Đường dẫn truy cập

Mỹ quan ngại về tình trạng bất ổn tại Bahrain


Cảnh sát chống bạo động Bahrain tiến về phía người biểu tình chống chính phủ tại Budaiya, phía tây thủ đô Manama.
Cảnh sát chống bạo động Bahrain tiến về phía người biểu tình chống chính phủ tại Budaiya, phía tây thủ đô Manama.
Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về tình hình xáo trộn tại Bahrain trước phiên xử một nhà hoạt động đối lập hàng đầu vào cuối tháng này. Có ít tiến bộ trong cuộc đối thoại hòa giải dân tộc mà đôi bên đồng ý thực hiện sau những cuộc biểu tình bạo động vào năm 2011. Theo tường trình của Thông tín viên Đài VOA tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đây là một vấn đề gây lo ngại cho Washington vì Bahrain là nơi trú đóng của Đệ Ngũ Hạm Đội của Mỹ.

Bạo động xảy ra sau đám tang của một nhà hoạt động đối lập Bahrain là một bước thụt lùi đối với một cuộc đối thoại nhằm giải quyết những khác biệt giữa chính phủ và phe đối lập.

Bà Jen Psaki Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói:

“Chúng tôi thất vọng vì những biến cố xảy ra mới đây đã làm xói mòn triển vọng đối thoại tại Bahrain.”

Bà Psaki nói chính quyền Obama biết được việc giam giữ và cái chết của nhà bất đồng chính kiến 31 tuổi Yousif Ali al-Nashmi. Ông bị bắt giam vào tháng 8 năm nay về tội tham dự vào những cuộc biểu tình bất hợp pháp, dù rằng Trung tâm Nhân quyền Bahrain không đồng ý về lập luận này.

Ông al-Nashmi thiệt mạng vài ngày sau khi được thả khỏi nhà tù trong tháng này, tiếp theo điều mà những tổ chức nhân quyền cho là ông bị ngược đãi trong tù.

Tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama so sánh những căng thẳng giáo phái tại Bahrain với những vụ bạo động tại Iraq và Syria.

Bahrain là một quốc gia với đa số người Hồi giáo Shia cư ngụ nhưng được cai trị bởi gia đình hoàng gia là người Hồi giáo Sunni.

Tuy nhiên chính phủ của Vua Hamad bin Isa al-Khalifa nói không thể so sánh Bahrain với Syria và Iraq, nơi mà những mối căng thẳng về giáo phái không ngớt gây ra những vụ bạo động.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bahrain nói “những tổ chức cực đoan nước ngoài” đang nhắm tấn công các lực lượng an ninh. Bộ Ngoại giao Bahrain cũng nói Bahrain đang đáp ứng “trong phạm vi luật pháp.”

Phe đối lập yêu cầu có thêm nhiều việc làm, nhiều dân chủ, và thả tất cả các tù nhân chính trị.

Ông Doug Bandow thuộc Viện Cato nói Washington đã bỏ mất cơ hội để đứng về phía người Shia tại Bahrain, là khối người chiếm khoảng 70% dân số nhưng không được đại diện một cách cân xứng trong lãnh vực chính trị.

“Hoa Kỳ đã làm rất ít cho người Shia tại Bahrain, là nơi mà khối dân đa số đang tranh đấu để có tiếng nói lớn hơn trong chính phủ.”

Bà Psaki nói chính quyền Obama đang thúc đẩy chính phủ Bahrain tôn trọng tự do hội họp và bày tỏ ý kiến và yêu cầu các bên tái khẳng định cam kết không bạo động.

“Còn có nhiều điều các bên có thể làm để tiến tới. Tôi không biết có một trở ngại cụ thể nào hay không, nhưng tôi biết có nhiều điều cần phải làm.”

Cựu đại sứ Hoa Kỳ Adam Ereli nói “lập trường đứng giữa của Washington” không có kết quả.

"Không ai biết lập trường của Hoa Kỳ là gì. Tại Bahrain Hoa Kỳ nói ‘Chúng tôi ủng hộ một tiến trình dân chủ. Đừng sử dụng bạo lực.’ Nhưng chúng ta không lên án phe đối lập. Chúng ta không tuyên bố ủng hộ chế độ. Không ai biết chúng ta ở về phía bên nào."

Những tổ chức đối lập đã ngưng tham dự cuộc đối thoại hòa giải dân tộc vì việc bắt giữ nhà hoạt động Khalil Marzouq hồi tháng trước.

Ông Marzouq bị truy tố về tội dùng vị thế lãnh đạo của ông trong một tổ chức chính trị hợp pháp để xúi giục bạo động. Hội Ân xá Quốc tế gọi ông là một tù nhân lương tâm. Ông sẽ ra toà vào ngày 24 tháng 10 tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG