Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam và Đông Nam Á: Những sắc màu sáng tối (2)


Đối lập trong tăng trưởng tín dụng

Câu chuyện khủng hoảng ở Việt Nam được nhiều người lý giải từ nguồn gốc tăng trưởng tín dụng vô tội vạ trong nhiều năm. So sánh với 04 nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy rõ sự tương phản rất lớn giữa Việt Nam và các nước này. Ba nước có tăng trưởng tín dụng rất khiêm tốn là Malaysia, Philippines và Thái Lan. Với Thái Lan, tăng trưởng tín dụng năm 2009 chỉ có 3.1%, tăng lên 12.6% năm 2010 và 16.2% năm 2011. Philippines cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng một con số trong 2 năm 2009 và 2010, chỉ tăng lên thành 14.7% vào năm 2011. Malaysia có tốc độ tăng trưởng một con số vào năm 2009 và chỉ nhỉnh trên 10% vào các năm 2010 và 2011.

Domestic credit growth (%) 2008 2009 2010 2011
Malaysia 9.2 11.3 13.2
Indonesia 33 16.1 17.5 24.4
Philippines 7.4 8.7 14.7
Thailand 3.1 12.6 16.2
Vietnam 25.4 39.6 32.4 14.3
Indonesia là nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn nhiều so với 3 nước trên. Tăng trưởng tín dụng năm 2008 ở nước này lên tới 33%, còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong cùng năm. Tuy nhiên, tốc độ này đã hạ nhiệt rất nhanh vào năm 2009 và 2010, xuống còn 16.1% và 17.5%. Tăng trưởng tín dụng ở nước này quay trở lại ở mức gần 25% vào năm 2011. Trong nửa đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng cũng đạt 25.8% ở Indonesia so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn tới chuyện Ngân hàng Trung ương của nước này đang bàn đến các giải pháp để hãm đà tăng này lại.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tín dụng đã được để tăng hầu như vô tội vạ. Suốt từ năm 2001 đến hết 2010, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đều trên mức 20%. Đặc biệt năm 2007, con số này lên tới 51% vào năm 2007, giảm xuống còn 25.4% năm 2008, nhưng sau đó lại vọt lên xấp xỉ 40% vào năm 2009 và trên 30% vào năm 2010. Trong suốt giai đoạn này, mặc dù chính phủ luôn đề ra các mục tiêu về tăng trưởng tín dụng, nhưng có vẻ không ai thực sự nghiêm túc về các mục tiêu này. Vì thế, tăng trưởng thực tế về tín dụng nội địa luôn vượt ngưỡng cho phép và không ai bị xử phạt.

Rõ ràng, so với các nước khác trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam đã hết sức cẩu thả trong việc điều hành chính sách về tín dụng. Có thể nói theo một cách khác, là Việt Nam trong suốt các năm này đã say xưa trong câu chuyện tăng trưởng, và phải sử dụng tăng trưởng tín dụng như là một chất gây nghiện để có thể tiếp tục “phiêu” trong cơn mơ tăng trưởng kinh tế. Dù thế nào, cho tới giờ này thì ai cũng thấy các hệ quả tai hại của nó, tuy nhiên đã quá muộn.

Lạm phát và lãi suất

Không có gì đáng ngạc nhiên là một nền kinh tế tăng trưởng bằng cách liên tục bơm tín dụng với cường độ cao lại có lạm phát phi mã. Trong tương quan với 04 nền kinh tế còn lại ở Đông Nam Á, Việt Nam trong năm năm gần đây nhất cũng là một ngoại lệ đáng buồn. Trong khi 04 nước còn lại đều có tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp (dưới 6.5%) trong suốt nhiều năm qua, thì Việt Nam có tốc độ tăng CPI có thể nói là ngoạn mục. Và điều này khiến cho các giải thích ở Việt Nam về việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do “giá cả thế giới tăng cao” hoặc do “khủng hoảng của thế giới” trở nên rất ngờ nghệch vì cơ cấu kinh tế của Việt Nam không khác quá nhiều so với cơ cấu kinh tế của bốn nước còn lại.

CPI growth rate (%) 2008 2009 2010 2011 2012 (E)
Malaysia 0.6 1.7 3.2 2.8
Indonesia 9.8 4.8 5.1 5.4 6.4
Philippines 4.1 3.9 4.7 3.5
Thailand -0.8 3.3 3.8 3.5
Vietnam 19.9 6.5 11.8 18.1 9.5
Tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Malaysia trong 4 năm qua đều ở mức rất thấp. Năm 2009 chỉ có 0.6%, năm cao nhất là 2011 cũng chỉ có 3.2% và năm nay Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng CPI của nước này cũng chỉ 2.8%. Thái Lan thậm chí còn có giảm phát vào năm 2009 với chỉ số giá tiêu dùng giảm 0.8%, sau đó tăng lên trên 3% vào năm 2010 và 2011. Năm nay tăng CPI ở Thái Lan cũng chỉ có 3.5%.

Philippines có tốc độ trượt giá cao hơn đôi chút so với Malaysia và Thái Lan, với chỉ số CPI tăng xấp xỉ 4% trong suốt 4 năm vừa qua.

Indonesia là trường hợp cá biệt hơn đôi chút với CPI năm 2008 chút xíu nữa thì xuyên thủng mốc một con số. Tuy nhiên, lạm phát ở Indonesia đã hạ nhiệt từ năm 2009, và tốc độ tăng CPI chỉ còn ở mức xấp xỉ 5% - 6% trong 4 năm gần đây nhất.
Đối lập với bức tranh trên, lạm phát ở Việt Nam gần như chọc thủng mốc 20% vào năm 2008 do kết quả tăng tín dụng như lên đồng hồi năm 2007 (51%). Do tăng tín dụng được siết lại vào năm 2008, chỉ còn 25.4%, lạm phát đã hạ nhiệt vào năm 2009 với 6.5%, nhưng sau đó lại bật cao trở lại mức 2 con số vào năm 2010 và năm 2011 cũng gần như xuyên thủng mốc 20%. Trong năm nay, Ngân hàng Thế giới dự kiến CPI của Việt Nam sẽ thấp hơn mốc 10% đôi chút.

Đi kèm với lạm phát là lãi suất, chính sách lãi suất của 04 nền kinh tế khác ở Đông Nam Á hầu như giống nhau – tức là để lãi suất huy động ngắn hạn hầu như không cao hơn bao nhiêu so với tốc độ tăng CPI. Trong một số năm, lãi suất thực ở các nước này là âm. Thí dụ ở Malaysia năm 2011, ở Thái Lan năm 2010 và 2011, hay ở Philippines năm 2011.

Short term interest rate (%) 2008 2009 2010 2011 2012 (E)
Malaysia 2 2.5 2.9
Indonesia 8.7 7.1 6.5 6.6
Philippines 4.8 4.2 4.6
Thailand 1.4 1.5 3
Vietnam 8.1 10.7 14 14 13
Ở Việt Nam, câu chuyện lãi suất nói chung phức tạp hơn các nước còn lại. Về mặt quy định hành chính của nhà nước, lãi suất huy động của Việt Nam không quá cao (8.1% năm 2008, 10.7% năm 2009, và 14% vào hai năm 2010 và 2011). Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng ở Việt Nam đã tham gia vào một cuộc chạy đua lãi suất, với tinh thần tất cả đều vượt rào, trong suốt nhiều năm qua. Lãi suất huy động thực tế thường cao hơn mức tăng CPI khoảng 2-3% và lãi suất cho vay luôn cao hơn lạm phát khoảng 5-6% và cá biệt có những giai đoạn lãi suất cho vay cao hơn CPI đến cả chục phần trăm. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG