Đường dẫn truy cập

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu


Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Trần Mộng Tú: * Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).

Con gái tôi mới lấy chồng được một năm, cô muốn giới thiệu cho cha mẹ chồng và chồng của cô về quê mẹ mình, cô rủ bên chồng làm một chuyến du lịch Việt Nam. Không muốn để con đi một mình, tôi phải đi theo tháp tùng vì biết cô sẽ lúng túng khi giới thiệu ngôn ngữ và phong tục Việt Nam, dù cô nói tiếng Việt khá thông thạo.

Tôi dắt theo chồng, con gái, con rể và suôi gia đi trên tuyến du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chiếc xe hơi có gắn máy lạnh, chở ba mươi lăm du khách, rời Sài Gòn đi ra ngoài thành phố, trên quốc lộ 1. Tôi ngồi phía sát bên cửa kính để nhìn ra ngoài cho rõ. Xe bắt đầu vào Bình Chánh, đi về hướng Long An. Đường sá hai bên, chỗ nào cũng đang đập phá, rỡ đất để xây công xưởng, tư xưởng hoặc cao ốc. Bây giờ đi về miền quê không đồng nghĩa đơn thuần là thấy đồng lúa, nương khoai, bãi rau xanh ngát nữa. Điều trước tiên tôi thấy là những bảng hiệu: Bán Vật Liệu Xây Cất, Công Ty Sắt, Thép; Trường Kỹ Nghệ Long An; Car Dealer Lifan, Ford New Holland; Máy Cầy-Máy Ủi Đất. Cũng mừng cho đất nước mình, trông như đang hưng thịnh.

Anh hướng dẫn viên du lịch, nói tiếng Anh không thông thạo lắm, nhưng đủ để khách nước ngoài tương đối hiểu anh nói gì.

Anh nói: Long An nơi nổi tiếng về trái thơm, dưa hấu ruột vàng, và gạo nếp. Vựa lúa Long An góp một phần không nhỏ vào số gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước. GạoViệt Nam xuất khẩu hàng năm trên thế giới, đứng thứ hai, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên lợi tức của một nông dân mỗi năm là 450 Mỹ kim cho một đầu người, nên trẻ em con nhà nông vẫn không được đi học, vì cha mẹ không có đủ tiền đóng học phí cho các em. Anh nói tiếp: Các em được đi học hay không vẫn trông vào quỹ từ thiện của nước ngoài. Tôi không biết anh định nói, quỹ nước ngoài là quỹ của mấy ông Tây, bà Mỹ hay của Việt Kiều.

Khi vào khu vực tỉnh Long An, Bến Tre chúng tôi được chuyển sang thuyền máy. Hai chiếc thuyền máy chở ba mươi lăm người đi dọc theo sông Cửu Long bát ngát. Chúng tôi gặp rất nhiều những ngôi nhà nổi trên sông, thật ra không phải nhà, mà là vựa chứa cá.

Đó là một cái mảng có mái, diện tích như một ngôi nhà lớn, có nước đá giữ cho cá tươi và đặc biệt mảng nào cũng có một, hai, con chó canh gác cá, không cho kẻ trộm lấy cá khi không có chủ mảng ở đó. Nước đá làm từ nước sông lấy thẳng lên, không lọc, nên chỉ dùng được trong việc giữ cá. Sông Cửu Long cung cấp cho ngư dân hơn năm trăm loại cá khác nhau. Ngoài cung cấp cá, sông còn cung cấp cả cát, và đất sét vét từ hai bên sông. Những mảng chở cát, to đến có thể chở được 800 tấn trên một mảng, mỗi mảng được kéo theo bằng một thuyền máy phía trước. Suốt dọc sông đi, tôi thấy số mảng chở cát, và số mảng giữ cá nhiều ngang bằng nhau.

Những người cha của miền đồng bằng sông Cửu Long này suốt đời ở sông thả lưới bắt cá, tài xế chạy máy tầu hay vét đất bên bờ, trong khi những người mẹ lại là ngưới vá lưới sửa tầu. Tầu máy chúng tôi đi qua thỉnh thoảng lại bắt gặp ngay sát bờ, những phụ nữ tuổi trạc 25-40 đang sửa thuyền đánh cá, một công việc làm tay rất vất vả. Tôi thấy những thân hình bé nhỏ, nón lá đội úp, có người còn bịt cái khăn rằn che ngang miệng, nên không nhìn rõ hết mặt chỉ thấy một phần mũi hay một phần cằm. Các bà người nào cũng đen đủi vì nắng và bùn tẩm vào da thịt, quần áo; tay cầm búa, cầm rìu, tay uốn cong những nẹp sắt, các bà vá những con tầu âu yếm như vá áo cho chồng, con. Chao ôi, thân cò eo sèo mặt nước cả mưa nắng hai mùa!

Thỉnh thoảng một đám lục bình trôi qua, cụm hoa mầu tím nhạt, một mầu tím đẹp bình thản, chịu đựng, bền bỉ như phụ nữ trên sông nước Cửu Long này. Mùi nước, mùi sông, mùi nắng, mùi gió, mùi cá, và ngay cả những đám mây trắng trên cao đang buông xuống, tất cả đều như có thoảng hơi bùn, làm nên một mùi rất đỗi thân quen: Mùi quê hương yêu dấu!

Chúng tôi được tầu ghé vào đất liền, cho khách du lịch ăn trưa và xem làm kẹo dừa, xem gà chọi, (một môn giải trí phổ thông Nam Bộ.) Bến Tre là xứ dừa, ngày trước con gái Bến Tre nổi tiếng tóc mướt dầu dừa, da trắng sữa dừa. Bây giờ các cô không biết lưu lạc phương nào! Chỉ còn mấy em mới lớn đứng cắt kẹo dừa bằng dao, gói kẹo dừa bằng tay. Du khách được nếm kẹo, uống rượu cất bằng nước dừa, có pha thêm mật ong.

Sau mua bán, chúng tôi được chuyển sang xuồng máy nhỏ. Cứ bốn người một thuyền. Tôi để con gái ngồi với chồng và bố mẹ chồng một thuyền, Vợ chồng tôi ngồi với hai người lạ, một thanh niên Hà Lan đi du lịch một mình, và một phụ nữ nữa cũng đi một mình, đến từ Úc. Tôi được anh hướng dẫn cho biết, năm nay, vào tháng này, người Việt về ít hơn người nước ngoài. (Người Việt hải ngoại bây giờ được nhận là người nhà rồi.) Thuyền đi qua những ngã sông rất nhỏ, chẳng khác nào xe đang đi ngoài đường, rẽ vào hẻm. Gần mươi chiếc thuyền máy nhỏ len lách giữa hai hàng cây xanh gần như giao vào nhau trên mái thuyền. Tôi biết một bên là dừa nước, loại dùng để lợp mái nhà, bên kia, tôi không biết những bụi cây lá nhỏ là loại cây gì, đi một đỗi, tôi cố nhận định mà vẫn không biết, định hỏi người lái thuyền, thì mắt chạm phải những trái mầu xanh, có hình tròn và dẹp như con vụ (con quay). À, nhớ ra rồi, những khóm này là khóm bần. Chẳng biết ai đặt tên cho cây nghe tội thế! “Bần”! Bần là nghèo, chắc những bụi cây này sẽ mãi mãi ở đây thôi.

Thỉnh thoảng thuyền xô vào một đám lục bình, đẩy chúng lênh đênh trên làn nước đục. Ai đó đã ví: “Đời người như lục bình trôi”. Lục bình trôi theo con nước, theo gió, và chao đảo ngay cả với những cái rẽ của một con thuyền nào đó, nó đâu có tự mình định hướng được trên sông. Nên nó một đời ngơ ngác.

Em đứng thẳng cho anh nhìn vào mắt

Anh vướt hộ em những hạt long lanh

Con sông chảy cả một thuyền dĩ vãng

Trong mắt em ngơ ngác đám lục bình. (tmt)

Chúng tôi lại rời thuyền lên bộ. Đi vào vườn cây ăn trái, qua con đường làng nhỏ, hai bên thỉnh thoảng có những ngôi mộ xây nổi trên vườn nhà, tôi vừa đi vừa tò mò ngắm những bức hình, đọc năm sinh, năm tử trên những mộ bia. Những cụ già suốt đời sống ở miệt vườn, chết ở lại trên phần đất của giòng họ mình, họ đã nhìn thấy bao nhiêu du khách người Mỹ, người Việt đi qua trước mặt, hồn họ đã cảm nhận được điều gì?

Lên đây chúng tôi được cho ăn trái cây vườn. Mỗi người một đĩa nhỏ, có: một trái chuối cau, mấy lát dưa hấu nhỏ, mấy lát thơm, mấy lát sa bô chê (sapotier), và chúng tôi được mời nghe hát cổ nhạc. Ban nhạc gồm có bốn người đàn ông, tuổi giữa năm mươi, sáu mươi. Nhạc sĩ ngồi theo thứ tự: đàn Độc Huyền (đàn Bầu), đàn Kìm (đàn Cò), đàn Nguyệt (tròn như mặt trăng) và đàn Guita cổ (chỉ có 5 giây). Hai người hát vọng cổ là một cô tuổi dưới ba mươi, mặc nguyên một bộ áo dài, quần dài mầu hồng và một người đàn ông trung niên.

Điều thiếu sót là người hướng dẫn không cắt nghĩa cho du khách đó là cổ nhạc. Và nghe hát vọng cổ thì phải vỗ tay lúc người ca hạ giọng ở câu cuối. Cô gái hát một bài vọng cổ “Chia tay mười hai con phượng hoàng” rồi một bài trách người yêu bỏ ra đi tìm công danh ở chốn xa xăm, quên người con gái nơi quê nhà. Không thấy ai vỗ tay khi mình xuống sáu câu, nên đến khi người đồng ban lên hát cô phải đứng vỗ tay, làm mẫu.

Ngay từ lúc những nhạc công rộn rã mang nhạc khí ra, tôi nhìn, thấy đã lòng rưng rưng rồi. Khi họ ngồi xếp hàng trước mặt tôi, thì thật sự, núm ruột xa ngàn dặm (của tôi) quặn thắt. Tôi thấy thương cho sự lạc lõng của họ ngay trong làng, trong xóm của họ. Trong số ba mươi lăm khách du lịch bằng thuyền máy trên sông Cửu Long ngày hôm đó, chỉ có một người rưỡi là Việt Nam (Tôi nguyên và con gái tôi một phần hai Việt Nam,) phần còn lại, họ là Mỹ, Đức, Úc, Thụy Sĩ.

Ban nhạc chơi đàn thật điệu nghệ. Tiếng đàn bầu thánh thót trước tiên, làm tôi nhớ câu:

Đàn bầu ai gảy thì nghe

Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.

Tiếng đàn đó quyến rũ đến thế nào mà ông bà ta ngày trước phải thốt lên như thế! Giờ đây, đang gảy lên để cho một mình tôi thưởng thức, tôi vừa thấy mình đặc biệt vừa ngậm ngùi thương cho người nhạc sĩ. Rồi tiếp theo là tất cả tiếng đàn cùng cất lên, tôi vừa nghe vừa chậm nước mắt. Những cái tai chung quanh tôi họ nghe như thế nào nhỉ? Không lẽ “Đàn gảy tai trâu” là trường hợp này đây?

Đất nước tôi bây giờ từ thành thị đến thôn quê đều sống nhờ vào du khách, nên linh hồn của người nằm ở phần đất trên kia, chắc cũng đã quen với những tiếng chân của du khách phương xa, họ có rộn ràng chờ đón du khách? Cũng như những nhạc công này, chắc họ đã quá quen với những lần gảy đàn và hát vọng cổ cho toàn người ngoại quốc, không biết một chút gì về cổ nhạc Việt Nam.

Tôi ngồi đây, tự cho mình có cái may được cả ban cổ nhạc trình diễn cho một riêng mình. Tôi đã qua thời con gái, nên tôi được phép nghe đàn bầu. Tôi còn được nhỏ giọt lệ cho riêng tôi và cho những giọt đàn thon thả đó.

Trần Mộng Tú
23/01/2010

XS
SM
MD
LG