Đường dẫn truy cập

Một nhóm nổi dậy ly khai ở Mali muốn thương thuyết


Chiến binh của nhóm nổi dậy Ansar Dine tại đông bắc Mali.
Chiến binh của nhóm nổi dậy Ansar Dine tại đông bắc Mali.

Binh sĩ nước ngoài được gởi tới Mali

Binh sĩ nước ngoài tại Mali

Pháp: Hiện có khoảng 800 binh sĩ tại Mali và có ý định gia tăng sự hiện diện của binh sĩ lên 2500 người trong những tuần lễ sắp tới. Hôm thứ Ba, Tổng thống Francois Hollande nói rằng, quân đội của nước ông sẽ bắt đầu rút ra khỏi cựu thuộc địa của Pháp này một khi khối ECOWAS của vùng Tây Phi triển khai binh sĩ của họ và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm.

ECOWAS: Ecowas đang tới quyết định chót để gởi tới 3300 binh sĩ tới Mali, dưới kế hoạch can thiệp được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Loan báo về việc đóng góp binh sĩ từ các nước Châu Phi gồm các nước sau đây:

-Nigeria: 900 binh sĩ
-Burkina Faso: 500
-Niger: 500
-Senegal: 500
-Togo: 500
-Benin: 300
-Guinea: 144
-Ghana: 120
-Chad: chưa xác định nhân số
Một phe phái thuộc nhóm nổi dậy Ansar Dine tại Mali đã ly khai để thành lập phong trào riêng của họ, và bày tỏ ý định sẵn sàng tìm một giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này thông qua thương thuyết.

Trong một thông báo ra hôm nay, tổ chức mới thành lập mang tên là Phong trào Hồi giáo vì Azawad còn cho hay là nhóm này sẵn sàng chiến đấu chống chủ nghĩa cực đoan.

Các thành viên của nhóm nổi dậy Ansar Dine đã kết hợp với nhóm sắc tộc Tuareg để chiếm quyền kiểm soát miền Bắc Mali sau một cuộc đảo chánh hồi tháng Ba năm ngoái.

Nhóm Ansar Dine và các nhóm Hồi giáo khác sau đó chiếm toàn bộ quyền kiểm soát khu vực này, nơi họ áp đặt luật Hồi giáo khắc nghiệt.

Vào cuối tháng 12, Ansar Dine đồng ý với một thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ Mali, tuy nhiên họ đã đình chỉ thỏa thuận đó trước đây trong tháng, nói rằng chính phủ Mali không thành thực về các cuộc thương thuyết hòa bình.

Các chiến binh Hồi giáo khởi sự tiến về phía Nam vào các khu vực do chính quyền Mali kiểm soát, khiến các lực lượng Pháp thực hiện các vụ không kích theo lời yêu cầu của chính phủ Mali để chận đứng đà tiến của lực lượng nổi dậy.

Các binh sĩ Pháp và Mali từ đó đã chiếm lại được một số khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy, trong khi một lực lượng can thiệp quân sự Châu Phi tiếp tục đổ về Mali để giúp chính quyền nước này chiếm lại quyền kiểm soát toàn bộ miền Bắc.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm qua nói với một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ rằng tình trạng bất ổn ở Mali đã tạo ra một “nơi trú ẩn an toàn cho bọn khủng bố” đang tìm cách nới rộng hoạt động.

Ngoại trưởng Clinton nói Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ đã làm việc với các nước láng giềng của Mali để củng cố an ninh cho các nước này, nhưng đa số không có đủ khả năng để làm điều đó.

Bà Clinton nói diệt trừ các phần tử nổi dậy, đẩy bật chúng ra khỏi Bắc Mali là một thách thức lớn.

Các diễn biến ở Mali năm 2012:

Tháng 1: Chiến binh Tuareg phát động cuộc nổi loạn mới ở miền bắc.

22 tháng 3: Binh sĩ ly khai tổ chức đảo chính ở thủ đô Bamako.

30 tháng 3 – 1 tháng 4: Các phần tử Tuareg ly khai, được sự hỗ trợ của các phần tử chủ chiến Hồi giáo, chiếm quyền kiểm soát các khu vực chủ chốt ở miền bắc.

1 tháng 4: Dưới áp lực quốc tế, tập đoàn quân nhân đồng ý trả lại quyền cho giới dân sự.

6 tháng 4: Phiến quân tuyên bố miền bắc là một nước độc lập với danh xưng là “Azawad.”

8 tháng 4: Tổng thống Amadou Toumani chính thức từ chức.

12 tháng 4: Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traore trở thành tổng thống lâm thời. 26 tháng 4: Các nhà lãnh đạo lâm thời loan báo chính phủ mới, quân đội nắm 3 chức vụ then chốt.

26 tháng 5: Các phần tử ly khai Tuareg, các phần tử chủ chiến Ansar Dine ký thỏa thuận thành lập quốc gia Hồi giáo Azawad.

1 tháng 6: Liên minh Tuareg/Ansar tan vỡ vì vụ tranh chấp có liên quan đến Sharia.

27 tháng 6: Phe Hồi giáo đánh bại phe ly khai Tuareg ở Gao, đặt tất cả các thành phố chính ở miền bắc dưới sự kiểm soát của các thành phần theo chủ trương cứng rắn.

30 tháng 6: Phe Hồi giáo cứng rắn ở miền bắc bất đầu phá hủy các đền thờ cổ ở Timbuktu mà Liên Hiệp Quốc công nhận là một địa điểm Di sản Thế giới.

29 tháng 7: Ansar Dine công khai hành quyết một người đàn ông và một người đàn bà can tội ngoại tình.

20 tháng 8: Mali loan báo một chính phủ đoàn kết mới dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng lâm thời Cheikh Modibo Diarra.

17 tháng 9: Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi họp bàn về Mali.

12 tháng 10: Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết mở đường cho việc bố trí binh sĩ nước ngoài ở Mali để lật đổ các phần tử quá khích Hồi giáo: yêu cầu ECOWAS và Liên hiệp Phi châu đưa ra kế hoạch chi tiết.

24 tháng 10: Liên hiệp Phi Châu chấp thuận kế hoạch bố trí lực lượng quân sự Tây Phi ở Mali. Kế hoạch được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để phê chuẩn chung quyết.

20 tháng 11: Phe chủ chiến Hồi giáo chiếm Menaka từ tay phe ly khai Tuareg.

5 tháng 12: Tổng thống Bờ biển Ngà Alassane Ouattara kêu gọi mau chóng can thiệp quân sự ở bắc bộ Mali.

10 tháng 12: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi có biện pháp mau chóng về Mali.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG