Đường dẫn truy cập

Myanmar: Hạ cấp vấn đề buôn người sẽ là một sai lầm


Rorbiza 17 tuổi, ngồi trong một căn nhà ở Dapaing, Bắc Sittwe, bang Rakhine ở phía tây Myanmar sau khi trốn thoát khỏi một chiếc thuyền buôn người.
Rorbiza 17 tuổi, ngồi trong một căn nhà ở Dapaing, Bắc Sittwe, bang Rakhine ở phía tây Myanmar sau khi trốn thoát khỏi một chiếc thuyền buôn người.

Myanmar đang phản đối bản phúc trình của Hoa Kỳ đưa nước này xuống hạng thấp nhất trong bảng chỉ số mua bán người của Washington. Theo một giới chức chính phủ ở Naypyitaw, xếp Myanmar vào cùng hạng với Iran, Bắc Triều Tiên và Syria trong số những nước phạm tội buôn bán người tệ hại nhất là một sai lầm.

Cuối tuần này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ công bố bản phúc trình thường niên về nạn buôn bán người, còn gọi tắt là TIP, và Myanmar có thể bị rớt xuống phân loại chót trong bảng phân loại 3 bậc.

Thông tấn xã Reuters hôm nay trích dẫn các nguồn tin ở Washington và Bangkok tường thuật rằng Myanmar sẽ bị cho tụt hạng để thúc đẩy nước này phải hành động nhiều hơn nhằm ngăn chặn việc sử dụng lính trẻ em và cưỡng bách lao động và giữa hiện tượng tiếp tục ngược đãi tràn lan nhắm vào những người Hồi giáo Rohingya ở quốc gia với đa số dân theo Phật giáo này.

Ông Aung Lin, bí thư thường vụ tại Bộ Ngoại giao Myanmar nói với đài VOA: “Dĩ nhiên chúng tôi sẽ thất vọng vì bị cho tụt hạng, bởi vì chúng tôi đã làm với với tất cả các bên để cải thiện tình hình.”

Giới chức này nói thêm rằng mặc dầu ông đã thấy các bản tin cho thấy Myanmar bị cho tụt hạng trong danh sách TIP, chưa có thông báo chính thức nào của Hoa Kỳ.

Ông Aung Lin nói thêm rằng, “Chúng tôi đang làm bổn phận của chúng tôi và sẽ tiếp tục làm.”

Các nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Yangon hôm nay cho hay họ sẽ không đưa ra lời bình trước khi báo cáo được công bố.

Hạ cấp trong bảng xếp loại có thể gây thiệt hại nhiều mặt

Bà Suu Kyi đã bị chỉ trích kể từ sau chiến thắng ồ ạt của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà vì đã không có đủ các biện pháp giải quyết vấn nạn của người Rohingya.
Bà Suu Kyi đã bị chỉ trích kể từ sau chiến thắng ồ ạt của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà vì đã không có đủ các biện pháp giải quyết vấn nạn của người Rohingya.

Bị xếp hạng vào thứ bậc chót không những là một biểu hiệu ô nhục trên trường quốc tế mà còn có thể châm ngòi cho những biện pháp chế tài hạn chế việc tiếp cận viện trợ của Hoa Kỳ và các nước khác.

Sau mấy chục năm dưới chế độ quân trị, Myanmar, còn gọi là Miến Điện nay có một chính phủ được bầu lên theo thể chế dân chủ mặc dầu quân đội vẫn nắm nhiều thế lực.

Lãnh tụ trên thực tế của đất nước, cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, đã bị chỉ trích kể từ sau chiến thắng ồ ạt của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà vì đã không có đủ các biện pháp giải quyết vấn nạn của người Rohingya.

Chính phủ Myanmar không chịu dùng từ Rohingya để chỉ nhóm sắc tộc này mà coi họ là người Bengali di trú bất hợp pháp từ Bangladesh.

Ông Matthew Smith, trưởng ban quản trị của tổ chức bất vụ lợi Fortify Rights nói: “Một quyết định hạ cấp trong bảng xếp hạng là đích đáng một cách khách quan và gửi đi một thông điệp đúng đắn cho quân đội, đã sử dụng lao động cưỡng bách mà không bị trừng phạt từ mấy chục năm nay.”

Phải cứu xét thời điểm công bố phúc trình

Phúc trình TIP mới nhất đánh giá tình hình ở Myanmar trước khi NLD lên nắm quyền, “do đó điều rõ ràng là quyết định năm nay không dựa vào thành tích của NLD, mà là vào thành tích của quân đội.”

Đồn đoán về thứ hạng của Thái Lan

Chính phủ Myanmar không chịu dùng từ Rohingya để chỉ nhóm sắc tộc này mà coi họ là người Bengali di trú bất hợp pháp từ Bangladesh.
Chính phủ Myanmar không chịu dùng từ Rohingya để chỉ nhóm sắc tộc này mà coi họ là người Bengali di trú bất hợp pháp từ Bangladesh.

Bất kỳ thay đổi nào trong thứ hạng TIP của Thái Lan dưới quyền tập đoàn quân nhân trong hai năm vừa qua, cũng sẽ được theo dõi sát.

Giữa lời đồn đoán Thái Lan sẽ được nâng cấp lên thứ bậc 2 trong danh sách theo dõi, ông Smith nói, “Đây rõ ràng sẽ là một sai lầm” bởi vì năm 2015 là “một năm xấu trong lịch sử nạn buôn người ở Thái Lan.”

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích tập đoàn cầm quyền Thái về việc đóng cửa biên giới ngăn hàng ngàn người sống sót nạn buôn người có nguy cơ chết ngoài biển và đã giam giữ những người khác trong các điều kiện mà giới hoạt động mô tả là vô nhân đạo.

Ông Smith, thuộc tổ chức chuyên điều tra và theo dõi các vụ vi phạm nhân quyền ở Đông Nam Á, nói: “Chúng tôi đã thấy một số diễn biến tích cực ở Thái Lan, nhưng phần lớn những diễn biến này đã xảy ra trong những tháng gần đâu và sẽ được đánh giá trong báo cáo TIP vào năm tới, chứ không phải năm nay.”

Các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ nhiều lần đã phủ quyết đơn vị chống buôn người của Bộ Ngoại giao và thổi phồng thứ hạng của các nước quan trọng về chiến lược, theo một bản tin của Reuters hồi tháng 8 năm ngoái.

Bộ Ngoại giao bác bỏ những yếu tố chính trị trong việc thiết lập danh sách nhưng các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi cải cách tiến trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG