Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Tê chân và đầu gối


Thính giả Nguyễn Thị Lan, ở bang Oklahoma, Mỹ hỏi như sau:

“Kính thưa Bác sĩ,

Tôi tên Lan, 52 tuổi, ở Oklahoma.

Hai đầu gối của tôi bị đau nhức 18 năm nay. Đi khám bác sĩ, và uống thuốc hoài cũng không hết. Bây giờ hai chân tê từ trên xuống dưới (toàn bộ). Hai bàn chân lúc nào cũng tê, đi giữa đường tự nhiên nó cũng tê, đứng lâu cũng tê, đi nhiều nó cũng tê, tê có khi đi không được, phải đứng lại, ngồi nghỉ một chút cho hết tê.”

Cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền:

please wait

No media source currently available

0:00 0:17:11 0:00
Tải xuống

Chúng ta chỉ biết vị thính giả 52 tuổi bị tê chân và đau đầu gối, chúng ta không thể căn cứ trên đó để bàn về trường hợp này một cách cá biệt. Từ "tê" của ngôn ngữ hàng ngày được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: như kiến bò (formication), kim chích (prickling, “pins and needles”), hay mất cảm giác, cảm giác ê hay tê (numbness, a limb ‘falling asleep”) mà trong y khoa người ta mô tả bằng từ "paresthesia", trong đó "para" có nghĩa bên cạnh, bất thường (irregular); "esthesia" cảm giác (sensation), có nghĩa là "cảm giác thất thường."

Nói chung, tê chân có thể do:

1) Tuần hoàn máu và lâm ba không được tốt (poor circulation), nước trong cơ thể ứ đọng dưới hai hạ chi, là những vùng thấp nhất cơ thể lúc chúng ta đi và ngồi, làm sưng chân. Tình trạng này chúng ta từng bàn trong một cuộc nói chuyện gần đây, và đề tài chính là suy tĩnh mạch mãn tính của hai hạ chi. Một số trường hợp, động mạch đem máu tới hạ chi bị hẹp hơn bình thường như trong xơ vữa động mạch (atherosclerosis). Trong hiện tượng Raynaud (Raynaud’s phenomenon) thường xảy ra ờ phái nữ, ngón bàn tay, ngón bàn chân đi từ gia đoạn tái, trắng bệt lúc mạch máu co thắt lại, đổi qua xanh vì các mô thiếu oxy (hypoxia), kèm theo cảm giác tê, sau đó, động mạch nở ra, máu lưu thông trở lại, và ngón tay, chân ửng đỏ.

Vị thính giả không nhắc đến vấn đề sưng chân, hay da đổi màu làm cho chúng ta nghĩ nhiều hơn đến nhóm nguyên nhân sau đây làm tê chân.

2) Do các dây thần kinh phụ trách cảm giác từ hai hạ chi (lower limbs) hoạt động không bình thường.

a) Bệnh nhân bị đau khớp đầu gối. Một số người có bệnh xương khớp ở các nơi khác đi kèm theo bệnh khớp đầu gối, nhất là người bị viêm xương khớp mãn tính (chronic osteoarthritis). Trên lý thuyết, các rễ thần kinh (nerve root) đi từ các lỗ hai bên xương sống tụ tập lại thành các dây thần kinh phụ trách cảm giác ở hai hạ chi. Nếu các đốt xương sống lưng bất bình thường, hay các đệm giữa các đốt xương sống này bị hư hại hay thoát vị (herniated intervertebral disc) nằm không đúng chỗ, các rễ thần kinh này có thể bị chèn ép (root compression), bị tổn thương tạo nên cảm giác đau nơi hạ chi tương ứng với vùng mà nhánh thần kinh đó phụ trách về cảm giác, cũng như cảm giác bất bình thường. như kiến bò, kim chích, mất cảm giác, cảm giác ê hay tê mà trong y khoa người ta mô tả bằng từ "paresthesia".

b) Nói về dinh dưỡng, y học biết đến trường hợp bệnh dây thần kinh (polyneuropathy) do thiếu một chất lúc đầu được gọi là vitamin (sau đó gọi là thiamine hay vitamin B1) vào thế kỷ thứ 17 ở Indonesia lúc còn là thuộc địa Hà Lan (Dutch East Indies). Bệnh này phổ biến trong các trại giam thế chiến thứ 2; các trại cải tạo ở Việt Nam; ở Cuba sau khi bị cắt nguồn viện trợ từ Liên Xô. Các dây thần kinh cũng có thể bị bệnh do thiếu niacin (vitamin B3), thiếu hoặc quá nhiều vitamin B6 (pyridoxine), thiếu cyanocobalamin (hay vitamin B12), vitamin E (alpha tocopherol). Thiếu Vitamin D và vitamin PP cũng có thể làm tê tay chân.

Rượu tác dụng 3 ngả: các sản phẩm và chất chuyển hoá (metabolites) của rượu làm rối loạn sinh lý các tế bào thần kinh; nghiện rượu làm bệnh nhân hấp thụ các vitamin kể trên không đầu đủ (suy dinh dưỡng); và rượu hại cơ năng gan, tác dụng xấu trên gan, ảnh hưởng gián tiếp lên trên cơ năng các dây thần kinh. Trong bệnh dây thần kinh do rượu (alcoholic neuropathy), tê tay và chân là triệu chứng chính, vùng tê, giảm cảm giác đau, nóng lạnh, theo hình dạng của găng tay hay của vớ (stocking-glove distribution).

Trong bệnh dây thần kinh do tiểu đường (diabetic neuropathy), mức đường máu quá cao làm tổn thưong các dây thần kinh nói chung, nhưng nặng nhất là các dây thần kinh hai hạ chi và bàn chân, gây tê, đau, ở mức độ nặng nhẹ tuỳ trường hợp.

Nói tóm lại, bệnh nhân cần được bác sĩ gia đình hay bác sĩ nội thương khám kỹ lưỡng và định bệnh chính xác trước khi chúng ta có thể bàn về trị liệu. Những điểm cần chú ý là cơ năng các tĩnh mạch, tình trạng máu lưu thông trong các động mạch ngoại biên; loại bỏ khả năng các bệnh thiếu dinh dưỡng nhất là vitamin B, vitamin E, vitamin D, PP; tình trạng xương khớp cột sống và khảo sát về tình trạng mức đường trong máu hay bệnh tiểu đường. Đau đầu gối kinh niên có thể làm bệnh nhân ít di chuyển, trở ngại cho vận động đúng mức và có thể quá mập, cho nên tuần hoàn ở chân kém hơn.

Trị liệu:

Nếu tê chân chỉ do máu huyết hai hạ chi kém lưu thông do suy tĩnh mạch (venous insufficiency), tránh đi đứng quá kéo dài, ngồi ở tư thế chật chội quá lâu.

Giảm tác động của trọng lượng:

● Mang vớ đặc biệt gây sức ép, bó vào đùi, cẳng chân, dễ chịu hơn là vớ cao hơn. Có loại vớ có áp suất giảm dần từ cổ chân lên đến đầu gối, để giữ máu lưu thông về phía trên (phía tim) mà không bị tuột xuống (graduated compression stocking, gradient stocking).
● Mỗi ngày ít lắm là 3 lần, nằm cho hai chân cao lên quá mức trái tim trong 30 phút.

Các dây thần kinh ngoại biên bị hư hại có thể hồi phục ở một mức nào đó.

1) Nếu thiếu vitamin, suy dinh dưỡng là nguyên nhân, dùng vitamin (B, PP, E) và cải thiện dinh dưỡng của người bệnh có thể đảo ngược một số triệu chứng.
2) Cai rượu hay giảm uống rượu cho trường hợp bệnh dây thần kinh do rượu.
3) Kiểm soát mức đường trong máu người bệnh tiểu đường bằng thuốc insulin, thuốc uống, chế độ dinh dưỡng, vận động cho trường hợp diabetic neuropathy xảy đến cho 70% người tiểu đường.
4) Trường hợp dây thần kinh bị chèn ép, hư hại, bác sĩ chỉnh trực, chuyên viên vật lý trị liệu có thể dùng thuốc chống viêm, giải phẫu, tập đi đứng di chuyển, dùng gậy, walker, xe lăn (phương tiện giúp di chuyển=mobility aid), dùng thuốc giảm đau nếu cần, tránh tình trạng khiếm dụng (disuse) các xương khớp làm khớp co rút (contracture), teo các cơ và giảm thiểu thêm khả năng di chuyển.

Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

--------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG