Tôi đi chơi xa ba tuần về, mùa đông đã vào đến hiên nhà. Những hàng cây đang quơ những cánh tay gầy với lên bầu trời xám. Mưa gió hầu như hôm nào cũng ghé qua thành phố. Tôi chuẩn bị vườn trước vườn sau cho mùa đông. Những cây hoa hồng được cắt xuống thật thấp, những bụi thược dược, cúc trắng, đỗ quyên và hầu hết những hoa trong vườn được cắt sát mặt đất, thu xếp mấy cái chậu bằng sứ cất vào nhà xe để tránh bị nứt vỡ dưới độ lạnh của tuyết. Năm ngoái tôi bị nứt vỡ hai cái lu nhỏ, đồ gốm của Việt Nam trong mùa đông. Chung quanh tôi nhà nào cũng hình như đang làm những công việc ngoài vườn giống tôi. Hàng xóm của tôi là ba ngôi nhà. Ngôi nhà trên dốc, bên trái là của ông bà Jim, dưới dốc là nhà ông bà Sue. Nhà ông Don ở cùng phía bên phải với tôi và ở bên dưới nhà tôi. Nhà ông lưng quay ra đường, cửa chính quay vào trong, nên đứng ở ban công nhà tôi nhìn xuống là lối vào nhà xe và cửa chính nhà ông Don. Đối với tôi ông Don là người hàng xóm dễ chịu và hiền hòa nhất xóm. Khi tôi dọn đến đây ông mới góa vợ được hai năm. Ông ở một mình, thỉnh thoảng con trai ở xa đến thăm.
Ông Don chăm sóc vườn trước vườn sau nhà ông thật cẩn thận. Chẳng hề có một cọng cỏ dại nào chen được vào những bụi hoa nhà ông, hàng dậu bằng cây lúc nào cũng xanh biếc, xén tỉa vuông vức.Tôi hay ví cây cỏ nhà ông giống như một chàng trai ngày nào cũng cạo râu, chải đầu, quần áo tề chỉnh. Ông cũng vậy, ông là một người giản dị nhưng đâu ra đấy từ mái tóc ngắn bạc phơ cho đến đôi giầy vải trắng dưới chân.
Đôi giầy vải trắng của ông, thỉnh thoảng từ ban công nhà tôi ngó xuống lối vào nhà ông, tôi hay nhìn thấy để trước cửa ra vào, nó lúc nào cũng sạch sẽ, trắng bong, được xếp ngay ngắn, đầu mũi giầy quay ra ngoài, như sẵn sàng bước đi, chủ nhân chỉ việc ngồi xuống, xỏ vào, buộc dây. Khi thấy đôi giầy, biết là ông có nhà, không thấy đôi giầy tức là ông đi ra ngoài.
Thỉnh thoảng ra khỏi nhà sáng sớm tôi đã thấy ông đang chạy bộ trên con dốc, tôi hay dừng xe lại nói dăm ba câu chuyện với ông. Hay trêu, hỏi ông hồi này có mấy bà theo. Ông cười, một thôi, đủ mệt rồi. Hai phiền lắm.
Mùa hè vừa qua ông có khoe đi Hawaii với bà bạn mới một tuần. Khi về trông ông trẻ hẳn ra. Gặp tôi ông nói đùa: đi chơi với đàn bà mệt quá, cô ấy đi bộ khỏe hơn tôi nhiều, sức tôi theo không kịp.
Tôi nói trêu ông: chắc ông nên thay một đôi giầy đẹp hơn và tốt hơn nữa.
Ông ngửa mặt cười; chẳng phải giầy không đâu, tôi còn phải thay cả trái tim nữa chứ, tim tôi đập không kịp theo nhịp tim cô đó.
Tôi đi xa về, không nhìn thấy đôi giầy cả tuần, biết là ông không có nhà, đoán ông đi thăm con hay đi chơi xa với bạn gái.
Tôi hỏi bà Sue: Ông Don đi đâu mất rồi.
Ông ấy đang ở trong bệnh viện, bị nhồi máu cơ tim.
Bao giờ bà đi thăm cho tôi đi theo.
Không được, đang ở trong phòng hồi sinh.
Hai tuần sau, tin xấu: Ông Don bị nước vào trong phổi, bác sĩ rút hoài mà không hết nước.
Ông Don không bao giờ thích có buổi tiễn đưa cuối. Nên khi thấy ngôi nhà của ông chìm trong sự yên lặng, buổi tối không có ánh đèn hắt ra, tôi cứ nghĩ là ông đi xa mà thôi.
Mỗi khi đứng ở ban công nhà mình ngó xuống cánh cửa im lặng nhà ông, thấy nhớ cái hình ảnh đôi giầy để ngay ngắn trước cửa. Tôi chắc là mình nhớ ông và tôi không nghĩ đến đôi giầy nữa.
Cuối năm dương lịch, một buổi sáng tôi thấy một người đàn ông trẻ lái xe vào sân nhà ông, tôi đoán đó là người con trai ông. Anh đến nhà bố không biết làm gì, loay hoay cả nửa ngày trong đó. Tôi cũng không dám sang hỏi thăm, vì chưa hề gặp anh trước đây bao giờ. Anh đến rồi anh đi lặng lẽ, không thấy thu dọn đồ đạc ra hay làm điều gì đặc biệt.
Vài ngày sau, khi đi bộ xuống dốc tôi bỗng nhìn thấy đôi giầy vải trắng của ông Don được xếp ngay ngắn trước cửa, hai mũi quay ra ngoài, sợi giây giầy nới lỏng như sẵn sàng đợi hai bàn chân xỏ vào, bước đi. Tôi đứng sững, im lặng nhìn đôi giầy, nhìn như vẫn nhìn thấy nó cả mười năm nay. Như thấy nó tuần trước, như thấy nó ngày hôm qua, như nó chưa hề bị cất đi bao giờ. Mỗi ngày nó vẫn được chủ nhân của nó xỏ vào và cả hai bước xuống thềm, ra phố. Nó cho tôi cái cảm giác ông Don vẫn sống trong ngôi nhà đó, buổi sáng vẫn đi bộ, buổi trưa vẫn cắt lá, bắt sâu trong vườn, và buổi tối ánh đèn vẫn hắt ra từ cửa sổ của phòng đọc sách. Ông chưa hề bao giờ bỏ đi.
Tôi thấy mình hồn nhiên nghĩ như thế, không thắc mắc.
Trong buổi sáng mờ mờ sương của ngày mồng một dương lịch, tiếng súng giao thừa từ đêm qua hình như chưa bắn hết, thỉnh thoảng còn nghe một tiếng đạn nổ ngay bên cạnh nhà. Tôi mặc áo ấm, co ro bước ra ngoài ban công, nhìn trời mới, đất mới, hít thở cái không khí trong lành tinh khôi đang từ trời ban xuống, từ đất bốc lên. Bên dưới kia là nhà ông Don, người hàng xóm hòa nhã, tôi lấy tay dụi dụi hai mắt mình, hình như có hai con thỏ trắng nằm phục trước trước hiên nhà ông. Sao thỏ trắng lại ra vào mùa này nhỉ? Thường nơi tôi ở chỉ có những con thỏ rừng (hares) nhỏ mầu nâu ở cánh rừng bên hông nhà, chạy ra vào những ngày hè ấm áp.
Hai con thỏ không nhỏ lắm, nó to bằng đôi giầy của một người đàn ông. Chúng nằm sát vào nhau, bốn cái tai úp xuống chạm mặt đất, cái miệng thuôn thuôn và cái mũi hỉnh lên trong rất giống hai mũi giầy. Thế cả tuần nay, cái tôi nhìn thấy là đôi giầy hay hai con thỏ. Hay đôi giầy thật sự đã bỏ đi để nhường chỗ cho hai con thỏ.
Tôi khẽ nhắm mắt lại, một tiếng súng còn sót đêm qua, bắn lẻ loi vào không gian. Tôi nghĩ đến một chuyến đi không có lời từ biệt, không có đưa tiễn nên không để lại một dấu ấn gì về chia tay cho người ở lại. Tôi nghĩ (lại nghĩ,) nếu ai cũng đến và đi tự nhiên như cây cỏ, nở trọn vẹn, mãn khai rồi từ từ tàn úa, như thời tiết bốn mùa, từ ấm áp đến hực nóng rồi chuyển sang mát mẻ, đông giá, rồi xuân lại về. Hay như ông Don nhập cuộc vào đời, sống hết mình, rồi sống chầm chậm lại, rồi lặng lẽ đi. Không trống kèn, không ca hát, không ai điếu. Không có hình ảnh ném nắm đất cuối cùng.
Nghĩ đến ông là thấy hoa đỏ mọc trong vườn, hàng rào xanh cắt tỉa. Ông đã tặng cho những người thân quen một bài học về tạo hóa và con người. Tạo hóa là cái vòng tròn, con người bước vào đó, đủ một vòng xoay là bước ra, thế thôi. Chỉ là một sự hoán chuyển, nhường chỗ cho nhau, như mùa đông và mùa xuân, như đôi giầy và hai con thỏ.
Đất trời bắt đầu cho một năm mới, một cái vòng tròn mới tung ra, có tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe nhè nhẹ như tiếng mùa xuân nứt ra từ những đọt cây. Trước hiên nhà ai, có một đôi giầy mới sẵn sàng cho hai bàn chân nhỏ.
Trần Mộng Tú
1/2013
Ông Don chăm sóc vườn trước vườn sau nhà ông thật cẩn thận. Chẳng hề có một cọng cỏ dại nào chen được vào những bụi hoa nhà ông, hàng dậu bằng cây lúc nào cũng xanh biếc, xén tỉa vuông vức.Tôi hay ví cây cỏ nhà ông giống như một chàng trai ngày nào cũng cạo râu, chải đầu, quần áo tề chỉnh. Ông cũng vậy, ông là một người giản dị nhưng đâu ra đấy từ mái tóc ngắn bạc phơ cho đến đôi giầy vải trắng dưới chân.
Đôi giầy vải trắng của ông, thỉnh thoảng từ ban công nhà tôi ngó xuống lối vào nhà ông, tôi hay nhìn thấy để trước cửa ra vào, nó lúc nào cũng sạch sẽ, trắng bong, được xếp ngay ngắn, đầu mũi giầy quay ra ngoài, như sẵn sàng bước đi, chủ nhân chỉ việc ngồi xuống, xỏ vào, buộc dây. Khi thấy đôi giầy, biết là ông có nhà, không thấy đôi giầy tức là ông đi ra ngoài.
Thỉnh thoảng ra khỏi nhà sáng sớm tôi đã thấy ông đang chạy bộ trên con dốc, tôi hay dừng xe lại nói dăm ba câu chuyện với ông. Hay trêu, hỏi ông hồi này có mấy bà theo. Ông cười, một thôi, đủ mệt rồi. Hai phiền lắm.
Mùa hè vừa qua ông có khoe đi Hawaii với bà bạn mới một tuần. Khi về trông ông trẻ hẳn ra. Gặp tôi ông nói đùa: đi chơi với đàn bà mệt quá, cô ấy đi bộ khỏe hơn tôi nhiều, sức tôi theo không kịp.
Tôi nói trêu ông: chắc ông nên thay một đôi giầy đẹp hơn và tốt hơn nữa.
Ông ngửa mặt cười; chẳng phải giầy không đâu, tôi còn phải thay cả trái tim nữa chứ, tim tôi đập không kịp theo nhịp tim cô đó.
Tôi đi xa về, không nhìn thấy đôi giầy cả tuần, biết là ông không có nhà, đoán ông đi thăm con hay đi chơi xa với bạn gái.
Tôi hỏi bà Sue: Ông Don đi đâu mất rồi.
Ông ấy đang ở trong bệnh viện, bị nhồi máu cơ tim.
Bao giờ bà đi thăm cho tôi đi theo.
Không được, đang ở trong phòng hồi sinh.
Hai tuần sau, tin xấu: Ông Don bị nước vào trong phổi, bác sĩ rút hoài mà không hết nước.
Ông Don không bao giờ thích có buổi tiễn đưa cuối. Nên khi thấy ngôi nhà của ông chìm trong sự yên lặng, buổi tối không có ánh đèn hắt ra, tôi cứ nghĩ là ông đi xa mà thôi.
Mỗi khi đứng ở ban công nhà mình ngó xuống cánh cửa im lặng nhà ông, thấy nhớ cái hình ảnh đôi giầy để ngay ngắn trước cửa. Tôi chắc là mình nhớ ông và tôi không nghĩ đến đôi giầy nữa.
Cuối năm dương lịch, một buổi sáng tôi thấy một người đàn ông trẻ lái xe vào sân nhà ông, tôi đoán đó là người con trai ông. Anh đến nhà bố không biết làm gì, loay hoay cả nửa ngày trong đó. Tôi cũng không dám sang hỏi thăm, vì chưa hề gặp anh trước đây bao giờ. Anh đến rồi anh đi lặng lẽ, không thấy thu dọn đồ đạc ra hay làm điều gì đặc biệt.
Vài ngày sau, khi đi bộ xuống dốc tôi bỗng nhìn thấy đôi giầy vải trắng của ông Don được xếp ngay ngắn trước cửa, hai mũi quay ra ngoài, sợi giây giầy nới lỏng như sẵn sàng đợi hai bàn chân xỏ vào, bước đi. Tôi đứng sững, im lặng nhìn đôi giầy, nhìn như vẫn nhìn thấy nó cả mười năm nay. Như thấy nó tuần trước, như thấy nó ngày hôm qua, như nó chưa hề bị cất đi bao giờ. Mỗi ngày nó vẫn được chủ nhân của nó xỏ vào và cả hai bước xuống thềm, ra phố. Nó cho tôi cái cảm giác ông Don vẫn sống trong ngôi nhà đó, buổi sáng vẫn đi bộ, buổi trưa vẫn cắt lá, bắt sâu trong vườn, và buổi tối ánh đèn vẫn hắt ra từ cửa sổ của phòng đọc sách. Ông chưa hề bao giờ bỏ đi.
Tôi thấy mình hồn nhiên nghĩ như thế, không thắc mắc.
Trong buổi sáng mờ mờ sương của ngày mồng một dương lịch, tiếng súng giao thừa từ đêm qua hình như chưa bắn hết, thỉnh thoảng còn nghe một tiếng đạn nổ ngay bên cạnh nhà. Tôi mặc áo ấm, co ro bước ra ngoài ban công, nhìn trời mới, đất mới, hít thở cái không khí trong lành tinh khôi đang từ trời ban xuống, từ đất bốc lên. Bên dưới kia là nhà ông Don, người hàng xóm hòa nhã, tôi lấy tay dụi dụi hai mắt mình, hình như có hai con thỏ trắng nằm phục trước trước hiên nhà ông. Sao thỏ trắng lại ra vào mùa này nhỉ? Thường nơi tôi ở chỉ có những con thỏ rừng (hares) nhỏ mầu nâu ở cánh rừng bên hông nhà, chạy ra vào những ngày hè ấm áp.
Hai con thỏ không nhỏ lắm, nó to bằng đôi giầy của một người đàn ông. Chúng nằm sát vào nhau, bốn cái tai úp xuống chạm mặt đất, cái miệng thuôn thuôn và cái mũi hỉnh lên trong rất giống hai mũi giầy. Thế cả tuần nay, cái tôi nhìn thấy là đôi giầy hay hai con thỏ. Hay đôi giầy thật sự đã bỏ đi để nhường chỗ cho hai con thỏ.
Tôi khẽ nhắm mắt lại, một tiếng súng còn sót đêm qua, bắn lẻ loi vào không gian. Tôi nghĩ đến một chuyến đi không có lời từ biệt, không có đưa tiễn nên không để lại một dấu ấn gì về chia tay cho người ở lại. Tôi nghĩ (lại nghĩ,) nếu ai cũng đến và đi tự nhiên như cây cỏ, nở trọn vẹn, mãn khai rồi từ từ tàn úa, như thời tiết bốn mùa, từ ấm áp đến hực nóng rồi chuyển sang mát mẻ, đông giá, rồi xuân lại về. Hay như ông Don nhập cuộc vào đời, sống hết mình, rồi sống chầm chậm lại, rồi lặng lẽ đi. Không trống kèn, không ca hát, không ai điếu. Không có hình ảnh ném nắm đất cuối cùng.
Nghĩ đến ông là thấy hoa đỏ mọc trong vườn, hàng rào xanh cắt tỉa. Ông đã tặng cho những người thân quen một bài học về tạo hóa và con người. Tạo hóa là cái vòng tròn, con người bước vào đó, đủ một vòng xoay là bước ra, thế thôi. Chỉ là một sự hoán chuyển, nhường chỗ cho nhau, như mùa đông và mùa xuân, như đôi giầy và hai con thỏ.
Đất trời bắt đầu cho một năm mới, một cái vòng tròn mới tung ra, có tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe nhè nhẹ như tiếng mùa xuân nứt ra từ những đọt cây. Trước hiên nhà ai, có một đôi giầy mới sẵn sàng cho hai bàn chân nhỏ.
Trần Mộng Tú
1/2013