Đường dẫn truy cập

Maria Ressa, chiến sĩ đấu tranh cho tự do báo chí


Tư liệu - Nhà báo Mỹ gốc Philippines Maria Ressa phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ trên Thế giới ở thành phố New York, ngày 10/4/2019.
Tư liệu - Nhà báo Mỹ gốc Philippines Maria Ressa phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ trên Thế giới ở thành phố New York, ngày 10/4/2019.

Nhà báo Maria Ressa là một trong những gương mặt nổi bật trong giới truyền thông Philippines, bà được biết tiếng trên trường quốc tế là một nhà báo can trường, dám “nói lên sự thực,” và không khuất phục trước bạo quyền. Bà thường xuyên lên tiếng phê bình Tổng thống Duterte và các chính sách của ông.

Từng là phóng viên điều tra và Trưởng đại diện của CNN tại Đông Nam Á trong gần 2 thập niên, sau đó bà người điều hành ban tin tức và thời sự của ABS CBN, bà nhiều lần được các tổ chức truyền thông quốc tế vinh danh.

Năm 2012, Maria Ressa thành lập Rappler, một trang mạng tin tức độc lập. Rappler từ đó đã trở thành một thành trì của tự do báo chí và tự do ngôn luận. Tại một đất nước bị thống trị bởi nhà độc tài Rodrigo Duterte, tính mạng của Maria Ressa bị đe dọa mỗi ngày trong khi ông Duterte tiến hành một chiến dịch nhằm bịt miệng bà và các đồng nghiệp.

Năm 2012, Rappler đăng một bài báo liên kết một doanh nhân liên hệ với Tổng thống Duterte với các hoạt động buôn ma túy và buôn người. Từ đó, Maria Ressa đã bị truy tố về nhiều tội danh mà các luật sư của bà cho là mang động cơ chính trị.

Bị kết tội vào tháng 6 năm nay về tội danh “phỉ báng trên mạng”, bà còn bị gán nhiều tội danh khác vì động cơ chính trị, mà cộng lại có thể dẫn tới gần 100 năm tù.

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình tự do báo chí ở Philippines, Maria Ressa nói:

“Có thể ví von đây là cái chết bằng 1000 vết cắt, không chỉ tự do báo chí mà cả nền dân chủ của chúng ta trong 4 năm qua. Chúng ta đã chứng kiến trong chỉ hai tháng qua, ABS-CBN, hệ thống phát hình lớn nhất nước, bị đóng cửa. Hãy tưởng tượng nó cũng giống như đài CBS hoặc đài CNN bị đóng cửa bằng sắc lệnh vậy. Lần cuối cùng điều đó xảy ra là khi thiết quân luật được tuyên bố trong những thập niên 1970, và đài bị đóng cửa trong 14 năm.”

Bà Ressa cho biết đây chỉ là một trong 8 vụ án hình sự mà bà phải đối phó chỉ vì bà là một nhà báo.

“Tôi không phải là một kẻ tội phạm. Tôi là một nhà báo. Tôi đã làm báo hầu hết cuộc đời mình. Tôi đã từng bị đuổi ra khỏi một số nước. Tôi đã bị nhắm bắn.”
Nhà báo Maria Ressa, CEO của trang mạng Rappler

Các giải tự do báo chí quốc tế

Nhà báo này được Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia của Mỹ ở Washington DC trao tặng giải Tự do báo chí Quốc tế Aubuchon năm 2020. Năm ngoái, Maria Ressa được tạp chí Time bình chọn là một trong những “Nhân vật trong Năm” về tự do báo chí. Và mới đây, bà có tên trên danh sách 50 nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới của Bloomberg.

Bà chỉ là người Philippines thứ nhì được ghi tên vào danh sách này, sau ông Ramon Ang thuộc tập đoàn San Miguel, người được vinh danh trong danh sách 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2019.

Đối với nhà báo dày dạn này, không có gì quan trọng hơn tự do báo chí.

Bà nói:

“Tự do báo chí là nền tảng của tất cả mọi quyền mà một công dân Philippines được hưởng. Nếu chúng ta không thể buộc những nhân vật nắm các vị thế quyền lực phải chịu trách nhiệm về hành động của họ, thì chúng ta không thể làm bất cứ điều gì khác.”

Bloomberg vinh danh CEO của Rappler về thành tích của bà trong cương vị một nhà báo dám nói lên sự thực, không khuất phục trước bạo quyền. Những bài báo của Rappler bao gồm các bài phóng sự điều tra về các hành động vi phạm nhân quyền của cảnh sát Philippines trong các nỗ lực bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte.

“Maria Ressa vẫn tiếp tục tác nghiệp bất chấp một chiến dịch trấn áp tinh thần của chính quyền, vốn vu cho bà tội trốn thuế và cáo buộc rằng những hỗ trợ tài chính mà Rappler nhận được vi phạm luật cấm người nước ngoài sở hữu một cơ sở truyền thông ở Philippines,” Bloomberg nói.

“Được tại ngoại hầu tra, Maria Ressa đang đấu tranh chống lại tất cả những cáo buộc đó và tiếp tục xuất bản.”

Phim tài liệu A Thousand Cuts

Tên tuổi của Maria Ressa thường xuyên xuất hiện trên những hàng tít lớn của các báo chí, truyền thông quốc tế vì bà là một nhà báo gan dạ, thường xuyên chỉ trích nhà độc tài Philippines, Tổng thống Duterte, và các chính sách của ông.

Nhà báo này bị một tòa án Philippines kết tội “phỉ báng trên mạng” vào tháng 6 năm nay vì một bài báo của Rappler liên kết một doanh nhân Philippines tên Wilfredo Keng với các hoạt động ma túy bất hợp pháp. Phán quyết của tòa đã bị truyền thông địa phương và quốc tế chỉ trích là nhằm đàn áp chính trị và tự do báo chí.

Maria Ressa cũng là đối tượng của bộ phim tài liệu “A Thousand Cuts” của đạo diễn Ramona Diaz ra mắt tại Liên hoan điện ảnh Sundance năm 2020, sẽ được công chiếu trong năm nay.

Bộ phim tài liệu kể lại cuộc đấu tranh trường kỳ của Maria Ressa chống lại nhà độc tài Philippines, và các vụ tấn công trên truyền thông xã hội mà Maria phải đối phó khi nói lên sự thực với quyền lực.

Bất chấp các quyền tự do cơ bản của bà đã bị hạn chế, chẳng hạn bà không được phép rời Philippines để trở về Mỹ, nhưng Maria Ressa không hề nao núng và vẫn tiếp tục thách thức Tổng thống Duterte, và cuộc chiến đẫm máu của ông chống ma túy.

Bộ phim “A Thousand Cuts” sẽ ra mắt trực tuyến vào Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. Sau khi phần chiếu phim, khán giả có thể tham gia cuộc thảo luận trực tuyến với nhân vật chính, Maria Ressa, và đạo diễn Ramona Diaz.

Thân thế và sự nghiệp

Maria Ressa ra đời ở Manila ngày 2/10/1963 lúc mẹ bà mới 18 tuổi. Cha bà qua đời năm bà lên 1 tuổi. Mẹ bà sau này lập gia đình với một người Mỹ gốc Ý, và đưa hai con gái sang Mỹ sống khi Maria lên 10.

Tốt nghiệp trường đại học Princeton, và là một học giả Fulbright, bà trở thành một nhà báo và là một chuyên gia được quốc tế công nhận về chủ nghĩa khủng bố ở Châu Á.

Maria Ressa còn là tác giả của 2 quyển sách có giá trị về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố ở Châu Á, Seeds of Terror: An Eyewitness Account of Al-Qaeda’s Newest Center – Hạt giống khủng bố, xuất bản năm 2003, và From Bin Laden to Facebook: 10 Days of Abduction, 10 Years of Terrorism (2013). – Từ Bin Laden tới Facebook: 10 ngày bị bắt cóc, 10 năm khủng bố.

Khi Bin Laden bị biệt kích Mỹ sát hại, người ta tìm thấy nhiều băng video thu lại những chương trình phóng sự truyền hình của Maria Ressa tại sào huyệt của Bin Laden ở Aghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG