Đường dẫn truy cập

Đình công, từ chức và tương lai tòa án xét xử Khmer Đỏ


Ông Youk Chhang, Giám đốc Trung tâm Tài liệu của Campuchia
Ông Youk Chhang, Giám đốc Trung tâm Tài liệu của Campuchia
Một cuộc đình công vì không được trả lương và một vụ từ chức của một công tố viên nước ngoài khiến nhiều người lo ngại về tương lai của tòa án Liên Hiệp Quốc xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ của Campuchia.

Chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ tàn sát hàng triệu người đã cáo chung vào năm 1979 nhưng phải đợi đến năm 2006, chính phủ tại Phnom Penh mới thỏa thuận được với Liên Hiệp Quốc để mở tòa án quốc tế xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ. Nhưng tòa án này bị tràn ngập vì nhiều vấn đề, trong đó có quản lý yếu kém và bị chính trị can thiệp.

Có quá nhiều tài liệu dùng làm bằng chứng để kết tội các thủ lĩnh Khmer Đỏ, theo lời ông Youk Chhang, Giám đốc Trung tâm Tài liệu của Campuchia:

“Đến giờ này, chúng tôi đã thu thập được trên một triệu tài liệu chi tiết có thể làm bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ. Chúng tôi có bản đồ của độ 20.000 ngôi mộ tập thể, mỗi nơi chứa trên 1.000 xác. Chúng tôi cũng có bản đồ của trên 100 nhà tù, mỗi nơi chứa từ 10.000 đến 15.000 tù nhân và chỉ có một số ít còn sống. Chúng tôi có hàng trăm ngàn tấm ảnh của các nạn nhân.”

Mặc dù có những bằng chứng như vậy, trong vòng bảy năm qua, tòa án chỉ mới kết tội được một người, và tuổi tác quá cao của những người còn lại khiến người ta không biết nội chuyện lấy lời khai của họ có còn đủ thời gian hay không, chưa nói đến chuyện kết tội họ.

Hiện thời chỉ còn hai người là Nuon Chea và Khieu Samphan, vẫn được xem là đủ sức khỏe để nghe xét xử, cả hai đều trong lớp tuổi 80. Cả hai đều chối tội.

Pol Pot, thủ lĩnh Khmer Ðỏ tàn sát trên 1/4 dân số Campuchia
Pol Pot, thủ lĩnh Khmer Ðỏ tàn sát trên 1/4 dân số Campuchia
Hai nhân vật đầu não là Pol Pot và Ieng Sary đều qua đời.

Can phạm Kaing Guek Eav, quản lý nhà tù Tuol Sleng nổi tiếng của Khmer Đỏ ở Phnom Penh đã bị kêu án tù chung thân hồi năm ngoái vì đã dính líu đến vụ sát hại hơn 14.000 người bị giam, bị tra tấn và hành quyết trong nhà tù này.

Các vụ còn lại là những chỉ huy trung cấp Khmer Đỏ, vẫn còn trong khâu điều tra và không rõ có thể mang ra xử được hay không.

Các vấn đề của tòa án này khiến nhiều người đặt câu hỏi có nên tiếp tục cấp kinh phí cho tòa hay không.

Ông James Goldston, Giám đốc một tổ chức đòi hỏi công lý, nói rằng nếu các vụ còn lại mà không xử xong thì quả là một tai họa:

“Tôi cho rằng sự kiện tòa này ngưng hoạt động là một vấn đề cho thấy các nhà tài trợ và chính phủ Campuchia cần phải thực hiện trách nhiệm của mình, có nghĩa là họ cần hoàn tất những gì họ đã bắt đầu. Nếu cuối cùng không có ngân khoản để hoàn tất vụ án số 2 hiện nay, và sau đó là các vụ đang được điều tra thì quả là một thất bại to lớn.”

Gần 200 trong số 250 nhân viên tòa án mới đây đã đình công vì không được lĩnh lương từ tháng 5.

Nuon Chea
Nuon Chea
Bà Nushin Sarkarati, thuộc một tổ chức đòi hỏi công lý khác, nói rằng chuyện đình công này khiến cho vụ xử hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan bị khựng lại:

“Các nhân viên người Campuchia rất cần cho tòa này hoạt động. Không có họ, tòa bắt buộc phải ngưng lấy lời khai, và hậu quả là làm chậm trễ quyết định đưa ra bản án cho hai bị cáo.”

Ông Peter Maguire, một nhà nghiên cứu về Khmer Đỏ đã viết một cuốn sách về thời kỳ cai trị của Khmer Đỏ, nói rằng việc nhân viên tòa án đình công là một dấu hiệu nữa cho thấy tòa này đã thất bại:

“Với hai bị cáo đã chết hoặc không thể mang ra xử được, tòa án chưa làm được phân nửa công việc mà Liên Hiệp Quốc và các nhóm bênh vực nhân quyền đã hứa hẹn. Tòa án quốc tế tại Campuchia sẽ là một ví dụ cho những người xem xét xử những người phạm tội ác chiến tranh là chuyện vô bổ. Liên Hiệp Quốc cần phải hoàn tất xét xử các bị can đã già yếu lẫn lộn này trước khi đóng cửa ra đi.”

Cuộc khủng hoảng của tòa án tại Campuchia buộc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phải ra thông cáo báo chí nói rằng “sự tồn tại của tòa án đang được đặt ra” và “thất bại về tài chính sẽ là một bi kịch cho nhân dân Campuchia.”

Ông Youk Chhang nói rằng điều cần nhất, là Liên Hiệp Quốc và Campuchia đừng quên mục tiêu của tòa án:

“Tôi cho rằng tòa án cần xem đây là một sứ mạng đòi hỏi công lý, sứ mạng xây dựng một quy trình để nhân dân Campuchia có thể dựa vào đó mà hướng về phía trước.”

Giả sử cuộc đình công chấm dứt, và tòa án hoạt động trở lại, viễn ảnh lâu dài của nó vẫn còn là một dấu hỏi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG