Đường dẫn truy cập

Nó!


Cách đây ít lâu, nhà sản xuất phim nổi tiếng của Hollywood Harvey Weinstein đã bị tuyên án 23 năm tù, 20 năm vì hành xử tình dục phi pháp và 3 năm vì hiếp dâm, trong phiên tòa tại New York.

Những người hành xử phi pháp như Weinstein nhan nhản khắp nơi, không riêng gì tại Mỹ.

Vấn đề bạo hành với phụ nữ nói riêng, phân biệt đối xử với nữ giới nói chung, vẫn còn phổ biến trên toàn thế giới, ngay cả ở những nước văn minh nhất.

Đối với Việt Nam, cũng như các nước chậm phát triển, sự coi thường nữ giới và bạo hành gia đình ở mức rất cao. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm 2010 cho biết tại Việt Nam có đến 34 phần trăm, tức một trong ba phụ nữ đã lấy chồng, đã từng chịu đựng bạo lực thể xác hoặc tình dục từ người chồng của họ. Nếu tính luôn bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần thì con số đó lên đến 58 phần trăm. Một bài viết nghiên cứu về đề tài này vào năm 2019 trên tạp chí nguyên ngành International Journal of Mental Health Systems cũng xác nhận con số nêu trên.

Tối qua, tôi nói chuyện với một người bạn thân. Mẹ cô cũng từng là nạn nhân của bạo hành mà cô đã chứng kiến suốt thời ấu thơ. Nói chuyện xong tôi trằn trọc suốt đêm. Thật là buồn!

Cách đây gần 4 năm tôi viết bài “Nó” nhưng không phổ biến rộng. Các mẫu tin vừa qua làm tôi suy nghĩ và muốn chia sẻ về đề tài này. Mời quý bạn đọc.

Liên quan đến bạo hành, tôi mốn bàn về chữ “nó”.

Xưng hô là một đặc điểm của văn hoá Việt Nam, cái mà chúng ta bắt đầu học “từ lúc nằm nôi”.

Trong cách xưng hô tiếng Việt, tinh thần lễ phép kính trọng đối với vai trên thì phải công nhận rất hay, rất đáng để cho người ta học hỏi mình. Tuy nhiên đối với vai dưới, sự phân biệt và miệt thị rất cần được xét lại.

Trong cách xưng hô đối với vai dưới, “nó”, “thằng”, “con” v.v... đều là những từ hàm ý coi thường hay khinh bỉ.

“Nó” là vai thứ ba nhưng chủ yếu ám chỉ: 1) người giữ vai nhỏ hơn; 2) người bị miệt thị hoặc không được kính trọng/nể trọng; 3) thú vật hay đồ vật. Theo Việt Nam Tự Điển (Nhà xuất bản Văn Mới 1954) thì nó là “tiếng để chỉ người hèn thấp hay vật gì mình nói đến”. Cho nên không ai xưng hô “nó” đối với một người mình kính nể cả, trừ trường hợp cố tình dùng để miệt thị hoặc gây hấn. Hoặc là vì rất quen thân.

Nhưng vẫn có hai trường hợp ngoại lệ tiêu biểu.

Một, rất nhiều người Việt, một cách vô tình hay vô ý, vẫn dùng “nó” để ám chỉ người ngoại quốc, ngay cả những người lớn tuổi hơn mình hay được mình kính nể. Vẫn quen miệng xưng “nó” hoặc “tụi nó”, tuy vẫn ý thức rằng người ta lớn hơn, vai vế hơn. Tôi có cảm tưởng đó là tinh thần bài ngoại xuất thân từ các công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc từ hàng nghìn năm qua để duy trì độc lập và bảo toàn lãnh thổ. Cảm tưởng thôi chứ không biết chắc lắm! Liên quan đến vấn đề này, hơn một thập niên trước, một vị giáo sư uy tín ra đề nghị với giới trẻ chúng tôi cần sửa đổi cách xưng hô thiếu văn hoá đối với người ngoại quốc. Nhìn lại, nhiều người nhận ra rằng đôi lúc mình xưng hô trật vì thói quen, và vì ảnh hưởng của những người chung quanh. Đúng là có những cái thói quen nằm ẩn trong tìm thức hay tàng thức, mà nếu không nhận ra thì sẽ chẳng ai thay đổi.

Hai, nhiều người đàn ông Việt Nam dùng “nó” khi ám chỉ vợ mình. Trong số này tôi tin rằng tỷ lệ nể vợ hay trọng vợ, và kể cả sợ vợ không chừng, không phải là nhỏ. Có thể là thói quen chăng! Tôi không nghĩ là thói quen thôi mà chủ yếu là vấn đề vai vế trong gia đình Việt Nam. Văn hoá Việt Nam vẫn chủ yếu là văn hoá gia trưởng, mà trưởng ở đây hiển nhiên là người chồng người cha. Cái thói quen chỉ có sau khi tự trong tiềm thức hay tàng thức người chồng tự xem mình là trên vợ, có quyền hơn vợ, và muốn gọi vợ ra sao thì tuỳ hỉ. Vẫn có những người ý thức hơn không dùng “nó” khi nói về vợ mình trước bậc dưới, nhưng khi nói chuyện với bậc trên, vẫn trở lại dùng “nó”.

Vì thói quen, vì xem mình là gia trưởng, hay vì lý do gì đi nữa, tôi cho cách xưng vợ mình là nó với bất cứ ai đều không thích hợp. Tất cả đều mang tính cách khinh khi hoặc coi thường vợ mình.

Tại sao không thích hợp?

Bởi, thứ nhất, coi thường vợ mình chẳng khác gì khinh khi chính mình vậy. Một người được tôn trọng hay không thì chủ yếu là vì tư cách của người đó chứ không bao giờ nên là vì phái tính cả. Ngoài ra, khi chúng ta vô ý coi thường một người khác, thiếu đi sự kính trọng qua cách xưng hô chẳng hạn, thì điều đó cũng nói lên được cái cung cách và tư duy của chính mình vậy.

Thứ hai, sự coi thường trong cách xưng hô như thế, và từ đó cung cách hành xử, có liên hệ mật thiết đến bạo hành trong gia đình. Một cách tương đối, rất khó để một người sử dụng bạo lực với người mình kính trọng, và rất dễ để một người sử dụng bạo lực với người mình khinh khi. Như chiến dịch Chống bạo hành do chính phủ Liên bang, Tiểu bang và Lãnh thổ Úc phát động mang tên Tôn trọng (Respect) nói:

“Thật là quan trọng để hiểu vòng lẫn quẫn của bạo hành. Không phải sự bất kính nào đối với phụ nữ đều dẫn đến bạo hành, nhưng tất cả mọi bạo hành đối với phụ nữ đều bắt đầu từ những hành vi bất kính. Tất cả chúng ta đều có thể góp phần ngăn chặn ngay từ ban đầu.”

Để góp phần ngăn chặn ngay từ ban đầu, suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta cần phải thay đổi. Là người lớn, chúng ta cần có trách nhiệm dạy dỗ con em của mình, làm gương cho con cháu, để các cháu học được cái đúng cái sai, nhưng trên hết học cách tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chính mình. Không thay đổi lúc ban đầu thì sẽ muộn màng.

Tôi còn nhớ rõ như ghi trong đầu câu chuyện xảy ra cách đây hơn 30 năm tại Việt Nam. Một ông chồng bợm nhậu lôi vợ con ông ra đánh đập một cách tàn nhẫn, hầu như mỗi ngày, và có khi treo vợ cột ngược đầu trên dây thừng. Nguyên cái xóm đó, và cả cái xã hội đó, thời đó, không làm được gì. Mỗi lần đi học về tôi nghe tiếng khóc, tiếng rên, như rít vào tai tôi, làm đau nhói con tim. Cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi đi vượt biên sau đó nên không rõ chị ấy có còn sống dưới bàn tay thô bạo của người chồng vũ phu không.

Chị cũng chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong vô số nạn nhân của bạo hành tại Việt Nam.

Tôi không rõ vấn nạn này có giảm trong 30 năm qua không? (nhìn con số do LHQ đưa ra tôi thật là bi quan). Xã hội Việt Nam bây giờ, cái đạo lý con người xuống cấp một cách kinh khủng, và người ta thường giải quyết với nhau bằng bạo lực (khi luật pháp không giải quyết được gì nếu không có thủ tục đầu tiên, và khi luật pháp chỉ bảo vệ Đảng cầm quyền). Nên tôi không khỏi lo ngại hơn đối với nạn bạo hành tại Việt Nam ngày nay.

Nếu suy nghĩ thêm một chút, làm sao mà không lo chứ!

“Nó” có thể là con gái của mình, là chị mình, là em gái mình, là mẹ mình, là cô mình, là dì mình, là mợ mình, là cô giáo của mình, là những người bạn nữ của mình, là bà nội bà ngoại của mình, là vợ mình v.v... Là tất cả những người mình quý mến và thương yêu mà.

Tôn trọng người khác, không chỉ người quyền uy chức trọng, mà cả những người thuộc cấp, những người nhỏ tuổi hơn, địa vị thấp hơn, như trẻ em, người tàn tật, người thấp cổ bé miệng, là bước đầu trong hành trình này. Đó cũng là bước tiến trên hành trình văn minh của nhân loại.

Đó mới là nhân quyền đích thực.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG