Đường dẫn truy cập

Nhớ và Quên!


Nhà văn Thảo Trường (1936-2010)
Nhà văn Thảo Trường (1936-2010)

Chia tay với Thảo Trường, tôi nhớ lại một bài viết của ông về Mai Thảo, có tựa đề Rong Chơi Suốt Một Đời mở đầu bằng câu: Cuối cùng thì ông cũng đã ra đi. Cuối cùng thì cái ngày ấy cũng đã tới, in cuối tập truyện Đá Mục* của ông. Bài viết ngắn chưa tới một nghìn chữ, nhưng ông lặp đi lặp lại 5 lần hai câu đó. Bây giờ tôi lấy lại gửi cho ông:

Ông Thảo Trường, Cuối cùng thì ông cũng đã ra đi. Cuối cùng thì cái ngày ấy cũng đã tới. Ngày ấy đã đến với ông lúc 3 giờ chiều Chủ nhật 26 tháng Tám, 2010. Ngày ấy cũng sẽ đến với tôi không xa. Chúng ta mỗi người ai cũng sẽ có “cái ngày ấy”.

Nhưng tôi sẽ không nói đến chuyện “cái ngày ấy” ở đây. Nó “tiêu cực” quá. Còn nhớ, cách đây mấy tuần, tôi gọi điện thoại thăm ông, giọng ông vẫn rổn rảng, khoẻ. Và tôi nhớ ông đã nói với tôi “bệnh viện nó chê tôi rồi, nó nói tôi chỉ còn 6 tháng nữa thôi, thế mà tôi đã qua tháng thứ tám rồi đấy!”

Tôi hỏi ông có viết gì không, ông nói, “có, nhưng khi nghe bác sĩ phán như thế tôi bỏ hết rồi!” Tôi nói ông cho tôi một bài gì đi, cho blog của tôi trên VOA, ông nói “để coi, nhưng không chắc đâu”. Ấy thế mà “cái ngày ấy” đã đến với ông, tôi không ngờ. Chắc ông cũng không ngờ!

Nhớ đến ông, hôm nay, tôi sẽ không nhắc tới “cái ngày ấy” nữa. Chuyện cũ!

Tôi muốn nhắc lại một câu viết khác của ông, câu mở đầu trong truyện Đá Mục. Ông viết:

“Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả.”

Tôi thích câu này.

Nhớquên là hai phản đề. vậy mà ông ghép lại như thế mới hay.

Đêm qua, trong một email trò chuyện với người bạn trẻ ở Pháp, đang trao đổi qua lại, nhắc đến chuyện ông vừa ra đi, bỗng anh bạn hỏi tôi về kinh nghiệm làm báo. Câu hỏi bất ngờ làm tôi bối rối. Nhưng sau cùng tôi viết trả lời đại khái là mỗi nơi, mỗi chỗ, mỗi thời tôi học được một vài kinh nghiệm khác nhau. Chỗ nào tôi cũng được học và học được. Chỗ nào tôi cũng gặp những ông thầy. Có nhiều người lớn tuổi hơn dạy tôi kinh nghiệm nghề nghiệp của người từng trải, có những người cùng tuổi dạy tôi kinh nghiệm của những điều tôi chưa được học, và những người trẻ hơn dạy tôi lòng tin người. Có những điều tôi tưởng là tôi biết, nhưng thực ra tôi không biết gì cả. Có những điều tôi nghĩ rằng lẽ ra phải làm như thế này, nhưng thực sự phải là làm như thế kia. Những bài học ấy dạy tôi phải nói ít đi, nghe nhiều hơn. Im lặng càng tốt. Nên lắng nghe và học hơn là nói. Nhất là không nên nói nhiều. Đừng tưởng cứ nói nhiều thì người ta nghe mình. Trong những lời giải thích có chứa nhiều biện hộ. Đôi khi là ngụy biện. Điều quan trọng là tôi luôn luôn nhớ những người tôi đã gặp và tôi đã coi là bạn. Chẳng hạn:

Cái sức mạnh bền bĩ chịu đựng của Thảo Trường tôi thiếu.

Cái tính hào phóng của Mai Thảo còn lâu tôi mới có.

Cái sâu sắc như Võ Phiến tôi có cố gắng lắm cũng chỉ là người thợ thủ công đứng bên bậc thầy chữ nghĩa.

Tài hoa của Nguyên Sa bao giờ tôi mới nắm được.

Kiên trì với chữ nghĩa, lòng kiên nhẫn tôi vốn không bằng Nguyễn Mộng Giác.

Chữ nghĩa đanh thép, lý luận sắc bén như Nguyễn Hưng Quốc không phải thời nào cũng có.

Văn chương tuyệt vời như Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp đến thế thì thôi.

….

Ở báo Văn những ngày Sài Gòn và ở báo Thế Kỷ 21 cũng như Văn tại Hoa Kỳ, tôi học được kinh nghiệm của người làm tạp chí. Ở báo Người Việt tôi học được cách làm tờ nhật báo của người Việt tại Mỹ, và ở tờ Việt Mercury tôi học được cách làm tuần báo Việt do người Mỹ làm chủ.

Tôi nói mỗi nơi, mỗi thời, mỗi lúc vì bài học mà tôi được học không giống nhau.

Nếu có một chỗ giống ngoài kinh nghiệm thì đó là trí nhớ của con người.

Trí nhớ con người vốn "khiêm tốn," nhưng trí nhớ của những người tưởng là bạn còn khiêm tốn hơn nhiều. Dù kinh nghiệm nào đi nữa, tôi vẫn cứ giữ nguyên cho mình một phương thức: Hãy luôn luôn tìm thấy cái tốt của người bạn, cả những người tưởng là bạn, ….

Cái đó lành mạnh hơn.

Cho tôi.

Cho mỗi chúng ta.

Dù sao, giờ đây khi viết những dòng chữ này, tôi nhớ tới Thảo Trường.

Ông nói đúng:

Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả. [NXH]

*THẢO TRƯỜNG, Đá Mục, Truyện, nhà xuất bản Đồng Tháp, California, 1998.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG