Đường dẫn truy cập

Ngược Swanston Street


Thường Quán

THƯỜNG QUÁN

Sinh năm 1956 tại Đà Nẵng

Tác phẩm đã xuất bản:

Ngoài Giấc Ngủ (NXB Văn Nghệ California, 1989).

Dấu Nước (talawas chủ nhật, 2006)

Years, Elegy (Vagabond Press, 2012)

Thơ, truyện ngắn và tiểu luận nằm rải rác ở các tạp chí và website văn học trong 30 năm qua.

Thơ Anh ngữ dưới tên Nguyễn Tiên Hoàng được giữ ở link sau đây:

http://www.poetryinternationalweb.net/pi/site/poet/item/20689
Hôm nay là một buổi sáng có thong thả hơn mọi ngày, tôi bước vào thành phố ngạc nhiên làm như phố kia cũng thong thả như mình. Từ Nhà Ga Flinders thay vì băng ngang qua cầu đi tới sở làm nằm bên Nam ngạn thành phố (Southbank) tôi đi dọc Swanston Street ngược về hướng Bắc, hướng của hai đại học sát phố RMIT và Đại học Melbourne. Qua tuổi sinh viên đã lâu tôi không có cớ gì để quay ngược về những khuôn viên campus, mọi lý do dìu dặt đôi chân vào Xóm Học không đủ lực kéo lôi, rủ rê. Cho thêm hương cà phê hàng quán sinh viên cũng không. Tôi chỉ muốn xem lại mấy thân tượng đồng trước tiền đình Thư viện Tiểu bang và kiểm lại xem viên gạch đem từ xứ sở của James Joyce có còn đó.

Mọi thứ kiếm tìm quả nhiên vẫn nguyên vị. State Library of Victoria: Jean d'Arc vẫn oai phong trên ngựa đồng bên hữu, hiệp sĩ George vẫn một thế nhoài qua cổ ngựa thốc mũi dáo hay trường thương vào thân rồng cánh tả. Và lão chánh án Redmond Barry, kẻ từng treo cổ legend Ned Kelly - anh hùng Lương Sơn Bạc đất này - vẫn trấn ngay trung tâm tiền đình, những kim đinh đâm ra trên đầu lão chống lại toan tính rót phân của đám bồ câu cư dân số một của khu thư viện. Những gã bồ câu ít bay và hơi đủng đĩnh cứ như là đã đọc hết sách thánh hiền, bây giờ đã tới tuổi vô can. Men qua mạn phải của hông bên, quả nhiên viên lát gạch từ quận làng Dromanach xứ Ái Nhĩ Lan vẫn còn. Lát gạch nung màu nâu có lẫn những miểng vỏ sò nho nhỏ nằm yên hàn bất kể chung quanh những họa sĩ bồ câu nhả phân thải phấn đã làm nên một bản nền sắc màu tự nhiên nhu nhuận. Nắng buổi sáng 10 giờ chiếu nghiêng xuống ngay đúng chỗ nằm viên gạch, như có bàn tay xếp đặt của Joyce - con người kỳ vĩ mà Umberto Eco, một nhà văn hiện đại xuất chúng khác, đã ví von như một giám mục vô gia cư - vừa mới mó đụng vào. Episcopi vagantes ngân nga nghe thơ mộng, quả nhiên là khế hợp với con người mà đã vào đời văn với cuộc phụng tùy Nàng Thơ tiên trước một cách tài tử tư riêng động đậy. Chamber Music là tên tập thơ đầu tay của Joyce, xuất bản năm 1907. (‘Chamber’ đây là tắt của ‘chamber pot’, ai dịch là thính phòng thì có lẽ cũng, nói theo ngôn ngữ phường phố, là đang đăng ký cuộc đưa lưng cho chúng đấm ‘từ chết tới bị thương’). Rồi James Joyce còn trở lại với thơ giữa những tiểu thuyết Người Dublin, Chân dung một người Nghệ Sĩ như một Thanh niên, kịch Lưu Vong, và kỳ vĩ Ulysses. Những lang chạ thơ giữa những hồi kịch và những chương tiểu thuyết của Joyce (như Patrick White sau đó đất này) sẽ cho ra đời một tập thơ mỏng nữa là Pomes Penyeach, đúng 20 năm sau tập thơ đầu.

Pomes Penyeach gồm 13 bài thơ ngắn. Mười ba là con số Joyce chọn lựa cũng như tập mỏng thơ đầu tay của Patrick White cũng chừng ấy đúng số 13. Tập mỏng Thirteen Poems của Patrick White, in vào năm 1930, với bút danh Patrick Victor Martindale, ngày nay ai giữ được ắt tự biết mình là khách sở hữu một mỏng manh báu vật. Ở Portrait of the Artists as a Young Man hay Ulysses, làm như Joyce viết vì được ban những phút giờ mặc khải (‘epiphany - phút linh cầu mãi mới về)’. Cũng như Virginia Woolf. Không có những khoảnh khắc ân sủng, ‘blessed moments’, ai dám đoan chắc người đời nay có sẽ được những Orlando, Mrs Dalloway, The Waves? Và White. Còn White? Cái viết tới với White, xem ra, khó khăn hơn. White, như Joseph Conrad, là kẻ viết vì đã sống như một lúc cùng với hai ba thế giới. Một hai thế giới vạn hoa được nắm bắt bằng sự nhìn trầm lạnh và sức khai khẩn cần cù, không thỏa hiệp. White đứa con của những mâu thuẫn xã hội và lịch sử của toàn bộ nước Úc trong quan hệ với mẫu quốc Ăng Lê. Australia, của White, là đất nước đã đi cùng chàng chứ không phải là ngược lại.

Từ một cam phận tới một vẫy vùng, không cấp khích, hay bạo động, từ tốn vượt thoát và định hình. Xứ sở này vốn khiêm nhường trong thể hiện cá tính, chân chất và kiệm lời. Xứ sở có những người đàn bà mạnh phong thái cho White viết Câu chuyện Người Dì (The Aunt’s Story), tác phẩm trưởng thành nhất trong mắt White, để mở vào, đi tới Voss và The Tree of Man. Xứ sở có những cách thế sống bình dị, đôi khi khép kín, sợ hãi sự khác biệt, khác lạ. White thấy cùng người Úc những tì vết, khiếm khuyết và sự dở hơi, thiếu trưởng thành, White là kẻ rồi về sau sẽ cho dội đập những tì vết này vào nóng hổi sân khấu và tiểu thuyết; hiển lộ, qua văn chương, những sự thật của bản thể và những đổi thay trong bản sắc của con người Úc thế kỷ hai mươi. Hạnh phúc của White những năm sau Nobel là những ngày của kịch. Những ngày hạ màn, về ngồi quanh chiếc bàn gỗ sồi sát kề bếp lửa với những đạo diễn, diễn viên của một nền kịch nghệ hiện đại đang đứng dậy. Những nủa đêm đầu sáng Martin Road, Centennial Park. Những tinh sương ấy không phải là sân khấu nữa mà là cả xã hội ngoài kia làm như đang chuyển mình chuyển dạ…Cái sự nhìn thấy của những người-cầm-bút-đi-xa… Joyce, Ezra Pound, Beckett, Henry Miller, Hemingway, Scott Fitzgerald … ở Paris, Trieste, Zurich đầu thế kỷ trước; hay Patrick White ở London, Ai Cập, Hy Lạp những năm 1940, nghiệm lại, có như chính nó là thứ viễn kiến mạnh khỏe đã làm nên những vóc vạc mới [mà nay một kẻ trẩy bộ chợt hồi cố nhìn ngắm với một sự khinh khoái, nhẹ lòng].

TQ
30/7/2012
XS
SM
MD
LG