Đường dẫn truy cập

Giới lập pháp Thái Lan bác dự luật nhắm đến giảm vai trò chính trị của quân đội


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong quân phục (ảnh tư liệu, tháng 3/2021).
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong quân phục (ảnh tư liệu, tháng 3/2021).

Cơ quan lập pháp của Thái Lan hôm thứ Tư 17/11 bác bỏ một dự luật có mục đích tăng cường nền dân chủ. Những người ủng hộ dự luật muốn dùng dự luật để xóa bỏ hoặc cải tổ các định chế quan trọng mà họ cho là đã bị giới chóp bu trong quân đội cướp đoạt.

Một phiên họp toàn thể gồm cả hạ viện và thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 473 phiếu chống, 206 phiếu thuận và 6 phiếu trắng, dẫn đến bác bỏ dự luật.

Dự luật này kêu gọi rằng để đảm bảo có sự phân quyền rõ ràng, phải sửa đổi hiến pháp được thông qua hồi năm 2017 khi tập đoàn quân đội nắm quyền.

Chính phủ Thái Lan vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của những nhân vật cốt cán đứng sau cuộc đảo chính hồi năm 2014, họ vẫn nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2019 mà các đối thủ của họ cho rằng đã được tổ chức theo cách có lợi cho quân đội.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, thủ lĩnh cuộc đảo chính, phủ nhận điều đó.

Dự luật đã được 130.000 người đứng ra kiến nghị kêu gọi sự ủng hộ. Dự luật nhắm đến xóa bỏ Thượng viện có 250 ghế do tập đoàn quân đội cầm quyền chỉ định, đồng thời tái cơ cấu Tòa Bảo hiến và các cơ quan nhà nước quan trọng.

Những người chỉ trích chính phủ, bao gồm cả một phong trào phản đối do sinh viên lãnh đạo nổi lên vào năm ngoái, nói rằng nền dân chủ đã bị quân đội và các đồng minh của họ theo chủ nghĩa bảo hoàng lật đổ, đó là những người gây ảnh hưởng đến các định chế độc lập.

"Hiến pháp năm 2017 bảo kê cho Tướng Prayuth, cho phép ông ta mở rộng quyền hành khi mà hiến pháp mang lại cho ông ta các cơ chế kiểm soát thông qua Thượng viện và các cơ quan độc lập", Parit Wacharasindhu, một trong những người ủng hộ dự luật, nói với các nhà lập pháp.

Kể từ năm 2019, 21 dự luật hòng sửa đổi hiến pháp đã được trình lên quốc hội, nhưng chỉ có một dự luật được thông qua, là dự luật về sửa đổi hệ thống bỏ phiếu.

Các nhà lập pháp ủng hộ chính phủ đã bảo vệ hiến pháp, họ nhắc lại rằng nó đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý và rằng cuộc đảo chính là cần thiết để giải quyết một cuộc khủng hoảng chính trị.

"Chỉ khắc phục vấn đề đảo chính và hậu quả của nó mà không giải quyết các vấn đề chính trị xảy ra trước đó ư, liệu điều đó có dẫn đến một nền dân chủ hoàn hảo được không?" nhà lập pháp Wanchai Sornsiri phát biểu trong phiên tranh luận.

Thái Lan đã trải qua 20 bản hiến pháp và 13 cuộc đảo chính kể từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối chấm dứt vào năm 1932.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG