Đường dẫn truy cập

Khôi nguyên giải Nobel văn chương kêu gọi phóng thích ông Lưu Hiểu Ba


Nhà văn Mạc Ngôn nói chuyện tại một cuộc họp báo ở thị trấn Cao Mật, tỉnh Sơn Động
Nhà văn Mạc Ngôn nói chuyện tại một cuộc họp báo ở thị trấn Cao Mật, tỉnh Sơn Động
Nhà văn vừa đoạt giải Nobel văn chương năm nay, ông Mạc Ngôn được người ái mộ ca ngợi về tính sáng tạo và bị những người khác chỉ trích là tránh làm mất lòng nhà chức trách. Tuy nhiên, tác giả với bút danh “Ðừng Nói” hôm nay đã phá vỡ sự im lặng và bầy tỏ hy vọng rằng người đồng hương Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel hòa bình cách đây 2 năm và đã bị cầm tù từ 2 năm nay, sẽ sớm được trả tự do.

Chưa đầy 1 ngày sau khi đoạt giải Nobel Văn chương, ông Mạc Ngôn nói với các ký giả tụ tập tại thị trấn nhà Cao Mật, rằng ông hy vọng ông Lưu Hiểu Ba có thể “được tự do càng sớm càng hay.”

Trong các nhận định có phần chắc sẽ khó được các nhà lãnh đạo cầm quyền Trung Quốc chấp nhận, ông Mạc nói ông Lưu phải được tiếp tục công việc của ông. Ông Mạc cũng phản bác những người chỉ trích ông.

Ông Mạc nói những người trước đây chỉ trích ông chưa đọc các tác phẩm của ông và hiểu rằng khi các tác phẩm này được viết thì ông đã chấp nhận rất nhiều rủi ro và áp lực.

Ông Mạc là phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc và là một đảng viên Cộng sản.

Khi ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình cách đây 2 năm, Trung Quốc đã chỉ trích quyết định và gọi đó là một sự sỉ nhục giải thưởng này.

Vào lúc đó, ông Mạc Ngôn đã tránh không bình luận về việc ông Lưu bị bỏ tù và đã bị gay gắt chỉ trích vì không chịu lên tiếng.

Cho đến giờ này, Trung Quốc đã vui mừng trước tin về thành quả của ông Mạc Ngôn. Và khác với phản ứng trước tin ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải, báo chí Trung Quốc đã đưa tin ông Mạc Ngôn đoạt giải lên trang nhất và gọi quyết định đó là một “thắng lợi lịch sử.”

Ðược hỏi về sự tương phản rõ ràng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông Mạc Ngôn được tán dương nhiệt liệt vì danh tiếng của ông ở Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi nói các thành tựu văn chương của ông Mạc Ngôn được mọi người biết đến. Ông Hồng nói cách đây 2 năm, ủy ban Nobel Na Uy đã đưa ra quyết định can thiệp trầm trọng vào nội bộ Trung Quốc và vi phạm chủ quyền tư pháp của Trung Quốc. Ông nói giới hữu trách có mọi quyền để chống đối kịch liệt quyết định đó.

Trong số những người chỉ trích ông Mạc có nghệ sĩ và là nhà hoạt động Ngải Vị Vị, hôm nay gọi quyết định về giải Nobel là “đáng hổ thẹn” bởi vì ông nói ông Mạc Ngôn hợp tác với chế độ Trung Quốc mà ông Ngải cho rằng đang “liên tục đầu độc” người dân của mình.

Bà Trương Lệ Giai, một nhà văn Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng tuy ông Mạc Ngôn có thể có những thỏa hiệp trong sự nghiệp của ông, bà không đồng ý với những người chỉ trích ông. Bà nói:

“Tôi không đồng ý với các quan điểm như thế và cá nhân tôi không ưa việc chính trị hóa văn chương một cách quá đáng. Tôi nghĩ rằng phải coi văn chương là văn chương. Trong nhiều năm ở Trung Quốc, văn chương đã bị chính trị hóa quá nhiều, nó nằm trong khuôn khổ một công cụ tuyên truyền, văn chương phải là văn chương và việc ông nhận giải thưởng phải dựa vào các phẩm chất văn chương.”

Bà Trương nói bà hy vọng giải thưởng cao quý của ông Mạc Ngôn sẽ đem lại một sức sống nào đó cho bối cảnh văn chương ở Trung Quốc, đã bị tụt hậu so với các thành quả kinh tế của nước này.

Ông Howard Goldblatt, người đã dịch nhiều tác phẩm chính của ông Mạc Ngôn sang Anh ngữ và giúp tác giả đến với một khối độc giả rộng lớn hơn ở nước ngoài nói rằng chính cuộc đời của ông Mạc Ngôn, lớn lên ở thị trấn Cao Mật thuộc tỉnh Sơn Ðông đã giúp ông có được tài kể chuyện.

Ông Goldblatt nói tuy ông Mạc Ngôn bỏ học lúc mới có 10 tuổi và lớn lên trong cảnh nghèo khó, chính các câu chuyện ma cha ông, chú bác của ông thuật lại cho họ đã đem lại một nền giáo dục sơ cấp và là nguồn cảm hứng cho ông. Ông Goldblatt nói:

“Những câu chuyện kể tuyệt vời này, tất cả đều được ghi lại trong ký ức của ông, trong suốt các năm dài, những câu chuyện lạ lùng, những câu chuyện kỳ quái, những câu chuyện về các cậu bé, các cô bé, những người yêu nhau không thể vượt cách trở để đến với nhau này. Và những yếu tố đó đã là cốt lõi, cùng với nơi chốn mà ông lớn lên, thị trấn Cao Mật.”

Ông Goldblatt nói cũng giống như nhà văn Mỹ William Faulkner, thị trấn quê hương của ông Mạc Ngôn là bối cảnh cho hầu hết các tiểu thuyết của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG