Đường dẫn truy cập

Khác biệt giữa chính với phụ trong giáo dục và hơn thế nữa


Ảnh minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam
Ảnh minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam

Vì sao lại thế? Đối tượng chính trong ngày khai giảng niên khóa mới chỉ là một ví dụ. Giáo dục bỏ chính chọn phụ, không vì đối tượng cần được giáo dục mà chỉ vì tập thể các đối tượng giành giữ quyền giáo dục những cá nhân khác.

Tuần này, nhiều trường ở khu vực Bắc bán cầu đã khai giảng niên khóa mới. Bạn tôi – kẻ đang sống ở Camp Humphreys, một trong số những căn cứ quân sự của Mỹ tại Nam Hàn - vừa gửi cho tôi hai links khoe chuyện các con của anh ấy đã trở lại trường (một đến Humphreys West Elementary [1] và một đến Humphreys High School [2]).

Từ hai links vừa dẫn, tôi thử tìm thêm những thông tin, hình ảnh khác có liên quan đến ngày khai giảng của các trường trong hệ thống trường học trực thuộc DODEA (Department of Defense Education Activity – Cơ quan đặc trách về giáo dục cho con cái quân nhân, nhân viên dân sự đang làm việc tại các căn cứ của quân đội Mỹ ở cả trong lẫn ngoài biên giới Mỹ) xem họ tổ chức ngày khai giảng thế nào (3)? Nếu chịu khó xem các links bên dưới bài này, hẳn bạn sẽ thấy giống tôi: Trong ngày khai giảng niên khóa mới, trẻ con từ mẫu giáo đến cấp ba mới là nhân vật chính, không chỉ Ban Giám hiệu, giáo viên mà các đơn vị quân đội đóng trong căn cứ cũng cử quân nhân đến các trường cùng nhân viên và phụ huynh chào đón trẻ con, biến chúng thành thượng khách (4). Có nơi như DODEA Kubasaki High School (Okinawa – Nhật), ngoài một đội quân nhạc do Thủy quân lục chiến cử đến giúp vui, còn có một nhóm nghệ sĩ địa phương được mời tới để gióng trống, lắc chuông (5)...

Theo lời bạn tôi thì đó là chuyện bình thường, năm nào cũng thế! Bạn còn cho tôi xem một lá thư mà Hiệu trưởng Humphreys High School gửi cho cả học sinh lẫn phụ huynh toàn trường để lưu ý rằng, niên khóa này, trong trường sẽ có sự hiện diện của hai service dogs (những chú chó đã được huấn luyện để trợ giúp những người bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần) kèm lưu ý: Cần nhắc nhau phải tôn trọng service dogs, đừng xem những chú chó này như thú cưng mà như những cá nhân đang làm việc, cho nên đừng trò chuyện, vuốt ve, cho ăn, cho uống, hoặc làm bất kỳ điều gì khiến chúng phân tâm dẫn tới rủi ro, nguy hiểm cho sự an toàn của người cần sự hỗ trợ từ chúng. Cũng đừng bao giờ thắc mắc tại sao ai đó lại cần service dogs. Bên cạnh việc nhấn mạnh những yêu cầu vừa kể là luật pháp liên bang, bà Hiệu trưởng Humphreys High School không quên dặn thêm, nếu phụ huynh nào có con bị dị ứng với chó hay sợ chó, hãy liên hệ ngay với bà qua điện thoại hay qua email,...

***

Cũng tuần này, dù còn nửa tháng nữa mới đến ngày khai giảng niên khóa 2023 – 2024 tại Việt Nam nhưng trên mạng xã hội, rất nhiều người đã dẫn lại hình ảnh các ông Chu Ngọc Anh (6), Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng (7),... từng đánh trống khai giảng niên khóa mới. Công chúng có lý do để dẫn lại những chuyện như thế. Tại Việt Nam, khai giảng niên khóa mới là dịp để các viên chức hữu trách khoe quyền uy với trẻ con. Thay vì được chào đón như những nhân vật chính trong sự kiện dành cho chính chúng thì trẻ con phải tập tành để chào đón các viên chức hữu trách và phải bày tỏ sự thành kính khi “được” các viên chức hữu trách hạ cố đến “đánh trống khai trường” và ban huấn từ.

Bên cạnh và phía sau những “lời hay, ý đẹp” ấy là gì thì đến cả trẻ con cũng thấy, cũng cảm nhận được. Đó không chỉ là chuyện “ăn chẳng từ thứ gì”. Đó còn là chuyện càng ngày càng nhiều đứa trẻ và phụ huynh phải nhịn đủ thứ để mầm non còn được đến trường bởi học hành càng ngày càng tốn kém. Đó là chuyện dẫu chấp nhận cả nhà cùng “ăn đói, mặc rách” để đeo đuổi việc học nhưng học xong vẫn thất nghiệp, may mắn tìm được việc làm thì thường là những loại việc chẳng liên quan gì đến học vấn và dường như con đường duy nhất đem lại “cơm no, áo ấm” là phải “tha hương cầu thực”, tìm đường ra ngoại quốc làm thuê (8)

Vì sao lại thế? Đối tượng chính trong ngày khai giảng niên khóa mới chỉ là một ví dụ. Giáo dục bỏ chính chọn phụ, không vì đối tượng cần được giáo dục mà chỉ vì tập thể các đối tượng giành giữ quyền giáo dục những cá nhân khác. Không tin thì cứ đem thực trạng giáo dục với các vấn nạn lưu cữu ra đối chiếu với thư của lãnh đạo các cấp gửi học sinh nhân ngày khai giảng niên khóa mới. Niên khóa sắp tới, những lá thư như thế sẽ viết gì, liệu những lá thư đó có đề cập đến trách nhiệm khi chi phí cho giáo dục càng ngày càng nặng và càng ngày càng nhiều gia đình khó kham hay đề cập đến trách nhiệm khi sự bế tắc về nghề nghiệp của thế hệ trẻ càng ngày càng trầm trọng?..

Ai tin thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sẽ có các nội dung này?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/OspreyLeadTheWay/videos/254596994109941

(2) https://www.facebook.com/humphreys.HS/posts/pfbid0ifGDNC7Qiei6QTNPqdbGEHSLRD9fB1ZrbB7HTmGZrfPYpqgW2QaKAzU3gSbfDNEJl

(3) https://www.facebook.com/hashtag/dodea1stday

(4) https://www.facebook.com/DoDschools/posts/pfbid0TYxhjz7oUqf7Cp4eabGGDTBmcrYu5CkSd6S2yCLfzvi2D3Ds7szeY9rHeoGevxiRl

(5) https://www.facebook.com/dodea.kubasaki.hs/videos/603163775316649/

(6) https://laodongthudo.vn/hon-21-trieu-hoc-sinh-thu-do-du-le-khai-giang-nam-hoc-2021-2022-129516.html

(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0gEASnLzbGKJCRGhsaqXLszPVirjNKWcqm5t82f1c6ZELfkYu34Fk3B7MCVvmMu92l&id=1160946631

(8) https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-gioi-tu-bo-giac-mo-dai-hoc-re-huong-di-xuat-khau-lao-dong-2154659.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG