Đường dẫn truy cập

Muốn dùng học phí ngăn học sinh ‘lao vào’ đại học, đại biểu quốc hội gây tranh cãi


Đại biểu Lê Quân phát biểu trước quốc hội Việt Nam, 25/7/2021.
Đại biểu Lê Quân phát biểu trước quốc hội Việt Nam, 25/7/2021.

Một đại biểu quốc hội của Việt Nam đang gây ra nhiều bàn tán sau khi nhận xét rằng chính sách học phí đại học hiện hành có nhiều bất cập, cần điều chỉnh theo hướng dựng rào cản để ngăn học sinh ồ ạt vào học đại học.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Đại biểu Lê Quân của tỉnh Cà Mau, cũng là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra các ý kiến kể trên khi ông phát biểu về sự tự chủ của các trường đại học tại quốc hội hôm 25/7.

“Có thể nói nếu [xét về] suất học phí, hiện nay ngân sách chúng ta chỉ đảm bảo ở mức thấp và mức học phí hiện nay cũng thấp”, đại biểu Quân chỉ ra một thực tế, được báo chí trích dẫn lại.

Tiếp đến, ông Quân lưu ý đến hiện trạng là có quy định về mức trần học phí, song mức trần này “đáp ứng rất thấp” so với mong muốn và nhu cầu về nguồn thu của các trường.

Do đó, vị đại biểu cũng là một giáo sư nắm vị trí quản lý Đại học Quốc gia Hà Nội nêu đề xuất:

“Chúng ta cần có quan điểm, tư duy là làm sao cần có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi, hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học đại học. Thứ hai, chúng ta cũng phải đảm bảo học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành 'học đại'”.

Trong cách nhìn nhận của mình, đại biểu Quân cho rằng “phải coi học phí đối với người học là một nguồn đầu tư”.

Vẫn giáo sư Quân nêu lên khái quát về mức học phí được xem là hợp lý:

“[Theo] thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng gần 2 năm tiền lương sau khi tốt nghiệp”.

Vị đại biểu đồng thời là nhà quản lý của một cơ sở giáo dục lớn kiến nghị với quốc hội là không nhất thiết phải bắt buộc rằng các trường đạt điều kiện tự chủ hoàn toàn mới được đặt ra mức thu học phí theo tình hình thực tế.

VOA quan sát thấy các phát biểu của giáo sư Quân dẫn đến nhiều lời phản đối trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến đồng tình.

Những chỉ trích nhắm vào ông Quân xuất hiện nhiều nhất trong các diễn đàn Hiện Tình Đất Nước, Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối, Diễn đàn Nhà báo & Chính sách, Otofun, và trên trang cá nhân của những Facebooker có đông người theo dõi như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu, cựu nhà báo Võ Đắc Danh, cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ.

Bày tỏ phẫn nộ về ý kiến vị đại biểu quốc hội nêu ra, nhiều người gọi đó là một cách đánh “thuế học”, là một tư tưởng phân biệt giàu nghèo, không nắm thực tiễn đời sống người dân, ngăn cản cơ hội được tiếp cận một cách bình đẳng với giáo dục. Họ cũng đề nghị miễn nhiệm vị trí đại biểu quốc hội và cách chức giám đốc Đại học Quốc gia của ông Quân.

Ở phía những người ủng hộ vị đại biểu quốc hội, những người này đồng tình rằng nếu các trường được thu học phí cao cũng đồng nghĩa chất lượng đào tạo được nâng cao và có nhiều nguồn lực hơn để trao thêm học bổng cho các học sinh giỏi nhưng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó là luồng quan điểm cho rằng số đông các học sinh có năng lực vừa phải nên xác định học nghề từ sớm, không lãng phí những năm đi học đại học vì với sức học “làng nhàng” khi tốt nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh “cao không tới, thấp không thông”, không làm được việc gì.

Sau khi xảy ra những tranh cãi trên mạng xã hội, đại biểu Lê Quân làm rõ thêm về quan điểm của ông trong một bài phỏng vấn đăng trên website của báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh vào chiều 26/7.

Về trách nhiệm của nhà nước, giáo sư Quân đề nghị nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục đại học chứ không nên cắt giảm chi thường xuyên gắn với cắt giảm biên chế như hiện nay.

Về phía các trường, ông Quân chỉ vào hiện trạng là vì học phí hiện nay thấp nên nhiều trường đại học phải tăng thu bằng cách tăng quy mô đào tạo, tức là chạy theo số lượng. “Điều đó khiến chất lượng đào tạo giảm sút trong khi học sinh lại cứ muốn đỗ đại học bằng được”, ông Quân đưa ra nhận xét trên Pháp Luật Tp.HCM.

Vị giáo sư vẫn giữ quan điểm rằng “giáo dục cần phân tầng để bên cạnh một tỷ lệ nhất định học sinh vào đại học thì phần lớn học sinh phải được học nghề để kiếm được việc làm tốt”.

Để “phân tầng” như vậy, cần hai công cụ gồm cuộc thi tuyển sinh nhằm sàng lọc năng lực học và mức học phí cao, hay nói cách khác là công cụ tài chính.

Căn cứ vào kinh nghiệm ở nhiều nước khác, giáo sư Quân cho hay công cụ tài chính đặt sinh viên đứng trước bài toán phải cân đối tài chính khi học đại học, và do đó, nếu họ xác định phải vay mượn để đi học, họ có trách nhiệm hơn, học tập và hòa nhập xã hội tốt hơn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG