Đường dẫn truy cập

Nhà Tù Kiên Giang


Nhà Tù Kiên Giang
Nhà Tù Kiên Giang

1.-

Nhà tù Kiên Giang buổi tối. Những cánh cửa sắt mở ra đóng lại vội vàng. Cả đám người bơ phờ, bụng đói, tay không đồng hồ, chân không giày dép, đầu óc hoang mang lo lắng sợ hãi ngồi chồm hổm giữa sân nhà giam.

Đêm đang xuống.

Tôi không thấy Kiệt đâu. Cả Hiệp cũng bị đẩy về một phía nào. Đêm tối ám, không thấy rõ mặt người. Cả đám ngồi lổn nhổn như những hòn đá. Một ngọn đèn vàng hắt xuống từ một mái nhà trước mặt chiếu sáng vừa đủ ba chữ "Cải Hối Thất."

Một vài bóng đen đi lướt qua, lặng lẽ. Mưa lất phất vừa đủ ướt mặt. Người ngồi trước quay lại hỏi tôi:

"Bị bắt ở đâu vậy?"

"Rạch Sỏi." Tôi trả lời cho xong chuyện.

"Xuống ghe chưa?"

"Chưa. Còn ông?" Tôi hỏi lấy lệ.

"Ôi! Tôi hả?" Tôi lên xuống như cơm bữa." Rồi ông ta quay hẳn mặt lại: "Lần đầu hả?"

"Lần đầu." Tôi trả lời.

"Đừng sợ. Ông tên gì?"

Có cần nói tên mình cho người lạ mặt này nghe không? Tôi thoáng nhớ lại những lời dặn của ông Công. Đi có giấy công tác cứ nói thật, cứ khai địa chỉ chỗ làm việc. Phần còn lại để ổng lo. Tôi cũng nhớ lời dặn của Tâm Khô-Khốc-Thiền-Sư. Mày phải khai tên giả, địa chỉ giả, lý lịch giả. Tụi nó không cách nào điều tra được. Phải nhớ mày là dân ít học, làm nghề chân tay, trốn quân dịch, có cảm tình với cách mạng… Càng ở gần tận cùng đáy của xã hội càng tốt. Tôi hiểu lời dặn dò của Tâm. Cái đáy vực của chế độ này là đỉnh cao của chế độ kia và ngược lại. Nhưng đó có phải là chân lý không?

Tôi không tin một sự đổi đời và lộn ngược như thế. Sấp-Ngửa. Trắng-Đen. Phải-Trái. Tôi đã nhìn thấy những điều đó đang diễn ra quanh tôi. Cái hôm qua được coi là đạo đức, bữa nay đã bị coi là tội lỗi. Một ngôi nhà to, một chức tước cao, một địa vị lớn, một sự quen biết rộng…của bữa trước, rất là bất lợi cho bữa nay. Mới hôm qua còn là "ông," bây giờ đã là "thằng."

Còn "thằng" hôm qua có là "ông" hôm nay không thì không rõ.

Tội ác như một thứ ruồi nhặng mà những người cầm quyền mới cố gắng dán lên đầu những con người của chế độ cũ, tưởng chừng như…Nhưng mà những con người cùng khổ của hôm qua, sau mấy năm dưới chế độ mới cũng vẫn không thơm tho gì hơn. Căn nhà bằng bìa cạc-tông, mái lợp tôn hay fibro xi măng bữa trước ra sao bây giờ vẫn vậy. Có đổi mới chăng là xiêu vẹo hơn, và dột nát hơn. Người cùng khổ vẫn sống, tiếp tục sống dưới đáy xã hội. Chỉ có những kẻ khốn nạn hôm qua mới chiếm được một chỗ sạch sẽ dưới ánh đèn ấm cúng trong một ngôi nhà mới. Vậy thì tôi có cần nói tên tôi cho người lạ mặt này không. Nhưng mà tôi là cái thá gì chớ! Nói thì sao. Đã sao?

"Thăng. Tôi tên Thăng. Mà ông hỏi chi vậy?"

"Hỏi vậy thôi. Tôi tên Bình. Tôi bảo đảm là trước sau gì ông cũng nhớ đến tôi!"

"Im lặng! Im lặng!" Tù không được nói chuyện." Bất ngờ một giọng nói vang lên rất gần chỗ tôi. Tôi ngước mắt nhìn chưa kịp ngạc nhiên về lời nói của người bạn tù, thì cái bóng đen lướt qua choán trước tầm ngó của tôi.

"Anh kia tên gì?" Bóng đen hỏi.

"Thăng." Tôi trả lời gọn.

"Cái gì Thăng."

"Trần Lâm Thăng."

"Bị bắt vì tội gì?"

"Không biết."

"Không biết?" Bóng đen hỏi lại.

"Không biết." Tôi lặp lại.

"Đứng dậy!" Hắn ra lệnh.

Tôi chống hai tay dưới mặt sân ướt lấy thế đứng dậy. Tôi nghe cả hai chân tê điếng.

"Anh biết tại sao tôi bắt anh đứng dậy không?"

"Không biết."

"Anh theo tôi. Cần phải nhốt anh ở một chỗ riêng. Anh biết tại sao không?"

"Không biết."

"Anh có biết là ngồi trong đám tù này mà anh cao hơn nhiều người tù khác không?"

"Không biết." Tôi bắt đầu ương ngạnh.

"Vậy bây giờ biết rồi. Theo tôi!"

Bất thình lình hắn đẩy chúi tôi về phía trước. Tôi tưởng mình bị ngã sấp xuống. Cái chân đau của tôi bị nhói thấu xương.

Chỉ mấy bước ngắn hắn xô tôi qua một bên tra chìa khóa vào cánh cửa gỗ mở toang ra. Một mùi hôi nồng nặc xông lên. Tôi đang chần chờ. Hắn đập mạnh vào ót tôi bằng một vật cứng. Tôi ngã xuống.

Tôi không nhớ mình nằm dưới mặt đất ẩm hôi hám này trong bao lâu, nhưng khi tôi tỉnh dậy, bắt đầu quen bóng tối, tôi thấy lờ mờ còn có một người tù khác đang ngồi tựa lưng vào tường. Phòng chật, tôi nghĩ vậy, bởi vì chân tôi đụng vách và tay tôi chạm vào chân một người. Không, nói đúng hơn tôi chạm vào sợi xích sắt buộc vòng cổ chân người tù kia. Có lẽ ông ta còn thức, bởi vì thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng khua động của sợi xích. Bọn cán bộ đang điểm danh tù bên ngoài. Xà lim tối om.

"Có thuốc lá không?" Bất ngờ ông ta hỏi.

"Không." Tôi trả lời thật nhanh.

Tôi nhớ khi ở Rạch Sỏi, hai tên công an đã thu hết mọi thứ trên người tôi, đồng hồ, giấy tờ tùy thân, kể cả gói thuốc, và cái hộp quẹt zippo.

"Mới hả?"

"Mới."

"Tội gì?"

"Tình nghi vượt biên."

"Tình nghi?"

"Phải. Tình nghi."

"Vậy, chắc sẽ ở lâu."

"Tại sao?"

"Tình nghi thì phải ở lâu, tại vì có biết tội gì mà buộc mà xử."

"Vậy có tội thì về sớm sao?"

"Tùy tội chớ. Lâu hay mau là tùy tội nặng hay là nhẹ."

"Còn ông, tội gì?" Tôi hỏi.

"Không phải chuyện vượt biên đâu."

Ông ta nói chưa hết câu, tôi chống tay ngồi dậy, dựa lưng vào vách chờ đợi ông nói tiếp. Tôi có cảm tưởng như ông sắp nói thêm một điều gì nữa. Nhưng ông ta vẫn im lặng. Tôi duỗi chân. Căn phòng này không thể giam quá một người, không khí khó thở. Mùi hôi mỗi lúc một nồng nặc.

Tại sao tôi đến chốn này? Ban đêm thì tối, ban ngày thì đen.

Tôi tuyệt vọng.

Tôi như một người đi trong đường hầm. Hầm thì hun hút tối tăm đi hoài không dứt. Còn tôi thì giống như người bị chặt hết hai tay và hai chân, chỉ còn có cái đầu và thân hình bị lăn lông lốc trong đường hầm trơn trợt.

"Nè, người anh em…" Người tù bỗng gọi tôi.

Tôi không lên tiếng. Tôi chờ đợi.

"Bao nhiêu tuổi?"

"Ba mươi bảy." Tôi trả lời.

"Coi là bốn mươi đi. Tứ thập nhi bất hoặc! Ông nhỏ hơn tôi một con giáp."

Tôi vẫn có cảm tưởng như ông chưa nói điều ông định nói. Một đỗi lâu, ông tiếp:

"Ông có biết trong tù người ta dùng một người tù khác để khai thác một người hiện bị giam gọi là gì không?"

"Không!" Tôi trả lời, vì thật sự tôi không hiểu gì cả.

"Nó gọi là đặc tình."

"Đặc tình?"

"Phải. Nó gọi là đặc tình…Ông có phải là đặc tình không?"

Câu hỏi của ông làm tôi sửng sốt.

Vậy là sao? Trong tù còn có đặc công nằm vùng sao? Tôi chồm về phía trước, nhướng to mắt nhìn người đối diện. Tôi không cách nào thấy rõ mặt ông ta. Tôi muốn biết sắc diện ông ra sao khi hỏi tôi và tôi cũng muốn biết phản ứng của ông khi tôi trả lời. Chịu thôi.

"Ông nghĩ tôi là đặc tình sao?"

"Tôi không nghĩ ngợi gì hết. Tôi nói trước để đề cao cảnh giác."

"Ông khỏi cần đề cao cảnh giác. Tôi tên Trần Lâm Thăng, bị bắt ở Rạch Sỏi…" Tôi nói một hơi. Thật tình trong thâm tâm tôi, tôi muốn mở lòng mình ra cho người cùng tù biết tôi không phải là chó săn. Tôi căm thù bọn chó săn.

"Thôi, thôi… không phải khai. Tôi đâu phải công an chấp pháp. Đủ rồi! Tôi không phải là người dễ tin đâu." Người tù nói giọng nhỏ, chậm, đã bớt hoài nghi. "Nè, người anh em. Cần phải bình tĩnh. Ở đâu cũng vậy. Cần bình tĩnh, luôn luôn bình tĩnh. Không sợ hãi. Không căm thù…"

Tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Tôi chợt thấy toàn thân ê ẩm mệt mỏi. Tôi nhắm mắt lại, nghe rõ hơi thở của mình bắt đầu đều đặn.

"Rượu đã rót ra rồi phải uống, uống cho đến cặn."


Tôi tưởng chừng nghe tiếng một người nào đó nói bên tai tôi một câu gần như vô nghĩa, chẳng ăn nhập gì với câu chuyện của tôi cả.

Trích Bụi Và Rác – Chương Mười Hai / Ph
ần 1

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG