Đường dẫn truy cập

Nhân quyền theo định nghĩa Bắc Kinh


Ngoại Trưởng TQ Vương Nghị gặp TBT VN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 2/4/2018. Hình minh họa.
Ngoại Trưởng TQ Vương Nghị gặp TBT VN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 2/4/2018. Hình minh họa.

Vào ngày 22 tháng Hai năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị (Qang Yi), đã có bài phát biểu tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

Trong bài phát biểu này, Vương Nghị muốn định nghĩa lại nhân quyền. Ông Vương nêu lên bốn quan điểm chính sau đây. Một, chúng ta nên ôm lấy một triết lý nhân quyền đặt trọng tâm vào người dân. Hai, chúng ta nên đề cao tính phổ biến lẫn tính đặc thù của quyền con người. Ba, chúng ta nên thúc đẩy một cách hệ thống tất cả các khía cạnh của quyền con người. Bốn, chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền.

Thoạt nghe bốn nguyên tắc trên, thì chắc khó ai mà phản đối, hay phản biện, các quan điểm này. Người nghe cũng có thể tưởng rằng nó đến từ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, hay một nền dân chủ cấp tiến, chứ không phải từ một nước vi phạm nhân quyền trầm trọng mà người dân Trung Quốc, và cả thế giới, đều biết. Nhưng nếu đi sâu vào bên trong, thì nội dung lại rất khác. Khác đến độ trái nghịch.

Để biện minh cho các nguyên tắc trên, ông Vương cho rằng: Hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do là những giá trị chung của toàn nhân loại và được tất cả các quốc gia công nhận; nhưng mặt khác, các quốc gia khác nhau về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, ông Vương nhấn mạnh rằng nhân quyền không phải là độc quyền của một số ít quốc gia, và hơn nữa không nên được sử dụng như một công cụ để gây áp lực với các quốc gia khác và can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Ở đây, có vài điều đáng nói.

Một, các giá trị hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do, tuy phổ quát, nhưng đừng vội cho rằng Bắc Kinh hiểu nó giống như cách hiểu phổ quát của Tây phương. Nó không nhất thiết là cách định nghĩa của Bắc Kinh. Hòa bình, đối với Bắc Kinh, cũng có nghĩa là Quân đội Giải phóng Nhân dân được trang bị vũ khí tối tân bên cạnh các nước láng giềng, như trên Biển Đông, chẳng hạn. Phát triển của họ cũng có nghĩa là bất chấp môi trường hay cái giá phải trả về sự đầy đọa nhân sinh. Công bằng có nghĩa là người cộng sản và con em của họ là trên hết. Kiểu “Mọi động vật đều công bằng như nhau, nhưng có loại công bằng hơn kẻ khác” mà George Orwell từng diễn tả trong tác phẩm The Animal Farm. Công lý nằm trong miệng quan, miệng thép, của kẻ cầm quyền. Dân chủ là theo kiểu tập trung, hoặc dân chủ trong khuôn khổ mà ĐCSTQ cho phép, như đảng cử dân bầu, chẳng hạn. Tự do sẽ đến, sẽ có, nhưng phải đợi cho đến khi nào năm điều trước đã đạt được v.v… Hơn nữa, tự do của Bắc Kinh khác với tự do của nền dân chủ cấp tiến. Người cộng sản hay khoe khoang là họ có tự do dân chủ gấp trăm lần nước khác, nhưng vì họ chỉ nói như vẹt chứ chẳng hiểu tự do là gì.

Hai, ông Vương nhấn mạnh sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và trình độ phát triển kinh tế, xã hội để biện minh rằng, cách nhìn nhận và tiếp cận nhân quyền khác của Bắc Kinh. Ông Vương muốn biện luận rằng, Bắc Kinh luôn có cách nhìn riêng, và đó là quyền của họ, mà các nước khác cần phải tôn trọng. Tức là đừng xen vào, hay phê phán, tình trạng nhân quyền của Trung Quốc, vì đó là chuyện nội bộ.

Bài phát biểu của ông Vương mang chiến lược đối ngoại lẫn đối nội.

Về mặt đối ngoại, thì trước các áp lực quốc tế ngày càng lên án về tội diệt chủng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs), và sự đàn áp quyền tự do ngôn luận và chính trị của người Hồng Kông trong năm qua, ông Vương muốn lợi dụng diễn đàn quốc tế này để phản bác các chỉ trích từ Mỹ và các quốc gia khác. Trung Quốc đã lợi dụng tối đa sự vắng mặt của Mỹ trên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2018 để tạo ảnh hưởng, định hình chính sách và hành động nhân quyền trên bình diện quốc tế. Nhưng dù muốn khỏa lấp sự vi phạm của mình, các tiếng nói phản kháng ngày càng lan rộng. Hiện tại, các tiếng nói kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, diễn ra trong vòng một năm nữa, đang ngày càng mạnh mẽ. Chính quyền Biden đã quyết định không thể tiếp tục để Trung Quốc tự tung tự tác như thế nữa. Hiện nay, chính quyền Biden có chủ trương đặt nhân quyền làm trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ, do đó, ngày càng đối đầu với Trung Quốc về mặt trận nhân quyền.

Về mặt đối nội, ông Vương cũng muốn thuyết phục người dân Trung Quốc rằng nhân quyền, dân chủ và tự do rồi sẽ đến, nhưng nó sẽ khác với các nước khác; ưu tiên hiện nay là phát triển, an ninh v.v… Ông Vương nêu cao thành tích nhân quyền của Bắc Kinh qua thành tựu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân nông thôn lên khỏi mức nghèo đói. Ông Vương biện luận rằng, “Nâng cao ý thức của người dân về lợi ích, hạnh phúc và an ninh là mục tiêu cơ bản của quyền con người cũng như mục tiêu cuối cùng của quản trị quốc gia. Triết lý lấy người dân làm trung tâm có nghĩa là người dân phải là người chủ thực sự của đất nước họ, và họ nên tham gia vào quản trị quốc gia và tham vấn chính trị. Điều đó cũng có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo cần được thu hẹp và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người dân.” Nhưng những điều ông Vương nói chỉ toàn mang tính tuyên truyền, dối trá, vì trên thực tế, Bắc Kinh chỉ làm hoàn toàn ngược lại. Bất cứ ai lên tiếng nói khác với quan điểm chính thống của Bắc Kinh thì an ninh không còn gì là bảo đảm cả.

Hành động của Bắc Kinh qua bài phát biểu của ông Vương Nghị cho thấy, thay vì cấm cản công dân của họ biết về tình hình nhân quyền như trước đây, nhất là sau biến cố Thiên An Môn, Bắc Kinh hiện đang thay đổi chiến lược và chiến thuật: nhân quyền phải được nhìn qua định nghĩa mới của họ; và định nghĩa mới này sẽ mang tính cách cạnh tranh với Mỹ và các nền dân chủ khác.

ĐCSTQ luôn muốn nhấn mạnh tính cách riêng của họ. Chẳng hạn, với xã hội chủ nghĩa, hay kinh tế thị trường, thì giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn cho thêm vào các chữ “với đặc tính Trung Hoa” (with Chinese characteristics). Gần đây, với nhân quyền, như đã trình bày trên, họ cũng muốn dùng “nhân quyền theo đặc tính Trung Hoa”, như một công cụ, để biện minh cho sự vi phạm trầm trọng của mình, qua đó, hợp thức hóa các chính sách nhân quyền của họ hiện nay và tương lai.

Đó là lý do mà các nền dân chủ cấp tiến phải mạnh mẽ liên minh với nhau và bắt buộc Trung Quốc phải tôn trọng quy luật và giá trị chung, thay vì tái định nghĩa để thao túng nhân quyền, kinh tế hay các lĩnh vực khác để phục vụ cho mục tiêu bá quyền của họ.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG