hồi ký My Life của cựu Tổng thống Bill Clinton là mười triệu, cho cuốn hồi ký Living History của vợ ông, bà Hillary Rodham Clinton, là tám triệu. Tiền nhuận bút cho nhiều chính khách nổi tiếng hay một số “sao” trong lãnh vực thể thao và điện ảnh khác cũng rất cao, lên đến hàng triệu đô Mỹ.

Nhìn sang nhuận bút của các cây bút best-seller trên thế giới, người ta lại càng dễ bị lừa. Chẳng hạn, theo Forbes, trong năm tài chính 2009-2010, nhà văn J.K. Rowling kiếm được 10 triệu (dù không in thêm được cuốn sách nào mới cả); Nicholas Sparks kiếm được 14 triệu; John Grisham 15 triệu; Janet Evanovich 16 triệu; Dean Koontz 18 triệu; Ken Follett 20 triệu; Danielle Steel 32 triệu; Stephen King 34 triệu; Stephenie Meyer 40 triệu; James Patterson đứng đầu với 70 triệu.

Xin lưu ý: năm 2009 là năm kinh tế thế giới bị khủng hoảng trầm trọng, thu nhập của các tác giả best-seller, nói chung, hơi thấp hơn những năm trước. Ví dụ, cũng theo Forbes, trong năm 2007, Nicholas Sparks kiếm được 16 triệu, Janet Evanovich 17 triệu, Kent Follett 20 triệu, Dean Koontz 25 triệu, John Grisham cũng 25 triệu, Danielle Steel 30 triệu, Tom Clancy 35 triệu, Stephen King 45 triệu, James Patterson 50 triệu và đứng đầu danh sách là J.K. Rowling, tác giả của Harry Potter nổi tiếng, kiếm được 300 triệu.

Để có được tiền nhuận bút lớn lao như vậy, số ấn bản được phát hành trên mỗi đầu sách phải cao ghê gớm. Ví dụ, mỗi năm số sách của Janet Evanovich bán được lên đến khoảng 20 triệu cuốn; tổng cộng Nicholas Sparks đã bán được 55 triệu cuốn sách; tiền bản quyền để chuyển thể thành phim lên đến 300 triệu. Cho đến cuối năm 2007, số ấn bản các tập Harry Potter bán được lên đến 375 triệu cuốn. Riêng tập cuối, Harry Potter and the Deathly Hallows bán được 15 triệu cuốn ngay trong 24 giờ đầu tiên. Loạt sách kinh dị của Stephen King cũng đã bán đến 350 triệu cuốn. Lượng sách được xuất bản của Daniel Steel còn nhiều hơn cả King và Rowling: khoảng trên 600 triệu cuốn, trong đó có khoảng trên 20 tác phẩm được dựng thành phim.

Tôi gọi những con số “hoành tráng” ở trên đã lừa người đọc vì chúng chỉ là những ngoại lệ. Trên thế giới được bao nhiêu người? Hiếm lắm. Ở cái đỉnh cao mà báo chí thường nhắc chỉ có vài chục, hay nhiều lắm là vài trăm. Ngay cả khi con số này lên đến vài ngàn đi nữa thì nó cũng quá khiêm tốn so với hàng chục triệu người từng xuất bản sách trên thế giới.

Ngoài các ngoại lệ kể trên, các tác giả khác thu nhập được bao nhiêu từ tiền nhuận bút?

Tôi không biết.

Theo thống kê của Bộ Lao Động Mỹ, vào năm 2008, tại Mỹ có 151,700 nhà văn. Nhưng cái gọi là “nhà văn” (writer), trong tiếng Anh, thường được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm từ người sáng tác đến những người viết sách giáo khoa và viết quảng cáo (copy writer). Ví dụ, trong 151,700 nhà văn kể trên, 30% được lãnh lương định kỳ từ những công việc ít nhiều liên quan đến chữ nghĩa như nhà xuất bản (kể cả việc xuất bản các cuốn niên giám điện thoại), báo chí, truyền thanh, truyền hình, v.v... ở đó nhiệm vụ chính có khi chỉ là biên soạn các mẩu quảng cáo hay thư từ trong các vấn đề quan hệ công chúng (public relations).

Thu nhập trung bình của các nhà văn loại này là 53,070 đô Mỹ một năm. Trong số đó lương của những người hoạt động trong ngành quảng cáo và quan hệ công chúng tương đối cao hơn, trung bình 58,740; còn những người hoạt động trong lãnh vực xuất bản và báo chí thì ít hơn một chút, trung bình 43,450 đô.

Tại Úc, con số thống kê chi tiết hơn, trong đó người ta phân biệt rõ thu nhập từ sáng tạo và từ những hoạt động phi-nghệ thuật. Ví dụ, trong năm tài chính 2000-2001, thu nhập trung bình của các nhà văn là 46,100 đô Úc, trong đó có khoảng 26,400 đô là từ các hoạt động liên quan đến nghệ thuật và 19,700 là từ các hoạt động phi-nghệ thuật (non-arts incomes).

Nhưng cả hai con số thống kê nêu trên vẫn không cho biết thu nhập chính từ bản thân việc viết lách. Liên quan đến điều chúng ta quan tâm, thống kê của Nghiệp đoàn nhà văn Utah có lẽ thiết thực hơn. Trong năm 2004, Liên đoàn làm một cuộc điều tra đối với 234 nhà văn hoạt động trong nhiều thể loại khác nhau (33% viết cho báo và tạp chí, 11% làm biên tập viên, 32% viết sách và tiểu thuyết, 6% viết truyện ngắn và 18% tham gia các hoạt động khác). Thu nhập trung bình từ tác phẩm của các nhà văn này là 5,213.28 đô Mỹ một năm!

Làm sao người ta có thể sống với số thu nhập ít ỏi như vậy? 44.1% cho biết viết lách, với họ, chỉ là thú vui, và 14.41% coi đó là nguồn thu nhập phụ. Chỉ có 5.25% coi viết lách là nghề chính. Nhưng thu nhập trung bình của những người coi việc viết lách là nghề chính này cũng chỉ là 29,291 đô một năm, nghĩa là vẫn rất thấp so mức thu nhập trung bình ở Mỹ (khoảng 41,994 đô vào năm 2004).

Những con số trên khá cụ thể. Nhưng có lẽ để dễ hình dung hơn, chúng ta chọn cách khác: tự tính toán qua số lượng sách ấn hành và quy định về nhuận bút.

Tiền nhuận bút mà nhà xuất bản trả cho tác giả thay đổi tuỳ từng nhà xuất bản và cũng tuỳ loại sách. Nói chung, đối với sách bìa cứng (hardback, thường được bán với giá khá đắt) thường là từ 10 đến 12.5%, chỉ có một số tác giả quan trọng và cực kỳ nổi tiếng mới được khoảng 15%. Sách bìa mỏng (paperback, thường giá rẻ), nhuận bút thấp hơn, từ 7.5 đến 10%.

Để cho tiện, chúng ta cứ cho tiền nhuận bút là 10%.

Có điều quan trọng cần lưu ý là 10% này không phải trên giá bán lẻ mà thực tế là giá bán lẻ sau khi trừ phí phát hành (gọi là net income). Ví dụ giá bán lẻ của cuốn sách là 20 đô. Phí phát hành ở Mỹ thường chiếm một nửa. Nghĩa là chỉ còn lại 10 đô. 10% tiền nhuận bút được tính trên 10 đô này chứ không phải là 20 đô ghi ở bìa sau cuốn sách. Nói cách khác, trong trường hợp này, tác giả sẽ nhận được 1 đô nhuận bút cho mỗi cuốn sách.

Nhưng chưa hết. Phí phát hành 50% vừa nêu chỉ áp dụng trong thị trường nội địa. Đối với sách phát hành ở phạm vi quốc tế, do chính sách không hoàn trả (no-return policy, sách gửi bán ở nước ngoài, nếu dư thừa hoặc hư hỏng thì bỏ luôn), phí phát hành có thể lên đến 70% giá sách. Trong trường hợp này, tiền nhuận bút dành cho tác giả của cuốn sách 20 đô chỉ vào khoảng 50 xu.

Để cho...lạc quan, chúng ta sẽ không tính đến chuyện bán ra nước ngoài. Chỉ giới hạn trong thị trường nội địa mà thôi.

Bây giờ thử tưởng tượng cuốn sách ấy được bán một triệu bản. Nhuận bút là một đô cho mỗi cuốn. Tổng cộng nhà văn sẽ nhận được một triệu đô. Nếu bán được 100,000 bản, nhuận bút: 100,000 đô. Nếu bán được 10,000 bản, nhuận bút: 10,000 đô. Nhưng nếu chỉ bán được 5,000 bản? Nhuận bút là 5,000 đô. Tệ hơn nữa, bán được 1,000 bản thì nhuận bút sẽ chỉ là 1,000 đô.

Đó là trên lý thuyết. Trên thực tế, đối với những cuốn sách chỉ bán được một, hai ngàn cuốn thì tác giả thường không nhận được đồng nào cả. Lý do: chi phí in đã quá cao.

Xin lưu ý: Tuyệt đại đa số các cuốn sách, kể cả bằng tiếng Anh, chỉ có mức phát hành trung bình là 5,000 ấn bản. Đối với sách nghiên cứu, phê bình, lý thuyết do các nhà xuất bản hàn lâm in, số lượng ấn hành chỉ trung bình khoảng 1,000. Có khi còn thấp hơn nữa. Trong rất nhiều trường hợp, tác giả không những không có nhuận bút mà còn được/bị yêu cầu đóng góp một phần ấn phí. (Tôi không biết ở các nước khác như thế nào chứ tại Úc, một số cơ quan văn hoá hoặc trường đại học có chương trình tài trợ một phần hay toàn bộ số tiền “đóng góp” này.)

Đó là sách in bằng tiếng Anh, ngôn ngữ có thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Còn sách bằng tiếng Việt ở hải ngoại thì như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phân biệt hai thời kỳ: thời hoàng kim và thời suy tàn.

Ở thời “hoàng kim”, từ khoảng giữa thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990, nhà xuất bản lớn nhất và có uy tín nhất hải ngoại là Văn Nghệ ở California, thường in 1,000 cuốn cho mỗi đầu sách. Nhuận bút tính chung là 10%. Sách tiếng Việt thường rẻ, giá trung bình 15 đô cho một cuốn khoảng 300 trang. Ở trường hợp này, nhuận bút cho tác giả là 1,500 đô.

Từ đầu thế kỷ 21, thời “hoàng kim” dần dần biến thành thời “suy tàn”. Các nhà sách ở hải ngoại lần lượt bị đóng cửa. Hầu hết các nhà xuất bản cũng ngưng hoạt động. Bây giờ hầu như chỉ còn một nhà xuất bản thương mại duy nhất: Văn Mới ở California. (Bạn đọc có thể thấy một số tên nhà xuất bản khác, nhưng hầu hết đều là do tác giả tự xuất bản và đặt một cái tên cho... oai chứ không phải là nhà xuất bản thực sự hoạt động!)

Thời này, số ấn bản trung bình cho mỗi đầu sách từ 1,000 bị rút xuống thành 500, thậm chí, có khi chỉ 200 hay 300. Mười phần trăm nhuận bút dành cho tác giả cũng bị biến mất.

Nói cách khác, hiện nay, in một cuốn sách, tác giả không nhận được một đồng nào cả.

Tuyệt đối không.

Bản thân tôi, ngay trong thời “hoàng kim”, lúc sách được bán tương đối khá dễ, cũng hiếm khi tôi lấy tiền nhuận bút. Thường, tôi lấy sách. Ví dụ: ngoài số sách nhà xuất bản biếu, lấy thêm 100 cuốn nữa để... tặng!

Một số bạn đọc có thể ngạc nhiên, tự hỏi: Vậy in sách để làm gì?

Câu trả lời thành thực nhất: Cho... vui.

Mê đọc và mê nghĩ, một lúc nào đó thấy ngứa ngáy hay táy máy muốn viết. Viết xong, chẳng lẽ để hoài trong computer của mình? Bèn in. Ít ra có một số người đọc. Trong đó, biết đâu có một số tri âm.

In sách là một cách để tìm gặp những tri âm ấy.

Gặp... cho dzui.
Vậy thôi.

***
Một số chi tiết về cuốn Văn học Việt Nam thời toàn cầu hoá:
Nhà xuất bản: Văn Mới (California)
Dày: 300 trang
Giá: 14 Mỹ kim
Trình bày bìa: Nguyên Hưng
Chân dung tác giả: Hoạ sĩ Phương Quốc Trí

Bìa sau:

“Bộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc […].”

(Nguyễn Mộng Giác, Talawas 14.3.2006)

“Một số người ở hải ngoại đã nuôi ảo tưởng rằng nếu được tự do phổ biến thì văn học hải ngoại sẽ như một làn gió mới, gây nên những chấn động gì kinh khủng lắm. Có lẽ không như vậy. Gây chấn động bây giờ có phải dễ đâu. So với những sáng tác của hải ngoại thì có khi lối viết phê bình của Nguyễn Hưng Quốc lại gây tác động với trong nước nhiều hơn. Ông Quốc hội tụ được cả ba điểm: Một, tiếp thu được những lí thuyết mới; hai, nắm chắc văn học Việt Nam […]; ba, có một lối viết vừa là khoa học vừa là văn chương.”

(Phạm Xuân Nguyên, Talawas 21.4.2005)

Địa chỉ liên lạc của nhà xuất bản Văn Mới:

P.O.Box 287,
Gardena
, CA 90248
USA

Phone: (1) (310) 366 6867
Email: kimanquan@yahoo.com
Homepage: http://www.vanmoi.com/

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG