Đường dẫn truy cập

Nhóm chuyên gia LHQ: Việc tống giam ông Nguyễn Ngọc Ánh là ‘tùy tiện’


Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh.
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh.

Các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa đưa ra bản ý kiến cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam và xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh là “tùy tiện” và đã vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền.

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (WGAD) đưa ra Bản Ý kiến số 43/2022 liên quan đến trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Ánh, người đang thụ án 6 năm tù và 5 năm quản chế tại Việt Nam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

WGAD nhận định rằng việc giam giữ ông Ánh là tùy tiện chiếu theo các tiêu chí I, II, III và V, và nêu quan ngại về các điều kiện giam giữ và các biện pháp trả thù nhằm vào ông.

“WGAD yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Ánh ngay lập tức và cải thiện tình hình để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, bao gồm cả những quy định được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị”, văn phòng Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền LHQ viết thông báo cáo chí gửi cho VOA kèm theo bản Ý kiến hôm 21/1/2023.

Theo WGAD, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Ánh “ngay lập tức”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về Bản Ý kiến của Nhóm Công tác LHQ, nhưng chưa được trả lời.

Trao đổi với VOA hôm 24/1 từ Bến Tre, bà Nguyễn Thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, nói:

“Xin được cảm ơn những người làm việc ở LHQ và những anh chị em ở hải ngoại luôn đồng hành cùng lên tiếng bảo vệ cho chồng tôi”.

“Tôi cũng đồng ý với mọi người rằng chồng tôi hoàn toàn vô tội; yêu cầu Việt Nam phải phóng thích chồng tôi vô điều kiện vì chồng tôi chỉ lên tiếng bảo vệ môi trường và bảo vệ cho đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn, chứ chồng tôi không làm gì sai để phải nhận bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế”.

Nhóm Công tác LHQ ra Bản Ý kiến về trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ánh bị chính quyền Việt Nam giam cầm 6 năm tù, 5 năm quản chế.
Nhóm Công tác LHQ ra Bản Ý kiến về trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ánh bị chính quyền Việt Nam giam cầm 6 năm tù, 5 năm quản chế.

WGAD lưu ý rằng trường hợp ông Ánh là một trong số các trường hợp được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc “tước đoạt quyền tự do của con người một cách tùy tiện, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam”.

Nhóm Công tác lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, mà nếu cứ tiếp tục, “có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế.

Bản Ý kiến dài 17 trang ở đoạn 92 viết: “Nhóm Công tác cho rằng các cáo buộc và kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự đối với việc thực hiện các quyền một cách ôn hòa là không phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Nhân quyền LHQ”.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, 43 tuổi, là một kỹ sư, đồng thời là một blogger và nhà bảo vệ nhân quyền, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 9/2018. Ông lên tiếng về các vấn đề môi trường khác nhau vì có ảnh hưởng đến cộng đồng và người dân Việt Nam.

Sau thảm họa Formosa năm 2016, ông trở nên tích cực hơn, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và đăng trên các nền tảng truyền thông xã hội về các vấn đề thời sự liên quan đến thảm họa môi trường, chính trị và vi phạm nhân quyền ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, nhóm Công tác LHQ cho biết.

Tính đến ngày 21/1, các chuyên gia nhân quyền LHQ vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam về Bản Ý kiến này, sau 60 ngày phát hành. Bản Ý kiến được gửi đi hôm 10/11/2022.

Trước đó, trong một văn thư vào ngày 5/4/2022, chính quyền Việt Nam phản hồi các chuyên gia nhân quyền LHQ, nói rằng ông Ánh bị bắt vì “vi phạm pháp luật Việt Nam và dựa trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và cung cấp bởi cơ quan có thẩm quyền – chứ không phải vì thực hiện các quyền cơ bản”, bản Ý kiến dẫn văn thư của chính phủ Việt Nam cho biết.

Phía Việt Nam còn cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của nước này đã “tiến hành thực hiện đầy đủ” các thủ tục tố tụng có liên quan, “tuân thủ đầy đủ” các quy định pháp luật của Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người có liên quan.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG