Đường dẫn truy cập

Duy lý và bất duy lý của kiểm duyệt thông tin (phần 1)


Kiểm duyệt thông tin là một cụm từ luôn gây nhiều tranh luận. Phía người bị kiểm duyệt thường nhìn nhận đây là công cụ của chính quyền nhằm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của họ. Vì thế, nó hay được mô tả như một thứ công cụ xấu xa được dùng để chống lại đám đông quần chúng.

Nhìn rộng ra, trong bất kỳ hình thái nhà nước nào, dưới bất kỳ chế độ nào, và bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, kiểm duyệt thông tin luôn tồn tại. Sự tồn tại của nó dựa trên những lý do rất hợp lý, và nhiều khi là từ cả hai phía. Trong nhiều trường hợp, kiểm duyệt ít nhiều mang lại những lợi ích nhất định cho người bị kiểm duyệt và trong hầu như tất cả các trường hợp nó đều mang lại lợi ích cho người thực hiện việc kiểm duyệt.

Bài viết này nhằm thử tìm hiểu các lý do biện minh cho việc kiểm duyệt thông tin, và sau đó phân tích việc kiểm duyệt thông tin dưới góc độ của kinh tế học.

Lợi ích đối với người bị kiểm duyệt

Thứ nhất, kiểm duyệt nhằm ngăn chặn thông tin có thể gây tổn thương đến người khác. Thí dụ không cho trẻ nhỏ xem các bộ phim kích động bạo lực, rùng rợn, hoặc có nội dung kích dục, không đăng các bức tranh hay hình ảnh quá ghê sợ trên báo chí hoặc trên truyền hình. Dạng kiểm duyệt này thường được gọi là kiểm duyệt đạo đức (moral censorhip). Loại kiểm duyệt này thì ở đâu cũng có, trong mọi quốc gia và mọi nền văn hóa. Lý do này áp dụng đối với con trẻ thì hiếm có ai phản đối được. Tuy nhiên, có nhiều mức độ xác định thông tin nào cần được kiểm duyệt, thông tin nào được phép phổ biến dựa trên các tiêu chí về văn hóa, tôn giáo, chính trị, luật pháp, và các giá trị truyền thống, tập quan khác nhau. Vì thế nhiều khi có những tiêu chí kiểm duyệt tưởng như có lợi cho người bị kiểm duyệt nhưng trên thực tế không hẳn như vậy.

Thứ hai, kiểm duyệt nhằm lọc bớt các thông tin không thích hợp để giảm chi phí tìm kiếm. Thí dụ các công cụ tìm kiếm trực tuyến (search engines) như google, yahoo hay msn đều làm việc này. Kiểu kiểm duyệt này chỉ có ý nghĩa khi người thực hiện biết rõ người bị kiểm duyệt đang muốn tìm kiếm gì, và qua khả năng lọc tin của mình để giúp người bị kiểm duyệt tìm đúng cái mà họ muốn tìm. Không thể dùng lý do này để giải thích các trường hợp kiểm duyệt như một số trường hợp các quốc gia đã gây áp lực và yêu cầu google, yahoo và msn ngăn chặn công chúng của họ tìm kiếm các thông tin về một số chủ đề mà họ cho là nhạy cảm. Trung Quốc là điển hình của trường hợp kiểm duyệt qua các search engines này.

Thứ ba, kiểm duyệt đôi khi được giải thích là nhằm bảo vệ công chúng khỏi các thông tin sai lệch. Thí dụ trong nhiều trường hợp các phe chống đối nhau và sử dụng công cụ chuyền thông để tuyên truyền. Vì thế, để bảo vệ công chúng của mình khỏi các thông tin tuyên truyền của phía bên kia, các thông tin đó phải bị kiểm duyệt. Lý do này không hẳn không đúng, tuy nhiên vấn đề ở chỗ liệu người kiểm duyệt có thực sự đại diện cho lợi ích của đám đông hay không. Và ngay cả nếu người kiểm duyệt thực sự đại diện cho lợi ích của đám đông, thì là làm thế nào người kiểm duyệt luôn biết được thông tin nào đúng thông tin nào sai để ngăn cản các thông tin sai?

Thứ tư, kiểm duyệt nhằm không truyền bá các thông tin có thể gây phẫn nộ cho một nhóm người. Thí dụ không đăng các bức tranh, cartoon hay phim ảnh đả kích các vấn đề dân tộc, tôn giáo hay giới tính. Có một nhánh trong khái niệm kiểm duyệt này thường được nhắc đến là kiểm duyệt tôn giáo (religious censorship). Ví dụ nổi bật về vụ này là trường hợp tờ Jyllands-Posten đăng bức hình cartoon về nhà tiên tri của người Hồi Giáo - Muhammad. Vụ này đã dẫn tới các cuộc biểu tình và động loạn ở khắp nơi trên thế giới với khoảng hơn trăm người bị bắn chết.

Thứ năm, kiểm duyệt nhằm Bảo vệ lợi ích quốc gia: Với một số thể chế độc đoán như Bắc Hàn hay trước đây là Myanmar, việc kiểm duyệt thông tin còn nhằm để bảo vệ chế độ đương quyền. Thí dụ trong thời căng thẳng cao điểm hồi tháng 9 năm 2007, chính quyền Than Shwe đã cắt internet và mạng điện thoại di động để người dân không còn công cụ thông tin cho nhau. Ở các nước khác, ngay cả Mỹ, người ta cũng hay viện lý do “national security” (an ninh quốc gia) để kiểm duyệt các tin bị cho là nhạy cảm – thí dụ như tin liên quan đến việc quân đội Mỹ đánh đập tù nhân hay những chuyện không mấy hay ho tương tự như vậy. Kiểm duyệt để bảo vệ lợi ích quốc gia đôi khi cũng là một việc làm chính đáng, tuy nhiên nó đôi khi không có cơ sở rõ ràng và dễ bị khai thác một cách tùy tiện bởi những người cầm quyền.

Đó là 5 lý do thông dụng nhất thường được dùng để biện minh cho hành vi kiểm duyệt. Thế nhưng việc kiểm duyệt thông tin có thực sự có lợi cho xã hội hay không? Có lẽ sẽ không có một câu trả lời triệt để, nhưng đứng dưới một góc nhìn cụ thể thì có thể sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này. (còn tiếp)
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG