Đường dẫn truy cập

Luật sư: Xử thế nào vụ SCB lừa đảo trái phiếu còn ‘tùy vào Đảng chỉ đạo’


Bà Trương Mỹ Lan và cháu là Trương Huệ Vân đã bị bắt hồi tháng 10 năm 2022.
Bà Trương Mỹ Lan và cháu là Trương Huệ Vân đã bị bắt hồi tháng 10 năm 2022.

Các nạn nhân bị lừa đảo mua trái phiếu ở SCB sẽ được bồi thường nhanh hay chậm, đủ hay thiếu và SCB sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào – tất cả đều phải chờ phán quyết của phiên tòa sắp tới mà Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có sự chỉ đạo chặt chẽ, một luật sư nói với VOA.

Sau một năm, vụ án tập đoàn Vạn Thịnh Phát gian dối trong phát hành trái phiếu thông qua ngân hàng SCB đã có kết luận điều tra của cơ quan công an, được công bố hôm 30/9. Trong vụ này, tập đoàn của bà chủ Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 40.000 nạn nhân trên khắp Việt Nam.

Theo bản kết luận điều tra của công an, những người mua trái phiếu được xác định là nạn nhân và hành vi bán trái phiếu của Vạn Thịnh Phát cho dân được xem là lừa đảo. Bộ Công an đã phát đi lời kêu gọi người bị hại ra trình báo để làm cơ sở bồi thường sau khi vụ án xét xử xong.

Sẽ được bồi thường?

Theo quy trình tố tụng của Việt Nam, sau khi khởi tố và điều tra xong, cơ quan công an sẽ chuyển kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát để cơ quan này ra quyết định truy tố các bị can. Các bị can sẽ bị đưa ra tòa để xét xử, và nạn nhân có được đền bù hay không tuỳ thuộc vào Tòa tuyên án như thế nào, ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến, nói với VOA.

“Rõ ràng là có hành vi lừa đảo rồi. Công an cũng đưa ra được con số những người bị hại”, ông Quân nói về bản thông báo kết luận điều tra của Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, tức C03.

“Nếu không có hành vi lừa đảo thì không được bồi thường, ngay cả khi có hành vi lừa đảo nhưng mà người ta không coi những người đã mua trái phiếu là nạn nhân thì cũng không được bồi thường”, luật sư Quân phân tích về khả năng các nạn nhân được đền bù theo phán quyết của Tòa án.

Ngay cả khi được bồi thường, trình tự, thứ tự như thế nào cũng phải theo quy định của pháp luật, ông Quân nói thêm. Đầu tiên là xác định xem các pháp nhân phạm tội, trong trường hợp này là tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, có còn tiền hay không, kế đó là xem ai được ưu tiên được bồi thường trước, trái phiếu nào bán ra có tài sản đảm bảo…

“Không phải tất cả ai là nạn nhân cũng được bồi thường với trình tự như nhau ở cùng một thời điểm như nhau”, ông nói.

Ngoài ra, tòa án còn phải xem xét yếu tố là vào thời điểm mua trái phiếu của các nạn nhân, pháp luật quy định việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp như thế nào, tính chất của hành vi lừa đảo là ‘công nhiên hay là thông qua đơn vị phát hành như thế nào’…

Ông bày tỏ hoài nghi về việc các nạn nhân sẽ được bồi thường đầy đủ vì số tiền lừa đảo quá lớn và ‘các chủ mưu lừa đảo thường đã tẩu án một phần tài sản’.

“Các nạn nhân hy vọng lấy lại toàn bộ tài sản của mình phải nói là điều rất khó khăn”, ông nhận định và dẫn ra kinh nghiệm về các vụ án lừa đảo ở Việt Nam là ‘tòa cứ tuyên là phải bồi thường cho nạn nhân nhưng sau đó rất khó thi hành án khi mà các bị cáo không còn tiền để thi hành án’.

Cơ quan công an Việt Nam cho biết họ đang tích cực thu hồi tài sản của tập đoàn Vạn Thịnh Phát vốn sở hữu những bất động sản ở những khu đất vàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Những tài sản này sau đó sẽ được phát mãi, đem đi đấu giá để lấy tiền đền bù cho dân, ông Quân nói.

Trách nhiệm của SCB

Khi được hỏi sẽ mất bao nhiêu thời gian thì phiên tòa xử xong, vị luật sư này cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm ‘chỉ 2-3 năm’.

Tuy nhiên, do đây là vụ án thuộc dạng chỉ đạo đặc biệt của Trung ương Đảng nên sẽ ‘phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của Đảng’, ông cho biết. “Nếu họ muốn đẩy nhanh tiến độ thì sẽ xét xử nhanh và bồi thường sớm cho nạn nhân, còn nếu họ có những việc khác ưu tiên hơn thì sẽ ngâm lâu hơn”, ông nói thêm.

Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, mà cụ thể ở đây là thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vốn đã bị khởi tố về trách nhiệm thanh tra SCB, ông Quân nói nếu Tòa xác định ‘họ có tham gia vào tiến trình lừa đảo này’, đối với nạn nhân của loại trái phiếu nào đó, mua trong hoàn cảnh nào đó, Tòa sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ‘xuất kho bạc ra đền bù’. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng này ‘rất khó xảy ra’.

Còn về ngân hàng SCB mà các nạn nhân tố cáo đã gài bẫy, dụ dỗ họ chuyển đổi từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu, vị luật sư này nói do ông chưa đọc được bản kết luận điều tra của công an nên không biết SCB bị truy trách nhiệm đến đâu. Bản thông báo về kết luận điều tra của công an không hề nhắc đến SCB mặc dù đây là nơi xảy ra vụ lừa đảo trái phiếu lớn nhất lịch sử Việt Nam.

“Nếu như Tòa xác định SCB bị liên đới thì khi đó họ mới chịu trách nhiệm với các nạn nhân”.

Các nạn nhân đã mua trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như An Đông, Quang Thuận hay Sunny World ‘sẽ được quyền tham gia phiên toà, phát biểu ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình’ với tư cách nguyên đơn vì họ đã được xác định là bị hại và đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, ông Quân nói.

Họ có thể thuê luật sư đại diện cho quyền lợi hợp pháp của họ. Trường hợp số lượng nạn nhân quá đông, họ có thể cùng nhau thuê luật sư chung vì họ có cùng một lợi ích miễn là không xung đột với nhau, cũng theo lời giải thích của luật sư này.

Hiện tại vẫn chưa rõ khi nào vụ án này sẽ được đưa ra xét xử. Cơ quan công an trước đó đã đánh giá đây là vụ án ‘đặc biệt phức tạp’ nên cần phải điều tra, xem xét kỹ lưỡng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG