Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng và niềm tin (phần 2)


Thế nhưng bức tranh kinh tế của Việt Nam, dù không tươi sáng như hồi 5 năm trước, vẫn không phải là một bức tranh đầy màu tối. Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển có nhiều tiềm năng và được thế giới nhìn nhận là có nhiều nền tảng tốt để phát triển. Việt Nam vẫn có nhiều ngành nghề có sức cạnh tranh cao, đặc biệt là các ngành liên quan đến nông nghiệp và thuỷ, hải sản. Năm 2012 là một năm khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đã đạt 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2011. Nhiều hãng sản xuất lớn và các quỹ đầu tư thị trường mới nổi vẫn coi Việt Nam là một điểm đến sáng giá.

Nhìn thẳng vào sự thật, lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ cam go hơn rất nhiều lần so với hiện nay. Chỉ cần tính trong vòng 100 năm trở lại đây, Việt Nam đã từng kinh qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn - từ đất nước bị ngoại bang xâm lược và đô hộ, kinh tế kiệt quệ làm hàng triệu người bị chết đói, chiến tranh triền miên giữa hai miền Nam - Bắc, chiến tranh biên giới khốc liệt ở phía Bắc với Trung Quốc, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chống diệt chủng ở Campuchia, tới giai đoạn đầu của cải cách Đổi Mới với lạm phát phi mã lên tới 300%-400% trong nhiều năm liền.

Trải qua nhiều thách thức như vậy, dân tộc Việt Nam vẫn vượt qua, tồn tại, hồi sinh, và thịnh vượng. Những thách thức liên tục trong lịch sử đã định hình dân tộc Việt Nam với tư cách là một dân tộc không chịu khuất phục trước sự đe doạ, trước bạo lực, trước bất công, trước sự chèn lấn của ngoại bang, và trước các khó khăn to lớn tới mức có thể đánh gục những trái tim không kiên định. Việt Nam không phải là một dân tộc run rẩy trước sợ hãi, dù đó là nỗi sợ vô hình hay có thật.

Các giá trị này vẫn còn đó, dù trong những khoảnh khắc nhất định của lịch sử, nó có thể bị phủ mờ bởi các lớp bụi của lòng tham ngắn hạn, của sự mê muội nhất thời, của các hạn chế về hiểu biết, hoặc của những sai lầm về lựa chọn lối đi. Nói như cách nói của Roosevelt hồi 80 năm trước, những thách thức về kinh tế của ngày hôm nay là những thách thức do chính chúng ta tạo ra, từ những sai lầm của chính chúng ta, dù “chúng ta” được hiểu là nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, hay bất kỳ một cá nhân nào.

Những sai lầm này có thể nhỏ nhặt như việc thiếu quan tâm giáo dục con cái về giá trị và lối sống khiến cho lớp trẻ dễ lạc lối trong một thế giới toàn cầu hóa, từ hành động ném rác xuống đường góp phần gây ngập lụt đô thị, đánh cá bằng roi điện góp phần làm môi trường bị tàn phá, sử dụng quá mức thuốc trừ sâu khiến cho sản phẩm nông nghiệp của quốc gia bị coi rẻ, bất chấp luật giao thông khiến tai nạn ở Việt Nam cao nhất nhì thế giới, đến những việc nghiêm trọng hơn như hành động chặt phá huỷ hoại rừng đầu nguồn của các doanh nghiệp làm gỗ, xây dựng các công trình thuỷ điện tràn lan và thiếu chất lượng của các doanh nghiệp năng lượng, lợi dụng kẽ hở quản lý để đầu cơ, tệ nạn ăn cắp tiền của giới tài chính - ngân hàng, thủ đoạn rút ruột công trình của giới xây lắp, tập quán kinh doanh quy hoạch và chạy dự án của giới bất động sản, nạn tham nhũng và sách nhiễu của quan chức nhà nước…danh sách này có thể viết dài tưởng chừng như vô tận.

Uy tín chính trị, quyết tâm chân thành, và hành động quyết đoán

Thế nhưng, cũng theo cách nói của Roosevelt, vì chúng là các lỗi lầm của chúng ta, bản thân chúng ta có thể khắc phục được nếu có lòng tin và sự quyết đoán chính sách. Lòng tin vào tính khả thi của thay đổi theo hướng tốt hơn sẽ làm chúng ta không rơi vào bi quan, tiêu cực, lún sâu vào các hành vi huỷ hoại bản thân và người khác, hoặc các hành vi cơ hội, trục lợi và đánh bài chuồn. Lòng tin vào tính khả thi của thay đổi theo hướng tốt hơn cũng làm chúng ta có thêm nhiệt tình, quyết tâm, và nỗ lực hơn để tạo ra chính sự thay đổi đó. Nói cho cùng, khoa học kinh tế hiện đại ngày nay cũng cho rằng kỳ vọng của người tham gia thị trường sẽ dẫn tới kết quả tương ứng của nó. Kỳ vọng thay đổi làm cho kết quả thay đổi theo.

Nhưng lòng tin không tự dưng mà có. Nó không đến từ một bài báo hay, một phát biểu hùng hồn, một bài giảng về đạo đức và triết lý. Có thể những thứ này sẽ tạo nên một tâm trạng phấn khởi trong giây lát, nhưng rồi sẽ tàn lụn nhanh chóng.

Lòng tin chỉ đến từ quyết tâm chân thành của những người lãnh đạo đất nước muốn hướng dân tộc tới một sự đổi thay thực sự. Không có sự thực tâm này, người dân sẽ chỉ như một bầy cừu lạc lối. Không có sự thực tâm này, ngôi nhà sẽ dột từ nóc, và mọi nỗ lực cá nhân từ bên dưới sẽ vô ích. Không có sự thực tâm này, lòng người sẽ luôn luôn nghi kỵ và chia rẽ. Không có sự thực tâm này, dân tộc sẽ không được ngoại bang kính nể. Không có sự thực tâm này, đất nước sẽ không có tương lai. Và điều này sẽ không thay đổi cho đến khi những người lãnh đạo đất nước có được quyết tâm chân thành ấy.

Nhưng chỉ dừng lại ở quyết tâm muốn thay đổi thôi là không đủ. Theo cách nói của Roosevelt, sự phục hưng không chỉ dựa trên những thay đổi về đạo đức, mà nó còn phải dựa trên hành động thực tế. Một quyết tâm mà không đi kèm với hành động thực tế thì chỉ là một lời nói suông không thực lòng.

Đưa Việt Nam ra khỏi vũng lầy hiện nay không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Ngược lại, tất cả các vấn đề này đều có giải pháp. Khủng hoảng kinh tế không phải là một câu chuyện xa lạ với loài người. Nó đã xảy ra nhiều, ở khắp nơi trên thế giới, trong mọi hình thái kinh tế mà loài người đã trải qua. Việt Nam không phải là ngoại lệ, vì thế các vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là một quái tượng chưa từng tồn tại và không ai giải quyết được. Thực tế là các giải pháp này đã được bàn đến nhiều, trong giới chuyên gia, trong các cơ quan tư vấn, từ các tổ chức hỗ trợ quốc tế tới cả các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước Việt Nam.

Để biến các giải pháp thành hiện thực, giống như Roosevelt đã triển khai New Deal để đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại Khủng Hoảng hồi năm 1933, sẽ cần thêm một yếu tố nữa mà Roosevelt đã có, và vì thế không cần nói ra. Đó là uy tín chính trị cần thiết để đảm nhiệm vai trò người dẫn dắt, để thuyết phục và cổ vũ toàn xã hội đi theo. Để thống nhất được các nhóm lợi ích chứ không phải tiêu diệt chúng. Để tạo sự đồng thuận cần thiết trong hệ thống chính trị nhằm biến các giải pháp thành chính sách, và từ chính sách đi vào đời sống để xoay chuyển hiện thực. Uy tín chính trị của Roosevelt đủ mạnh để giúp ông làm cho Quốc hội và công chúng Mỹ tin vào quyết tâm chân thành của ông đối với vận mệnh của nước Mỹ và ủng hộ các chính sách mà ông đưa ra. Không có uy tín chính trị này, quyết tâm của Roosevelt, dù chân thành, cũng chỉ là một ý chí cá nhân và không dẫn tới điều gì.

Ở Việt Nam, lòng tin của công chúng đối với Đảng CS và nhà nước đang bị xói mòn, như chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều quan chức cao cấp khác đã nhận xét. Uy tín chính trị bị xói mòn này làm giảm khả năng của nhà nước trong việc tạo ra các xoay chuyển cần thiết trong đời sống xã hội. Uy tín này phải được khôi phục và nó chỉ được khôi phục khi người dân nhìn thấy các động thái quyết đoán của Đảng CS và nhà nước liên quan đến tư cách, trình độ, đạo đức, phẩm chất, tính chuyên nghiệp, tinh thần phụng sự đất nước, và cái nhìn viễn kiến của bộ máy lãnh đạo.

Phải từ việc khôi phục uy tín này, giới lãnh đạo mới có thể vực dậy lòng tin của người dân về tính khả thi của sự đổi thay tích cực. Đi kèm với lòng tin này, các quyết sách thực tế của nhà nước nhằm thẳng vào các vấn đề gai góc nhất đang tồn tại mới có thể giúp Việt Nam thoát khỏi trạng thái trì trệ và quay trở lại con đường phát triển. Chìa khoá để đi vào con đường này đang nằm trong tay những người đang nắm vận mệnh của dân tộc.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG