Đường dẫn truy cập

Quốc hội Hoa Kỳ cứu xét việc cấm thí nghiệm y khoa trên loài vượn


Quốc hội Hoa Kỳ cứu xét việc cấm thí nghiệm y khoa trên loài vượn
Quốc hội Hoa Kỳ cứu xét việc cấm thí nghiệm y khoa trên loài vượn

Con tinh tinh, hay vượn, là động vật linh trưởng gần gũi nhất với loài người. Động vật rất thông minh này xuất phát từ Trung Phi và chia sẻ nhiều đặc tính với loài người, từ những đặc điểm về thể chất cho đến cung cách hành xử. Trên thực tế, 98% DNA của con tinh tinh hoàn toàn giống với DNA của người. Những điểm tương đồng này đã khiến con tinh tinh trở thành đối tượng lý tưởng của các cuộc nghiên cứu y khoa, dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt về quyền sống của loài vật và vấn đề đạo đức trong các cuộc nghiên cứu y khoa. Tạp chí Khoa Học và Đời Sống tuần này xin được dành để gửi đến quý vị một số chi tiết xoay quanh cuộc tranh luận về vấn đề này trong bài tường trình của thông tín viên đài VOA Julie Taboh.

Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn cho phép chính phủ tài trợ các cuộc thí nghiệm y khoa thực hiện trên loài vượn, động vật linh trưởng có chung tổ tiên với loài người.

Giới ủng hộ nói rằng các cuộc xét nghiệm y khoa thực hiện trên các con tinh tinh đã giúp giới khoa học cứu được mạng sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Mặt khác, các nhà hoạt động bảo vệ sự an sinh của các động vật thì lập luận rằng sử dụng các con tinh tinh trong các cuộc thí nghiệm y khoa gây nhiều đau đớn, đôi khi chết chóc, là ác độc và vô nhân đạo.

Bác sĩ Hope Ferdowsian là Giám đốc đặc trách Chính sách Nghiên cứu của một tổ chức vô vụ lợi có tên là Ủy ban Y sĩ hành nghề có Trách nhiệm, Physicians Committee for Responsible Medicine, (gọi tắt là PCRM).

Bác sĩ Ferdowsian nói: “Các con tinh tinh đã được dùng trong các cuộc nghiên cứu về bệnh HIV-AIDS và bệnh viêm gan. Chúng đã bị bắn thuốc tiêm gây mê, rồi trở thành những vật thí nghiệm phải trải qua đủ mọi loại thủ tục y khoa có khả năng phương hại đến sức khỏe của chúng.”

Bà Elizabeth Kucinich, phu nhân của nghị sĩ Mỹ Dennis Kucinich, là một người đã đấu tranh từ lâu để bảo vệ tình trạng an sinh của loài vật. Bà còn kiêm chức vụ Giám đốc đặc trách các vấn đề ngoại vụ của Ủy Ban Y sĩ hành nghề có Trách nhiệm.

Bà Kucinich nói rằng Khoa học đã tiến triển từ những năm của thập niên 1920, là lúc lần đầu tiên, các loài linh trưởng được sử dụng trong các cuộc thí nghiệm y khoa.

Bác sĩ Ferdowsian cho rằng có những giải pháp thay thế cho việc sử dụng các con tinh tinh trong các dự án nghiên cứu.

Ông giải thích: “Ví dụ trong các cuộc nghiên cứu về siêu vi gây bệnh AIDS, tức HIV, chúng ta đã học hỏi được rất nhiều từ các cuộc nghiên cứu dịch tễ và các cuộc nghiên cứu lâm sàng được thực hiện phù hợp với đạo đức. Chúng ta đã học được rất nhiều về virút HIV qua việc sử dụng các mô hình toán học và máy tính. Về vắc-xin chống viêm gan dạng C, chúng ta cũng đang học hỏi rất nhiều từ các phương pháp sử dụng kỹ thuật nuôi cấy in-vitro hoặc nghiên cứu tế bào."

Bà Elizabeth Kucinich và bác sĩ Ferdowsian mới đây đã vận động để Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra một dự luật mới, mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc nghiêm cấm các cuộc thí nghiệm y khoa có tính xâm phạm phương hại đến sức khỏe của các con tinh tinh.

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều hài lòng với một dự luật tương tự. Bác sĩ John VandeBerg là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Động vật Linh trưởng tại thành phố San Antonio, bang Texas. Ông nói việc sử dụng các con tinh tinh trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh lý là điều vô cùng thiết yếu:

“Ngoài con tinh tinh ra, không có động vật nào có thể được tiêm virút viêm gan C, hay virút viêm gan dạng B, hoặc virút HIV gây bệnh Aids”.

Bác sĩ Vanderberg nói các cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trên các con tinh tinh cho tới nay đã giúp ích cho rất nhiều người trên khắp thế giới. Ông liệt kê một số thành phần đã được hưởng lợi từ các cuộc nghiên cứu đó:

“350 triệu người trên khắp thế giới đã nhiễm virút gây Viêm Gan dạng B, và 300 triệu người khác nhiễm virút gây Viêm gan dạng C. Hai thành phần ấy gộp lại đã chiếm đến 1 phần 10 dân số thế giới.”

Về khía cạnh đạo đức của các cuộc thí nghiệm trên con tinh tinh, bác sĩ John Vandeberg nói ông và các đồng nghiệp đã tìm cách thực hiện các cuộc nghiên cứu trên các động vật khác, ít gần gũi với loài người hơn, trước khi mang các con tinh tinh ra làm vật thí nghiệm. Ông giải thích thêm:

“Một khi cuộc nghiên cứu đã tiến triển đến giai đoạn mà các thông tin từ các cuộc nghiên cứu trên loài chuột không còn thỏa đáng, chúng tôi có thể xoay sang thực hiện các cuộc thí nghiệm trên loài khỉ. Một khi các con khỉ không còn cung cấp cho chúng tôi những câu trả lời thỏa đáng, thì lúc đó, chúng tôi mới cho tiến hành các cuộc thí nghiệm trên các con tinh tinh.”

Bác sĩ Vanderberg cũng lên tiếng bênh vực trung tâm nghiên cứu động vật linh trưởng của ông ở bang Texas. Ông nói các vật thí nghiệm tại trung tâm nghiên cứu của ông được chăm sóc chu đáo hơn, so với phần lớn nhân dân nhiều nước trên thế giới.

Ông nói: “Các con vật thí nghiệm được sống và sinh hoạt theo nhóm xã hội, trong các cơ sở kết hợp những khu lợp mái và các khu rừng thiên nhiên. Mùa đông, trung tâm nghiên cứu của chúng tôi có máy sưởi ấm, và mùa hè thì có máy lạnh. Các con tinh tinh của chúng tôi còn được coi Tivi nữa.”

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy là các con tinh tinh được dùng trong các cuộc thí nghiệm y khoa có thể phải chịu đau đớn, hoặc có thể mất mạng vì các cuộc thí nghiệm y khoa. Đối với bà Jane Goodall, chuyên gia về động vật linh trưởng nổi tiếng thế giới, thì đó là điều không thể nào chấp nhận được.

Bà Goodall nói: “Chúng ta phải thừa nhận ngay từ đầu rằng, từ quan điểm của các đối tượng được thí nghiệm, và có thể từ quan điểm của chính chúng ta, những gì mà chúng ta đang làm với các con vật thí nghiệm là điều sai trái về mặt đạo đức, và không thể chấp nhận được.”

Đạo luật Bảo vệ giống Khỉ Lớn hiện đang được đưa lên Quốc hội Hoa Kỳ, hơn 140 dân biểu Hạ viện đã đứng ra đồng bảo trợ dự luật này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG