Đường dẫn truy cập

Nhật Bản và Nam Triều Tiên đạt thỏa thuận về vấn đề 'an úy phụ'


Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-se (phải) bắt tay vị tương nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida sau buổi họp báo chung ở Seoul ngày 28/12/2015.
Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-se (phải) bắt tay vị tương nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida sau buổi họp báo chung ở Seoul ngày 28/12/2015.

Nhật Bản và Nam Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận có tính chất dấu mốc mà các vị ngoại trưởng của họ nói là giải quyết vụ tranh chấp lâu năm về trách nhiệm của Tokyo đối với những phụ nữ bị buộc làm nô lệ tính dục cho lính Nhật trong thời Thế chiến Thứ hai. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung Se cho biết họ đã đạt được một giải pháp, theo đó Nhật Bản đưa ra một lời tạ lỗi chính thức và cung ứng một khoản tiền, để giải quyết vụ tranh chấp về vấn đề thường được gọi là “an úy phụ”.

Ngoại trưởng Kishida phát biểu như sau tại cuộc họp báo chung ở Seoul ngày 28/12.

"Vấn đề an úy phụ là một vấn đề liên quan tới việc nhiều phụ nữ phải gánh chịu những thương tổn lớn cho danh dự và phẩm giá của họ vì sự dính líu của quân đội thời đó, và từ nhận thức này, chính phủ Nhật Bản cảm thấy có trách nhiệm rất lớn".

Trong những năm qua, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã nhiều lần yêu cầu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra “lời tạ lỗi chân thành” và bồi thường cho 46 an úy phụ người Triều Tiên còn sống và đang ở trong độ tuổi 80 và 90.

Theo ước tính, hơn 200.000 phụ nữ Á châu đã bị buộc làm nô lệ tính dục tại các nhà thổ của quân đội Nhật trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ các nước Á châu và trong thời Thế chiến Thứ hai.

Ông Abe đã đưa ra những thông cáo bày tỏ hối tiếc, nhưng không chính thức tạ lỗi, và lập trường của Tokyo đối với vấn đề bồi thường là trách nhiệm của họ đã được giải quyết xong về mặt pháp lý thông qua một hiệp định năm 1965 để bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Một thông cáo được tuyên đọc tại cuộc họp báo chung ngày 28/12 bao gồm một thông điệp của thủ tướng Abe.

"Với tư cách là Thủ tướng của Nhật Bản, Thủ tướng Abe một lần nữa bày tỏ sự ân hận và những lời tạ lỗi chân thành nhất đối với tất cả những người phụ nữ đã phải trải qua vô số những kinh nghiệm đau thương và gánh chịu những thương tổn thể chất và tâm lý không thể nào chữa lành khi họ làm an úy phụ".

Từ ngữ mà phía Nhật Bản dùng để nói về vấn đề an úy phụ là một nguồn gây tranh chấp giữa Seoul và Tokyo. Nam Triều Tiên nhất mực cho rằng chính phủ Nhật Bản chưa thừa nhận một cách đầy đủ là họ dính líu tới việc bắt những phụ nữ đó làm nô lệ tính dục.

Ngoại trưởng Kishida và Ngoại trưởng Yun Byung Se hôm 28/12 không cho biết chi tiết về lời tạ lỗi, nhưng có tin nói rằng ông Abe sẽ gởi cho những an úy phụ còn sống mỗi người một lá thư “tạ lỗi”.

Người biểu tình ngồi xung quanh bức tượng "an úy phụ" trong một cuộc biểu tình ở Seoul, Nam Triều Tiên, ngày 22/7/2015.
Người biểu tình ngồi xung quanh bức tượng "an úy phụ" trong một cuộc biểu tình ở Seoul, Nam Triều Tiên, ngày 22/7/2015.

Ngoại trưởng Kishida cho biết Tổng thống Park Guen Hye và Thủ tướng Abe xế ngày 28/12 sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại về thỏa thuận này.

Vị ngoại trưởng của Nhật cũng xác nhận là Tokyo đồng ý trả 1 tỉ yen (hơn 8 triệu đôla) để giúp đỡ các an úy phụ. Khoản tiền này sẽ được đưa vào một quỹ của Nam Triều Tiên, tương tự như một sáng kiến của Nhật có tên là Quỹ Phụ nữ Á châu từ năm 1997 đến năm 2007 để cung cấp những sự trợ giúp cho các an úy phụ. Ngoại trưởng Kishida nói rằng khoản tiền này không phải là tiền bồi thường mà là một khoản quyên góp.

Sự thỏa hiệp về từ ngữ để gọi khoản tiền này là tiền quyên góp thay vì tiền bồi thường hạn chế trách nhiệm pháp lý của Nhật và có phần chắc sẽ mang lại cho ông Abe một tấm chắn để chống đỡ trước sự chỉ trích của những người bảo thủ ở Nhật. Những người này muốn tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của những hành vi tàn ác của Nhật trong quá khứ. Cũng có nhiều người Nhật chống đối việc khơi lại một vấn đề mà họ cho là đã được giải quyết xong xuôi từ lâu.

Để đáp lại những hành động của Tokyo, Nam Triều Tiên đồng ý là vấn đề này được giải quyết một cách vĩnh viễn, về mặt pháp lý cũng như về mặt chính trị.

Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung Se phát biểu như sau.

"Dựa trên tiền đề là chính phủ Nhật Bản thực hiện đầy đủ những biện pháp này, chính phủ Nam Triều Tiên xác nhận là vấn đề này sẽ được giải quyết một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược".

Theo dự liệu, hai nước sẽ ký một hiệp định chính thức để Nhật Bản khỏi phải chịu trách nhiệm thêm nữa đối với tất cả những hành vi trong thời Thế chiến Thứ hai.

Nhật Bản cũng muốn Nam Triều Tiên dời bức tượng của một an úy phụ được dựng trước sứ quán Nhật tại Seoul, nơi những người Nam Triều Tiên tới để biểu tình mỗi tuần.

Ngoại trưởng Nam Triều Tiên cho biết chính phủ ông sẽ thảo luận vấn đề này với những tổ chức tư nhân dựng tượng và tổ chức các cuộc biểu tình.

"Chính phủ Nam Triều Tiên hiểu được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản là bức tượng của cô gái trước sứ quán Nhật đang ở một địa điểm nguy hiểm, không an toàn".

Tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cuộc họp song phương đầu tiên để trực tiếp giải quyết những mối bất đồng về các vấn đề lịch sử. Hai bên đã cam kết đạt được một giải pháp trước cuối năm nay, đánh dấu 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Nhiều nhà quan sát cho biết Hoa Kỳ cũng gây sức ép lên Nam Triều Tiên và Nhật Bản để hai nước đồng minh chính ở Á châu giải quyết vấn đề tranh cãi này ngõ hầu có thể ứng phó hữu hiệu hơn với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG