Đường dẫn truy cập

‘Hồng bảo thư’ thời đại số: TQ dùng công nghệ tuyên truyền tư tưởng Tập Cận Bình


Cheng Hong (giữa, đằng sau), bí thư đảng ủy Tập đoàn Triều Tinh, tiến hành một buổi học tập tư tưởng Tập Cận Bình với các đảng viên khác sử dụng ứng dụng điện thoại "Học Tập Cường Quốc" trong phòng sinh hoạt ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25 tháng 2, 2019.
Cheng Hong (giữa, đằng sau), bí thư đảng ủy Tập đoàn Triều Tinh, tiến hành một buổi học tập tư tưởng Tập Cận Bình với các đảng viên khác sử dụng ứng dụng điện thoại "Học Tập Cường Quốc" trong phòng sinh hoạt ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25 tháng 2, 2019.

Nếu như đảng Cộng sản Trung Quốc từng khiến người dân ngán ngẩm khi bắt họ học những lí thuyết và tư tưởng từ những trang sách khô khan, thì giờ đây đảng đang tích cực tận dụng công nghệ số để đưa những tuyên truyền của mình tới mọi cá nhân trong xã hội bằng điện thoại di động. Và đối với nhiều người, dù muốn dù không, những tuyên truyền đó bám theo họ mọi lúc mọi nơi.

Một ứng dụng điện thoại thông minh nhằm cổ xúy tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng sản cầm quyền đã trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên cửa hàng kĩ thuật số trực tuyến của Apple ở Trung Quốc.

Được đặt tên là “Học Tập Cường Quốc” – chữ Hán nghĩa là học tập để làm đất nước hùng mạnh mà cũng có thể hiểu là học Tập Cận Bình để làm đất ước hùng mạnh – đã có hơn 100 triệu người sử dụng đã đăng kí kể từ đầu năm nay, theo truyền thông nhà nước, một con số mà có thể khiến bất cứ công ty chế tạo ứng dụng nào ganh tị.

Nhưng những con số đó chủ yếu được thúc đẩy bởi đảng Cộng sản với 90 triệu thành viên và nhiều công nhân viên của các công ty quốc doanh. Báo The New York times đưa tin đảng đã ra lệnh cho hàng ngàn quan chức khắp Trung Quốc đảm bảo rằng ứng dụng này thâm nhập mọi sinh hoạt hàng ngày của nhiều người dân nhất có thể, dù họ có thích hay không.

Người sử dụng ứng dụng được yêu cầu đọc tin tức hoặc video về Tập Cận Bình, người cũng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, học những tư tưởng của ông Tập về “chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới” và làm những bài kiểm tra kiến thức mang tính bắt buộc và được chấm điểm.

Nỗ lực tuyên truyền này được xem là một sự cập nhật công nghệ số từ một phiên bản thời Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970 vốn gắn liền với “hồng bảo thư” (cuốn sách quý màu đỏ), tên chính thức là “Mao Chủ Tịch Ngữ Lục.” Ấn phẩm này chứa đựng những phát biểu được coi là cốt lõi của tư tưởng Mao và được người Trung Quốc mang theo bên mình.

Nó cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy chủ nghĩa sùng bái cá nhân đang lớn dần xung quanh Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao.

“Ông ấy đang dùng truyền thông mới để củng cố sự trung thành đối với ông ấy,” Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh nói với The New York Times.

Với ứng dụng này, nhà chức trách có thể biết được điều mà trước đây họ khó có thể biết được chính xác: thành tích và thái độ học tập tư tưởng của mỗi một cá nhân.

Tờ Times cho biết các trường học đang công khai danh tính của những học sinh đạt điểm thấp. Các quan chức chính phủ tổ chức các buổi học nhóm và buộc nhân viên học kém phải viết kiểm điểm. Các công ty tư nhân, hi vọng được các quan chức đảng chiếu cố, đang đánh giá nhân viên của mình dựa trên việc họ sử dụng ứng dụng này và khen thưởng những người đạt điểm cao với danh hiệu “ngôi sao học tập.”

Nhiều chủ lao động giờ bắt nhân viên của họ phải nộp hình chụp màn hình điện thoại hàng ngày để ghi nhận họ đã đạt được bao nhiêu điểm, theo tờ Times. Ví dụ, xem một video về chuyến công du gần đây của ông Tập tới Pháp thì được một điểm. Trả lời đúng hết các câu hỏi trong bài kiểm tra về các chính sách kinh tế của ông được 10 điểm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đặt hoa tại Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp, ngày 25 tháng 3, 2019.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đặt hoa tại Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp, ngày 25 tháng 3, 2019.

Reuters tháng trước dẫn lời một nhân viên tại một đại học ở miền nam Trung Quốc cho biết họ bị bắt phải hoàn tất 160 giờ học tập tư tưởng trên mạng hàng năm.

“Việc đó không quá nhàm chán, nhưng đảng từng là một phần công việc của tôi,” nhà nghiên cứu họ Lưu 35 tuổi tại một trường đại học ở Bắc Kinh nói với Reuters. Bà này từ chối cung cấp tên đầy đủ vì tính chất nhạy cảm của chủ đề.

“Giờ đảng là một phần trong đời tôi mọi giờ trong ngày.”

Trước đó trong tháng 2, Reuters cho biết công ty công nghệ Alibaba của Chủ tịch Jack Ma, người mà gần đây được tiết lộ là đảng viên Đảng Cộng sản, đứng đằng sau việc phát triển ứng dụng này. Alibaba từ chối bình luận.

Không rõ ngay tức thì liệu Alibaba có kiếm tiền từ ứng dụng này hay không, hay ai là người khởi xướng việc phát triển ứng dụng, Reuters nói.

Tiết lộ này là ví dụ mới nhất cho thấy một công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bắt tay với chính phủ trong bối cảnh những liên hệ đó đang bị săm soi khắp toàn cầu.

Việc phổ biến rộng rãi ứng dụng “Học Tập Cường Quốc này” diễn ra vào lúc ông Tập, người lên nắm quyền vào năm 2012, đang dẫn đầu một cuộc đàn áp rộng lớn hơn nhắm vào tự do ngôn luận ở Trung Quốc, bỏ tù hàng chục nhà hoạt động, luật sư và trí thức và áp đặt các hạn chế mới lên truyền thông tin tức. Ông Tập thường xuyên nói về điều mà ông gọi là sự cần thiết phải đề phòng các mối đe dọa trên mạng. Ông đã cảnh báo rằng đảng có thể mất quyền kiểm soát nếu không làm chủ truyền thông kĩ thuật số.

“Không có an ninh quốc gia nếu không có an ninh internet,” ông Tập nói trong một bài phát biểu trong năm nay. “Nếu chúng ta không thể thành công trên internet, chúng ta sẽ không thể duy trì quyền lực lâu dài.”

David Bandurski, đồng giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc, nói rằng ứng dụng này là một cách để ông Tập đảm bảo rằng các gia đình Trung Quốc chú tâm vào sự sống của đảng vào lúc mà nhiều người bác bỏ tuyên truyền là giáo điều và vô bổ.

“Trung thành với đảng nghĩa là trung thành với Tập Cận Bình,” ông Bandurski nói tờ Times.

Trong khi đó tuyên truyền cũng được đẩy mạnh với những công dân nhỏ tuổi, với việc Bộ Giáo dục và Đội Thiếu niên Tiền phong của Trung Quốc tung ra một ứng dụng và website mới được thiết kế để giúp học sinh tiểu học và trung học “học về tư tưởng chủ nghĩa xã hội mới và những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc như một phần trong chiến dịch củng cố niềm tin của các em vào đảng và gợi cảm hứng để các em trở thành những người kế nghiệp chủ nghĩa xã hội đáng tin cậy,” theo Hoàn Cầu Thời Báo.

Những bài học trên nền tảng này – được vận hành bởi Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản – bao gồm “Tôi là người Trung Quốc,” giới thiệu cho các em biết “56 dân tộc chung sống hòa hợp như một nhà” của Trung Quốc, và “Xây dựng xã hội giàu có.”

Một bài học khác giải thích cách mà “Ông nội Tập đã dẫn dắt chúng ta tiến vào thời đại mới,” với đầy những hình ảnh ông bên cạnh những em nhỏ tươi cười.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG