Đường dẫn truy cập

Nỗ lực quốc tế chống ung thư vú nơi phụ nữ


Một bệnh nhân bị ung thư vú đang được theo khám, chụp hình
Một bệnh nhân bị ung thư vú đang được theo khám, chụp hình

Các nhà nghiên cứu của Mỹ tại đại học Harvard nhận thấy tại các nước đang phát triển, số phụ nữ bị bệnh ung thư vú đã gia tăng một cách bất thường. Vì thế họ dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để nới rộng cuộc nghiên cứu và thu thập các dữ kiện thống kê có liên quan để khởi sự tìm một giải pháp cho vấn đề.

Tại Hoa Kỳ, rất nhiều người đang ráo riết quyên tiền cho các cuộc nghiên cứu về bệnh ung thư vú. Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng tham gia ủng hộ những người quyên tiền.

Nhiều phụ nữ mắc bệnh ung thư vú cũng công khai nói về chứng bệnh này. Hai cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ đã từng nói về chứng ung thư của mình trước công chúng. Đó là bà Betty Ford hồi năm 1972, và bà Nancy Reagan, một thập niên sau đó.

Tiến sĩ Felicia Knaul là người dẫn đầu một chương trình của đại học Harvard nhằm có thêm nhiều người mắc bệnh ung thư tại các nước đang phát triển được chăm sóc, kể cả ung thư vú.

Tiến sĩ Knaul nói: “Cho mãi tới hồi gần đây, người ta thường tin rằng ung thư vú là một chứng bệnh chỉ xảy ra nơi các phụ nữ giàu có tại các nước giàu có. Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hơn phân nửa tổng số 450.000 người chết vì ung thư vú hồi năm ngoái, cư ngụ tại các nước đang phát triển. Một phụ nữ mắc bệnh ung thư vú tại các nước đang phát triển có xác suất tử vong cao hơn, so với một phụ nữ mắc bệnh này tại thế giới đã phát triển.”

Bác sĩ Elmert Huerta thuộc Trung Tâm Bệnh viện Washington đã chăm sóc cho rất nhiều bệnh nhân gốc Châu mỹ La tinh. Ông nói một phần của vấn đề là chính căn bệnh ung thư. Ông giải thích:

Bác sĩ Huerta giải thích: “Bệnh ung thư vú là một chứng bệnh thầm lặng. Bệnh nhân không cảm thấy đau khi bướu ung thư lớn lên. Do đó, khi phát hiện ra, thì thường là bướu ung thư đã lớn và di căn. Tới lúc đó họ mới tìm đến các dịch vụ chăm sóc, thì đã quá trễ.”

Bác sĩ Shawna Willey đã chứng kiến tình huống đó xảy ra tại Nigeria.

Ông nói: “Kinh tế là rào cản lớn nhất. Bởi vì thành phần dân chúng tại đây rất là nghèo khó. Hơn nữa, đây là một xã hội mà mọi sinh hoạt đều được chi phối bằng tiền mặt. Trả tiền tới đâu thì chữa trị tới đó. Vì thế nếu bệnh nhân muốn thực hiện giải phẫu sinh thiết, thì phải đến bệnh viện với đủ tiền mặt trong túi. Muốn được chụp hình quang tuyến vú cũng thế. ”

Tiến sĩ Knaul đang tìm cách giảm chi phí dịch vụ bằng cách huấn luyện một số người địa phương để khám vú.

Bà nói: “Muốn thực hiện một cuộc khám vú lâm sàng tốt, không cần đến một chuyên gia về bệnh ung thư. Chúng ta cần một người đã được huấn luyện đúng phương pháp, và huấn luyện người để làm cái công việc này không mấy khó.”

Những trở ngại đối với công tác điều trị bệnh ung thư thay đổi từ nước này sang nước khác. Tại một số nước, các bệnh nhân mắc bệnh ung thư bị xã hội ruồng bỏ. Có trường hợp cả đến bác sĩ cũng không nên thảo luận bệnh này với một phụ nữ đã bị ung thư vú.

Trường đại học Harvard đang làm việc với các giới chức và chuyên gia y tế tại nhiều nơi trên thế giới để xác định các rào cản, và giúp các nước liên hệ phá các rào cản đó để phụ nữ được khám nghiệm và chẩn bệnh trong những giai đoạn sớm nhất, khi ung thư vú còn có thể trấn áp được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG