Đường dẫn truy cập

Nhật thực là điềm lành!


Ước mong quý vị sẽ thử sống qua kinh nghiệm này, ngày Thứ Hai 8 tháng Tư sắp tới; để coi có cảm thấy mình nhỏ nhoi hơn không, cái ngã mạn của mình có nhẹ hơn không.
Ước mong quý vị sẽ thử sống qua kinh nghiệm này, ngày Thứ Hai 8 tháng Tư sắp tới; để coi có cảm thấy mình nhỏ nhoi hơn không, cái ngã mạn của mình có nhẹ hơn không.

Người ta nói năng khiêm cung hơn, hay dùng chữ “có thể” (maybe) hơn chữ “luôn luôn, chắc chắn” (always). Người ta cũng dùng nhiều chữ “chúng tôi, chúng ta” (we, hoặc us) nhiều hơn chữ “tôi” (me). Họ chú ý đến những người khác hơn, không chỉ nghĩ đến mình.

Trong các nền văn minh cổ, ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp và các đế quốc Inca, Maya ở châu Mỹ, nhật thực là một “điềm gở,” báo trước những biến cố không lành. Mặt trời thường được coi là biểu tượng của ông vua. Khi “mặt trăng ăn mặt trời,” như lối nói của người Việt đời xưa, vị nguyên thủ quốc gia phải lo ăn chay, sám hối, làm lễ cầu đảo xin Trời Đất tha thứ cho mình và tất cả dân chúng tất cả những tội lỗi đã phạm.

Ngày nay, người ta biết nhật thực chỉ là một hiện tượng tự nhiên, có thể tiên đoán chính xác. Vì loài người đã tính được quỹ đạo của Mặt Trăng bay quanh trái đất. Người ta biết đúng ngày, giờ nào nó sẽ nằm giữa quả đất và mặt trời. Nhưng tâm lý con người vẫn náo nức trước cảnh tượng trời đất tối sầm; tinh tú hiện ra giữa ban ngày; khối đất đá này sẽ che khuất khối lửa lớn gấp 400 lần, nóng 5, 6 ngàn độ C ở ngoài vỏ.

Thứ Hai tới, 30 triệu người Mỹ sẽ được chứng kiến cảnh nhật thực toàn phần trong 4 phút rưỡi đồng hồ. Một nửa dân số Mỹ sẽ được coi nhật thực nhiều hay ít, trong giải đất rộng 400 km chạy từ San Antonio ở Tây Nam lên Boston phía Đông Bắc. Super Bowl cũng không bao giờ thu hút được con số khán giả lớn như vậy. Các trường học ở Quận Bell, Texas, sẽ đóng cửa và một vị quan tòa đã ban bố tình trạng khẩn trương. Không phải vì họ lo lắng trước “điềm gở” mà chỉ vì quá nhiều người sẽ kéo tới đó coi nhật thực, dân số 400 ngàn sẽ tăng lên gấp đôi.

Ở nước Mỹ tự do dân chủ “quyền coi nhật thực” trở thành một thứ “quyền công dân!” Thứ Sáu tuần trước, sáu tù nhân ở nhà giam tại Woodbourne, New York, đã đệ đơn kiện ban giám đốc, vì họ ra lệnh cấm không ai được ra khỏi phòng từ 2 đến 5 giờ chiều ngày 8 tháng 4, lấy lý do an ninh. Woodbourne nằm ngay trên con đường cảnh nhật thực sẽ đi qua!

Lần nhật thực trước, ngày 21 tháng 8 năm 2017 chỉ có 12 triệu người Mỹ, từ Oregon xuống South Carolina được thấy cảnh nhật thực toàn phần. Năm 2017, Đại học Michigan cho biết có 150 triệu người Mỹ đã quan sát trực tiếp, 60 triệu người coi trên ti vi hay internet.

Sau đó, một số nhà nghiên cứu thuộc Đại học California tại Irvine đã phân tích hàng triệu thông điệp ngắn chuyển qua Twitter (nay đổi tên thành X) trước sau khi nhật thực. Họ nhận thấy những người chứng kiến cảnh nhật thực đã diễn tả “nỗi kinh ngạc,” họ “bớt nghĩ đến mình” và dùng những ngôn ngữ từ ái, khiêm tốn, thân thiện với người khác hơn.” Đó là một biến chuyển tâm lý đáng kể, bài nghiên cứu kết luận: “Hình như khi mặt trăng xếp hàng vào một đường thẳng giữa mặt trời và trái đất thì mọi người cảm thấy mình cũng xếp hàng trên cùng một con đường với nhau.” Hiện tượng nhật thực giúp con người sống tốt hơn, thương yêu người khác hơn, phải coi đó là một “điềm lành.”

Trong tạp chí Scientific American, Katie Weeman kể chuyện Sean Goldy, một tiến sĩ thực tập tại Đại học Johns Hopkins cùng một nhóm đồng sự đã nghiên cứu các thông điệp Twitter của 2.9 triệu người Mỹ đã sống qua cảnh nhật thực hoàn toàn năm 2017. Ngoài cảm giác kinh ngạc, ngôn ngữ của những người này cũng thay đổi. Người ta nói năng khiêm cung hơn, hay dùng chữ “có thể” (maybe) hơn chữ “luôn luôn, chắc chắn” (always). Người ta cũng dùng nhiều chữ “chúng tôi, chúng ta” (we, hoặc us) nhiều hơn chữ “tôi” (me). Họ chú ý đến những người khác hơn, không chỉ nghĩ đến mình.

Tâm trạng đó cũng nẩy nở trong thời gian bệnh dịch Covid-19; khi mọi người cảm thấy gần gũi, thân thiết với nhau hơn vì cùng chia sẻ một hoạn nạn. Khi bệnh dịch đi qua, người ta quên dần dần và trở lại như cũ, mỗi người lo lấy phận mình, đụng chạm với ai thì cái “cục ngã mạn” lại thừa dịp nổi lên.

Chứng kiến cảnh nhật thực, tình liên đới nảy sanh khi mọi người đều kinh ngạc trước cảnh tượng mới lạ. Họ có thể kinh hoàng khi nhận ra mình quá nhỏ bé trước cảnh ánh sáng và bóng tối thay đổi khắp trời đất. Con người chỉ là một sinh vật nhỏ li ti trên mặt đất, lại càng nhỏ bé hơn khi so sánh với cả thái dương hệ; khi nghĩ đến cả vũ trụ thì rõ ràng mình không khác gì một hạt bụi!

Khi một người tự nhận ra mình không còn là trung tâm của thế giới thì cách mình nhìn thế giới, nhìn cả vũ trụ cũng thay đổi. Cái “ngã mạn” bớt căng, bớt cứng; người ta sẵn sàng cởi mở, dễ tha thứ và tôn trọng những người khác. Những vụ tranh chấp với nhà hàng xóm không còn quan trọng như mình tưởng; những cuộc chạy đua giành quyền đoạt lợi trở thành phù du; những xung đột giữa vợ chồng cũng thấy chỉ do các chuyện quá nhỏ bé gây ra.

Bài trong tạp chí Scientific American đã dẫn trên còn kể chuyện Kate Russo, một người đã từng quan sát 12 lần nhật thực ở khắp thế giới và phỏng vấn những người chứng kiến cảnh tượng đó. Ngay lúc đầu, phần lớn đều cảm thấy sợ hãi và thấy mình quan hệ mật thiết với thế giới chung quanh. Nhìn cảnh nhật thực một lát, nhiều người cảm thấy lâng lâng, khi hết rồi vẫn muốn được coi lần nữa. Ơ những nơi tụ tập coi nhật thực, trước khi giải tán mọi người thường đi lượm rác sạch sẽ, hình như họ quan tâm đến người khác nhiều hơn!

Là một chuyên gia tâm lý học, Kate Russo tự rút kinh nghiệm, thấy rằng khi quan sát nhật thực, có cảm giác như thời gian ngưng đọng. Nhìn cảnh tượng nhật thực, mình bị đặt trong giây phút hiện tại, ít nhất trong mấy phút. “Những người mắc tật lo âu xao xuyến thường sống trong tương lai. Những người bị trầm cảm thường sống lại quá khứ.” Khi mình bớt lo lắng hay nuối tiếc, mình sẽ cảm nhận rõ hơn sự có mặt của những người chung quanh. Vì thế, mình quan tâm đến mọi người hơn.

Ước mong quý vị sẽ thử sống qua kinh nghiệm này, ngày Thứ Hai 8 tháng Tư sắp tới; để coi có cảm thấy mình nhỏ nhoi hơn không, cái ngã mạn của mình có nhẹ hơn không. Có thấy mình gần gũi với người khác, lòng từ bi có cơ hội mở rộng hơn, có cảm thấy mình sống trong hiện tại hơn thay vì vướng mắc quá khứ và vọng tưởng tương lai không? Nếu bỏ lỡ cơ hội thử nghiệm này, những người sống ở Mỹ sẽ phải chờ đến năm 2044 mới có một vụ nhật thực hoàn toàn lần nữa.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG