Đường dẫn truy cập

Ai sẽ thay Thăng ‘tiến về Sài Gòn’?


Đinh La Thăng, thời còn là Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải.
Đinh La Thăng, thời còn là Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải.

Hội nghị trung ương 5 ‘bàn’ gì?

Rất nhiều khả năng sau khi bị Ủy ban Kiểm tra trung ương của “Vương Kỳ Sơn Việt Nam” - ông Trần Quốc Vượng - trực chỉ một bản “luận tội” bị xem là “rất nghiêm trọng”, cùng chiến dịch phủ đầu hội đồng của nhiều tờ báo trước tụng ca sau nhấn bùn Đinh La Thăng, tác giả của “TP.HCM phải phấn đấu có được giải Nobel y học” sẽ phải ra đi.

Nhưng “đi đâu” thì chưa biết…

Còn ngay trước mắt là Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu tháng 5 năm 2017, mà có người còn ví như một “cuộc cách mạng bản lề” để chuẩn bị cho đại hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào đầu hoặc giữa năm 2018.

Vậy đâu là “nhiệm vụ then chốt” của Hội nghị trung ương 5? Tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng và cân đối vĩ mô, hay tiếp tục “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”?

Nếu hội nghị trên diễn ra vào tháng 3/2017, chủ đề kinh tế gần như chắc chắn là trọng tâm. Nhưng sau 14 năm vụ kỷ luật Ủy viên bộ chính trị Trương Tấn Sang, việc đảng lại công bố kỷ luật Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng cho thấy sẽ không còn vấn đề nào có thể sôi sục lửa lòng hơn là công tác nhân sự và “tái cơ cấu nhân sự” tại Hội nghị trung ương 5.

Hay nói trắng ra: “thay máu”.

Gần một năm rưỡi sau Đại hội 12 hàm chứa châm ngôn “bất kỳ ai, trừ Dũng” cho chức vụ tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng phải “thanh lý” nốt cái bóng vẫn còn bao trùm bàn cờ chính trị và lợi ích nhóm của cựu thủ tướng. Nếu không làm được điều cốt tử ấy, khoan chưa nói đến việc ông Trọng có thể duy trì được nửa nhiệm kỳ tổng bí thư nữa hay không, thậm chí yếu tố an toàn và an ninh cá nhân, giảm thiểu nguy cơ bị “lật đổ” có thể đang được các chính khách thời nay đội lên đầu.

Từ vụ Yên Bái “cả ba bị bắn” vào tháng 8 năm 2016 cho đến nay, nền chính trị Việt Nam đã được nâng lên tầm cao triết lý mới của Tào Tháo: thà ta phụ người chứ không để người phụ ta.

Rốt cuộc, công tác ‘thanh lý” đã ập đến sớm hơn. Không phải tại Hội nghị trung ương 6, mà là 5.

Theo đó, dàn 19 ghế trong Bộ Chính trị có thể sẽ trống vắng ít nhất 2 cái trong thời gian tới - tương ứng với hai nhân vật Đinh La Thăng và thêm một người nữa mà theo dư luận “chỉ bị cách chức vẫn còn là may”. Sẽ phải tổ chức bầu bổ sung, và công tác này đương nhiên sẽ phải làm gấp, làm ngay, thực hiện phân công ngay trong và sau Hội nghị trung ương 5, như những gì đã được bổ nhiệm và phân công ngay sau khi Đại hội 12 kết thúc vào đầu năm 2016.

Nhưng có thể khác với bối cảnh hậu đại hội 12, bàn cờ chính trị hậu Hội nghị trung ương 5 sẽ không còn tương quan giằng co chờ thời mà trở nên một chiều tấn công. Uy lực của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ một lần nữa trở nên thượng phong - trong nội bộ giới quan chức chỉ chăm bẳm “phù thịnh hơn phù suy” và “dậu đổ bìm leo”, chứ không phải trong lòng chín chục triệu nhân dân Việt Nam.

Ai sẽ “tiến về Sài Gòn”?

Cùng với bầu không khí sôi sục đến khó tả của Hội nghị trung ương 5, một ẩn số lớn không kém chuyện Đinh La Thăng “đi đâu” là “ai về”. Để đảm trách sứ mạng thiêng liêng thay cho Thăng…

Tất nhiên, đó phải là một thành viên của Bộ Chính trị. Và nếu phù hợp với đồn đoán của dư luận, nhân vật này sẽ phải vừa là người Bắc, vừa có lý luận.

Trước đây, có vài ba lần ông Nguyễn Thiện Nhân - từ thời còn là phó thủ tướng và sau này về làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - là ứng cử viên được cho là sẽ về TP.HCM để thay cho ông Lê Thanh Hải thời ông Hải còn là bí thư. Lợi thế của ông Nhân là “từ TP.HCM đi lên”. Tuy nhiên, kể từ lúc ông Nhân đã khởi xướng từ chủ trương “hai không” của ông thời còn là Bộ trưởng giáo dục, mãi đến giờ này rất nhiều người đành chua chát nhận ra một con số không to tướng khi ông Nhân chẳng có được một kết quả điều hành nào ra hồn. Dù có hàm giáo sư nhưng với năng lực hạn chế và bản lĩnh quá co thủ như thế, Nguyễn Thiện Nhân đã không thể thay Lê Thanh Hải, và sắp tới cũng rất khó có cơ hội để trám chỗ Đinh La Thăng.

Võ Văn Thưởng đã hơi nổi lên trong vài năm qua ở TP.HCM trong vai trò phó bí thư thường trực, trong bối cảnh giới lãnh đạo thành phố này bị khủng hoảng về nhân sự chủ chốt. Tất nhiên, tâm lý dân Nam Bộ vẫn muốn bí thư thành ủy là “người xứ mình” và đã có một cuộc vận động cho Thưởng làm bí thư TP.HCM trước Đại hội 12. Tuy nhiên sau khi được điều ra trung ương và bị “khóa” tại Ban Tuyên giáo trung ương, ông Thưởng khó lòng trở về thay Đinh La Thăng để khỏi có cơ hội gần gũi “anh Hai Nhật” (cựu bí thư Lê Thanh Hải), “anh Ba Dũng” (cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).

Còn lần này, cú dứt điểm Đinh La Thăng của Tổng bí thư Trọng đã xác quyết một quyết tâm sắt đá về công tác nhân sự: người thay cho ông Thăng phải là “người của ông Trọng”, không để phát sinh hậu họa.

Nếu cả Nhân và Thưởng đều khó “về”, những nhân vật có vẻ gần gũi với Tổng bí thư Trọng và đang giữ chức vụ không thật nổi bật như Vương Đình Huệ - Phó thủ tướng, Tòng Thị Phóng - Phó chủ tịch quốc hội - lại có cơ hội được “chấm”.

Kể cả Nguyễn Thành Phong - hiện là chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM - cũng có một chút cơ hội nếu Bộ Chính trị tổ chức “bầu bổ sung”…

Tuy nhiên, không cứ là “rảnh” mới được điều về TP.HCM. Là thành phố giàu nhất nước và còn là trung tâm của cả hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP.HCM còn là vị trí chính trị then chốt trên bàn cờ chính trị quốc gia mà bất kỳ chế độ nào cũng phải đặc biệt lưu ý. Bí thư/thị trưởng thành phố này có thể chỉ cần xin chỉ đạo trực tiếp từ Tổng bí thư hoặc “tổng thống” trong tương lai.

Cũng có những cái tên khác như Phạm Minh Chính - hiện là Trưởng ban Tổ chức trung ương, Tô Lâm - đang là Bộ trưởng công an… có thể thay thế cho Đinh La Thăng tại TP.HCM. Nhưng có lẽ khó qua được “phương án Trương Hòa Bình” - nghe nói được cựu thần Trương Tấn Sang - người vẫn được xem có vai trò “cố vấn đặc biệt” cho Tổng bí thư Trọng - nhiệt tình nâng đỡ.

Có lẽ Trương Hòa Bình chỉ có thể bị “loại” nếu Tổng bí thư Trọng xác quyết Bộ Công an mới là quân cờ quyết định thế thắng/thua trên bàn cờ trong thời gian tới, và do đó Tô Lâm sẽ có nhiều triển vọng nhất để trở thành Bí thư thành ủy TP.HCM.

Khá tương đồng với không khí chạy chọt chộn rộn ngay trước Đại hội 12, phương án thì nhiều, nhưng “gút nhân sự” chỉ xảy ra ở “phút 89”.

Duy có điều, nhiều người dân Sài Gòn lại chẳng mấy quan tâm đến chuyện ai đi ai về. Với họ, ai thì cũng rứa, chỉ giỏi mị mà chẳng thấy làm được gì cho dân…

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG