Đường dẫn truy cập

Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ địa cầu?


Muslim pilgrims pray on a rocky hill called the Mountain of Mercy, on the Plain of Arafat near Mecca, Saudi Arabia, Monday, Nov. 15, 2010. The annual Islamic pilgrimage draws 2,5 million visitors each year, making it the largest yearly gathering of people
Muslim pilgrims pray on a rocky hill called the Mountain of Mercy, on the Plain of Arafat near Mecca, Saudi Arabia, Monday, Nov. 15, 2010. The annual Islamic pilgrimage draws 2,5 million visitors each year, making it the largest yearly gathering of people

Cách đây vài năm, cư dân của một thị trấn nhỏ của Thụy Điển cam kết sẽ giảm bớt tác động tiêu cực do sử dụng nhiên liệu gây ra cho môi trường. Trong vỏn vẹn 2 năm, thị trấn Kalmar đã giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 1 phần 3. Được khích lệ vì sự thành công này, cư dân thị trấn Kalmar cam kết đến năm 2030, sẽ hoàn toàn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để xoay sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đại sứ quán Thụy Điển tại Washington mới đây đã mở một cuộc triển lãm về sáng kiến của thị trấn Kalmar, nhằm kêu gọi người Mỹ, một trong những thành phần sử dụng năng lượng phí phạm nhất thế giới, tham gia một nỗ lực tương tự. Tạp chí Khoa học và Đời sống tuần này xin được dành để gửi đến quý vị bài tường trình của thông tín viên Rosanne Skirble, về một gia đình Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi ấy.

Hai vợ chồng Nolan và Kathy Stokes đang thực hiện một số thay đổi lớn để tân trang nhà cửa của họ cho phù hợp với mục tiêu do họ đặt ra, là bảo vệ môi trường tốt hơn. Vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, 2 toán thợ đã đến làm việc tại nhà ông bà Stokes, một toán thì thay thế các cửa kính cũ bằng loại cửa kính hai lớp. Toán kia thì đào một hố sâu đến 200 mét trên thảm cỏ trước nhà để đặt một máy bơm địa nhiệt.

Ông Stokes giải thích: “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ tiết kiệm được hàng ngàn đôla mỗi năm, chỉ với cái máy bơm đó.”

Máy bơm địa nhiệt là một phần trong kế hoạch của gia đình ông bà Stokes để vừa bảo tồn năng lượng vừa tiết kiệm tiền bạc.

Bà Kathy Stokes nói: “Trước đây thì chúng tôi cũng đã tái sử dụng các vật liệu có thể sử dụng lại. Đó là điều nên làm. Thế rồi chúng tôi đổi hết các bóng đèn sang loại bóng ít tốn điện hơn. Nhưng ngoài ra, chúng tôi không biết còn cần phải làm thêm điều gì khác. Chúng tôi tự nhủ rằng thể nào cũng phải có những cách thức khác để giảm khí carbon gây hiệu ứng nhà kính, ngoài việc thay bóng đèn và tái sử dụng vật liệu.”

Tháng 7 năm ngoái, gia đình ông bà Stokes ghi danh hưởng ứng một số biện pháp bảo vệ môi sinh do đại sứ quán Thụy Điển cổ võ, theo một chương trình mang tên là Chương trình Khí hậu Thí điểm. Ông Lars Roth, Tham Tán Môi Sinh đầu tiên của đại sứ quán Thụy Điển, cho biết là sáng kiến này được dựa trên ý kiến cho rằng hành động của cá nhân có thể tạo ra một khác biệt tích cực trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu.

Ông Roth giải thích: “Tôi tin rằng chương trình này cho thấy là chúng ta có thể hành động để cải thiện nền kinh tế. Chúng ta có thể đề ra những đạo luật và những kế hoạch khích lệ để 'xanh hóa' nền kinh tế, nhưng rốt cuộc thì mọi sự đều tùy thuộc vào sự chọn lựa của giới tiêu thụ, vào những gì mà mỗi cá nhân chúng ta quyết định làm trong cuộc sống hàng ngày.”

Cách đây 40 năm, như Hoa Kỳ, Thụy Điển phần lớn lệ thuộc vào các loại năng lượng hóa thạch nhập khẩu từ nước ngoài, như dầu hỏa, than và khí đốt thiên nhiên. Các loại nhiên liệu này, khi đốt lên, sẽ thải ra một số lượng thán khí lớn vào bầu khí quyển trái đất. Từ những năm 1970 trở đi, sau khi nguồn cung cấp dầu hỏa bị gián đoạn khiến giá cả tăng vọt, Thụy Điển khởi sự chuyển từ sử dụng dầu nhập khẩu sang các loại nhiên liệu tái tạo và năng lượng hạt nhân. Nỗ lực này đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Ông Lars Roth cho biết: “Bây giờ đến 43% năng lượng của chúng tôi được dựa trên các nguồn tái tạo. Gần 80% điện năng dựa trên các nguồn tái tạo hoặc hạt nhân. Nói cách khác, hầu như chúng tôi không còn sử dụng năng lượng hóa thạch.”

Mức khí carbon thải ra tính trên mỗi đầu người tại Thụy Điển đã giảm. Theo ông Tim Herzog, một nhà phân tích làm việc cho Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thế giới, hiện mỗi công dân Thụy Điển chỉ thải ra trung bình 7,4 mét khối thán khí mỗi năm; so với một người Mỹ, trung bình thải ra khoảng 23,5 mét khối mỗi năm.

Ông Herzog nói: “Yếu tố chủ yếu làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là việc tiêu thụ nhiên liệu; nhất là điện năng và nguồn cung cấp điện của một nước, nhiên liệu được chuyên chở thế nào, người tiêu thụ lái xe loại nào, họ lái như thế nào, trên những khoảng cách bao xa. Gần phân nửa điện năng tiêu thụ ở Hoa Kỳ là từ than mà ra.”

Chương trình Khí hậu Thí điểm xác định 4 lĩnh vực trong đó người Mỹ có thể giảm thán khí gây hiệu ứng nhà kính. 4 lĩnh vực ấy gồm có: sử dụng năng lượng, thực phẩm tiêu thụ, các hoạt động giải trí và giao thông. Đó là những hoạt động mà người Mỹ thường không có thói quen đặt nghi vấn.

Nhưng gia đình ông bà Stokes đã bắt đầu kiểm soát số kílôwatt mà gia đình ông bà sử dụng, họ đã mướn thợ lấp lại những kẽ hở nơi các cửa kính và cửa nhà, dùng các lớp cách nhiệt, đổi sang sử dụng máy móc gia dụng ít tốn điện hơn, tham gia các chương trình chia xe với người khác để đến nơi làm việc, và giảm bớt số lượng thịt mà gia đình tiêu thụ. Bà Kathy Stoke nói vợ chồng bà theo đuổi những mục tiêu được người Thụy Điển khởi xướng, đó là thay đổi những thói quen của mình. Và gia đình ông bà không cảm thấy mình phải hy sinh bất cứ điều gì.

Bà Kathy nói: “Tôi tin rằng nếu công chúng nhận thức những điều họ phải làm để giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính nó dễ dàng như thế nào, thì họ sẽ tham gia nỗ lực đó.”

Ông bà Stokes cũng dạy cho các con, Lee, 8 tuổi, và Ryker, 9 tuổi, những thói quen để tiết kiệm năng lượng, như mỗi tối kiểm soát xem đã tắt tất cả các màn ảnh máy tính chưa. Lee và Ryker cũng luôn luôn tắt đèn sau khi rời khỏi phòng. Một thay đổi khác là gia đình ông bà Stokes không còn dùng đến bồn tắm nữa, mà dùng vòi sen, để cắt ngắn thời gian tắm, và giảm bớt số lượng nước nóng phải sử dụng.

Gia đình ông bà Stokes ủng hộ dự luật đang được xem xét tại Quốc hội Hoa Kỳ để cắt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng theo họ, dù dự luật có được phê chuẩn hay không, mỗi cá nhân chúng ta đều có thể làm nhiều hơn để thải ít khí thải hơn và bảo vệ quả địa cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG