Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: Thắc mắc về bệnh tự miễn


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.


Bệnh kiến bò dưới da và bệnh tự miễn nhiễm


Thính giả Ngọc Nguyễn từ Việt Nam, gởi thư đến câu hỏi như sau:

"Kính chào Bác sĩ!

Bác cho cháu hỏi về bệnh tự miễn. Một người bị bệnh tự miễn có dấu hiệu như kiến bò trong xương và da tay chân đã từng bị lở loét, xin hỏi Bác sỹ trường hợp trên là dạng bệnh tự miễn như thế nào.

Xin cảm ơn bác sĩ!”

please wait

No media source currently available

0:00 0:13:05 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:

Vị thính giả đặt câu hỏi rất sơ lược, có tính cách một câu đố quiz hơn là một trường hợp bệnh lý. Như mọi khi tôi chỉ xin nêu ra một ít nhận xét có thể liên hệ xa gần với vấn đề cá biệt này, để chúng ta cùng học hỏi về một bệnh hiếm cũng như bàn về một số hiện tượng khá thú vị để chúng ta cùng suy ngẫm và tìm hiểu thêm.

Trong câu hỏi, có 3 tin tức quan trọng:
1) Bệnh nhân thấy kiến bò trong da và xương mình.
2) Bệnh nhân từng bị lở da, hoặc đang bị lở.
3) Bệnh được xếp vào loại "tự miễn."

1) Trước hết chúng ta bàn về triệu chứng thứ nhất. Trong y học, lúc da chúng ta có những cảm giác không bình thường như tê, ê, rần rần (tingling) trong da, buốt (“pins and needles”), nóng, mà không có một lý do, tác nhân khách quan bên ngoài giải thích, chúng ta có từ "paresthesia" (para= bên cạnh, esthesia = cảm giác). Trong các loại paresthesia, có một hiện tượng khá thú vị đối với người đọc nhưng lại rất khổ sở đối với người bệnh gọi là "formication.” Từ nguyên: do gốc la tinh formi có nghĩa con kiến (tương tự như fourmi tiếng Pháp= con kiến); formica có nghĩa là bò như con kiến.
Người bệnh có cảm giác như kiến, hay những sâu khác đang bò trên da mình, thường là tay chân. Hiếm hơn, họ có thể thật sự nhìn thấy những con "sâu" đó bò hoặc ăn da, thịt, xương mình (delusional parasitosis = bệnh ký sinh trùng do hoang tưởng.) Người bệnh có thể tự mình cắt, xẻo một miếng thịt, da của mình bỏ vào một cái hộp giao cho bác sĩ để chứng minh là mình nói thật, thường là hộp diêm quẹt, cho nên có từ "triệu chứng hộp diêm" (matchbox sign.) Tuy nhiên hiện nay thì chắc người ta dùng bao plastic ziplock nhiều hơn. Các ký sinh này cũng "hiện đại" hơn, ví dụ bệnh nhân bị hoang tưởng cho rằng chính phủ theo dỏi mình bằng cách chích vào mạch máu mình những con sâu "robot" li ty dùng kỹ thuật nano. Có trường hợp, hai người, thường là vợ và chồng, mẹ con, cùng nhìn thấy những con sâu trên cơ thể mình. Đấy là những trường hợp gọi là "folie à deux", từ tiếng Pháp tạm dịch là "điên có đôi". Khổ nỗi dù bác sĩ không tìm thấy bằng chứng gì về các ký sinh trùng này cả, người bệnh vẫn không tin vì nghĩ rằng bác sĩ cố tình che giấu sự thật.
Hiện tượng paresthesia này có thể thấy trong một số bệnh thần kinh, bệnh viêm dây thần kinh, thiếu vitamin B, và là biến chứng của một số thuốc an thần, thuốc kích thích thần kinh (như methylphenidate: Ritalin, Adderall), sau khi ngưng thuốc trị trầm cảm loại SSRI. Loại nặng hơn có thể do xài "drug" như cocaine, Ecstasy, methamphetamine,..Người ghiền thuốc bị những cơn hành hạ thể xác và có thể tự huỷ hoại thân thể, da thịt của mình (self mutilation).
Thiết tưởng cũng nên nhắc ở đây là có những loại ký sinh trùng nhiệt đới chui vào da bệnh nhân, và di chuyển dưới da, thật sự, bác sĩ khám thấy có bằng chứng khách quan và cần chữa trị, nhưng đây là một lãnh vực khác (ví dụ bệnh thường nhất là chí rận, bệnh ghẻ (scabies). Miền nam Hoa kỳ, Châu Mỹ latinh có bệnh "ấu trùng di chuyển trong da" (Cutaneous Larva Migrans hay CLM) do con ký sinh trùng Ancylostoma braziliense tương tự như sán móc (ankylostome,) đáng lẽ ở trong ruột chó, di cư tạm trên da người, làm thành những mẫn đỏ, dài như sợi chỉ và ngứa (ground itch, sandworm, plumber’s itch.)

2) Một bệnh khá thường gặp là lupus, bệnh tự miễn nhiễm có thể gây ra những triệu chứng ngoài da, và ảnh hưởng đến các dây thần kinh, có thể gây paresthesia., formication và có 3 đặc điểm mà vị thính giả nêu ra trong thư.
Bệnh Systemic Lupus Erythematosus (SLE) /(“Lang san hồng ban")
+Lupus= con chó sói; Hán Việt dịch là "lang"=chó sói; erythro=đỏ="hồng"; systemic=hệ thống, liên hệ đến toàn cơ thể )
+ Bệnh do các kháng thể của cơ thể sinh ra chống lại các tế bào mạch máu, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận như da, óc, thận, khớp xương.
+ Tuổi 10-50, đàn bà nhiều hơn đàn ông. Người châu Á và Châu Phi (da đen) bị bệnh này nhiều hơn người da trắng.
+ Triệu chứng ngoài da: ban màu đỏ trên hai má và mũi, đối xứng (do đó được so sánh với mặt chó sói), da sưng, đỏ ở những nơi khác, tuy thường không thấy lở lói, tay chân có thể bị tê, nhức như kim chích do dây thần kinh bị ảnh hường; nhức đầu, mờ mắt, triệu chứng tâm thần.

3) Trong các bệnh tự miễn nhiễm có một bệnh hiếm, do di truyền có thể biểu hiện với các triệu chứng ngoài da. Xin nói rõ, đây là một bệnh rất hiếm, chúng ta chỉ nhắc tới với mục đích mở mang kiến thức y học tổng quát mà thôi. Bệnh có tên dài: viết tắc APECED (Autoimmune Polyendocrinopathy Candidiasis Ectodermal Dystrophy), tạm dịch là hội chứng tự miễn nhiễm, đa nội tiết, nhiễm nấm candida, loạn dưỡng da. Trong bệnh này người bệnh có một gien bất bình thường. Lúc bình thường, gien này kiểm soát không cho hệ miễn nhiễm tấn công chính các tế bào của cơ thể mình. Bệnh nhân có thể thiếu hormone của nhiều tuyến nội tiết như tuyến phó giáp (parathyroid), tuyến giáp (thyroid), tuyến (nang) thượng thận; (adrenal gland) da dễ bị nhiễm trùng nhất là nấm loại candida, và những biểu hiện về da,rụng tóc, da mất màu bạch biến (vitiligo), móng bị hư, bề ngoài không bình thường. Những người này có thể bị chứng formication và có 3 đặc điểm mà vị thính giả nêu ra trong thư ( nhưng không có nghĩa bệnh nhân mắc bệnh này.)

Chúc quý thính giả may mắn,

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

----------------------------------------

References:
1) Jerome Litt., MD. Formication (Psychologytoday.com)
http://www.psychologytoday.com/blog/odd-curious-and-rare/200911/formication
2) APECED
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1808970/

----------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG