Đường dẫn truy cập

Người Việt tị nạn ở Thái Lan cảm thấy bất an sau việc ông Đường Văn Thái bị bắt


Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.
Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.

Người Việt tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với VOA rằng họ rất “hoang mang, lo sợ” sau vụ nhà báo độc lập Đường Văn Thái bất ngờ mất tích ở Bangkok và sau đó được chính quyền Việt Nam loan rằng ông đã bị bắt vì “nhập cảnh trái phép”.

“Người tị nạn rất lo lắng, hoang mang bởi vì đây là trường hợp đầu tiên người đã có quy chế tị nạn và đã phỏng vấn tái định cư mà bị Cộng sản Việt Nam bắt cóc về”, ông Đoàn Huy Chương, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, cho biết hôm 18/4.

Hôm 13/4, ông Đường Văn Thái, sử dụng mạng xã hội với tên Thái Văn Đường, đã biến mất tại phi trường Bangkok nơi ông chuẩn bị đón một người bạn.

Các nhà hoạt động cho biết vào buổi sáng ngày mất tích, ông Thái đã có một cuộc phỏng vấn tái định cư với Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR), cơ quan đã cấp quy chế tị nạn cho ông từ năm 2020.

Đến ngày 16/4, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin rằng nhà chức trách Hà Tĩnh đã bắt giữ một “đối tượng” có tên Đường Văn Thái mà họ cho là “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam.

VN bắt Đường Văn Thái giữa lúc có tin nhà hoạt động đang xin tị nạn ở Thái Lan bị mất tích
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:30 0:00

Ông Lê Văn Thương, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và đang tị nạn tại Thái Lan, chia sẻ với VOA:

“Nếu như chính quyền Cộng sản Việt Nam thực hiện một vài vụ bắt cóc trót lọt và không có một tổ chức quốc tế nào lên tiếng về vấn đề này thì tất nhiên sẽ diễn ra các cuộc bắt cóc tiếp theo và thực hiện đồng loạt với quy mô lớn hơn. Đó là vấn đề mà người tị nạn tại Thái Lan đang lo sợ, lo sợ bị chính quyền Việt Nam bắt rồi đưa về nước và sau đó tiến hành các hình thức trả thù rất nặng nề đối với họ”.

“An ninh cộng sản, chim mồi cộng sản có mặt khắp mọi nơi ở Thái Lan, họ có thể bắt cóc hay thủ tiêu chúng tôi ở mọi thời điểm nào,” bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, người tị nạn tại Thái Lan, chia sẻ với VOA.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, một phật tử ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam, cho biết thêm rằng bà đã có quy chế tị nạn từ tháng 9/2020 và vừa phỏng vấn tái định cư tị nạn với UNHCR hôm 12/4, cùng thời gian với cuộc phỏng vấn tương tự của ông Đường Văn Thái.

Ông Đoàn Huy Chương nói rằng ông không nghĩ chính quyền Thái Lan có liên quan hay tiếp tay cho chính quyền Việt Nam trong việc bắt ông Đường Văn Thái.

Theo tổ chức phi chính phủ BPSOS, hiện nay có khoảng 800 người Việt Nam đã được xét có quy chế tị nạn tại Thái Lan, và nhiều người trong số họ phải chờ nhiều năm để có cơ hội đi định cư ở các nước thứ ba.

Sau khi truyền thông Việt Nam loan tin về việc ông Đường Văn Thái “nhập cảnh trái phép” – một vi phạm thường bị xử lý bằng hình thức xử phạt hành chính – một số tờ báo nhà nước lại tiếp tục đăng tin về ông như một “đối tượng chống phá nhà nước”.

“Đối tượng Đường Văn Thái vừa bị bắt giữ trùng tên và địa chỉ quê quán với một Youtuber thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội với tên gọi “Thái Văn Đường” Đối tượng Thái Văn Đường thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đưa ra những luận điệu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tin đồn thất thiệt với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước” trang Công Thương đăng tin hôm 17/4. Trang VietnamPlus cũng có phóng sự tương tự.

“Việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam loan tin như vậy là nhằm tránh né việc họ bắt cóc một người trên một đất nước thuộc khối ASEAN. Chúng tôi phản đối việc làm bất hợp pháp đó và chúng tôi rất lo lắng”, ông Đoàn Huy Chương nhận định.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của VOA.

Báo Đức Taz hôm 17/4 dẫn lời ông Daniel Bastard thuộc tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho biết vụ bắt cóc mới này được cho là do cơ quan mật vụ Việt Nam thực hiện cho thấy “sự vô đạo đức ngày càng tăng của chính quyền Việt Nam trong việc theo đuổi những tiếng nói độc lập”.

Nếu vụ bắt cóc này được xác nhận, đây sẽ là vụ bắt cóc công dân Việt Nam ở nước ngoài thứ bảy do mật vụ Việt Nam thực hiện kể từ năm 2003, cũng theo Taz. Theo tờ báo này, các vụ bắt cóc trước đó bao gồm vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin vào mùa hè năm 2017; vụ nhà sư và nhà bất đồng chính kiến Thích Trí Lực bị bắt cóc từ Campuchia về Việt Nam năm 2003, nhà bất đồng chính kiến Lê Trí Tuệ năm 2007 và cựu quan chức kinh tế Dương Chí Dũng năm 2012; vụ cặp vợ chồng Phạm Bá Huy và Phạm Thị Phượng tị nạn ở Thái Lan bị bắt cóc năm 2010, và gần nhất là vụ nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt vào năm 2019.

Tờ báo Đức cho biết chính quyền Việt Nam phủ nhận tất cả các vụ bắt cóc này. Trường hợp duy nhất có điều tra xử lý ở nước sở tại là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, mà đến nay có hai người gốc Việt bị phạt tù.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG