Đường dẫn truy cập

Mùa Trung Thu và những bài hát cho thiếu nhi


Mùa Trung Thu và những bài hát cho thiếu nhi
Mùa Trung Thu và những bài hát cho thiếu nhi

Quý vị thân mến. Theo âm lịch thì tiết “Trung Thu”, mà cũng đã từ lâu vẫn thường được quen gọi là “Tết Trung Thu” mới vừa qua cách đây có vài ngày!

Ở trong Nam tức là kể cả miền Trung trước năm 75 thì hàng năm mỗi lần như thế là dịp để các hiệu bánh bày bán đủ thứ bánh Trung Thu để người ta mua về ăn hoặc quà cáp biếu xén lẫn nhau tuy dịp đó cũng vẫn được quen gọi là “Tết nhi đồng”. Tiếng gọi là vậy thế nhưng từ người làm ra các loại bánh hay lồng đèn đến người bỏ tiền ra mua về, tức đám người tấp nập nhất về vụ đó đều là người lớn cả. Ở ngòai Bắc thì “Tết Trung Thu”, xét về về tính cách rộn rã của nó cũng chẳng khác như vừa nêu là bao nhiêu trước năm 54; còn sau năm 75, từ trên dưới hai thập niên trở lại đây thì không khí của ngày “Trung Thu” cũng tương tự như nhau trên cả nước.

Tuy các màn như “hát trống quân” hay “múa sư tử” mà thời xưa đi đôi với đời sống của làng thôn thì từ lâu đã là chuyện thực chất đã thuộc về thời xưa! Vả lại, muốn có được cái thanh tịnh của một đêm trăng sáng thì chắc chắn chẳng ai tìm đuợc nơi các chốn phồn hoa đô hội hoặc ngay cả nơi những vùng nông thôn được điện khí hóa!

Mấy tuần lễ trước dịp Trung Thu vừa qua chúng tôi thấy có một “album” nhạc ở bên nhà tựa là “Trung Thu yêu thương” với những bài hát có nội dung chủ yếu dành cho thiếu nhi hay ít ra cũng là ký ức của tác giả nhớ về thuở mình còn là thiếu nhi. Bên các nước Âu Mỹ người ta chi ra hàng năm cả mấy chục tỷ tính theo giá Mỹ kim về các mặt hàng dành riêng cho thiếu nhi, mà trong số đó một phần không nhỏ là các mặt hàng CD và DVD. Chúng tôi không có các số liệu thống kê về mặt đó ở bên nhà cho nên không biết là chỉ riêng trường hợp vào dịp “Tết Trung Thu” mà có đuợc một vài CD hay DVD gồm những bài hát dành cho tuổi thơ thì thực tế là có được bao nhiêu trẻ trong ngần ấy chục triệu thiếu nhi được nghe hay xem trong những ngày vẫn có khi được gọi là “Tết nhi đồng”.

Và từ chuyện ấy thì cũng liên tưởng luôn đến sự thể là trong số cả mấy nghìn ca khúc có giá trị về mặt nghệ thuật từ xưa đến nay trong Tân Nhạc Việt Nam thì phỏng có đuợc bao nhiêu bài thuộc vào hàng xuất sắc dành riêng cho tuổi thơ? E không nhiều! Xin tạm liệt kê: Thời thập niên 40-50 có: “Khúc nhạc dưới trăng” của Dương Thiệu Tước; “Thằng cuội” và “Tuổi thơ” của Lê Thương; “Chú Cuội” của Phạm Duy. Thời thập niên 50-60 có: “Hình ảnh một đêm trăng” của Văn Phụng. Chúng tôi không liệt kê thêm chi nhiều nữa bởi cứ như trong số mấy bài vừa rồi thì họa chăng chỉ có những bài như “Thằng Cuội” hay bài “Tuổi thơ” của Lê Thương là trẻ em có thể hát được. Còn như bài “Hình ảnh một đêm trăng” với giai điệu thật đẹp đẽ đấy … ( Trích ) Giai điệu mượt mà là như vậy, thế nhưng rõ ràng chỉ có người lớn mới hát đuợc chứ không dành cho quảng đại quần chúng thiếu nhi!

Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài hát “Thằng Cuội” của Lê Thương qua giọng ca Tố Hà.

( Trích “Thằng Cuội” )

Vừa rồi là bài “Thằng Cuội” của Lê Thương qua tiếng hát của Tố Hà. Lời lẽ cùng ý tình nơi lời hát đúng là dành cho thiếu nhi. Còn như bài “Chú Cuội” của Phạm Duy mà chúng tôi trích đọan tiếp đây thì giai điệu rất đặc sắc thế nhưng lời lẽ thì lại như thế này:

( Trích “Chú cuội” )

Tôi yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần..” Tác giả chỉ mượn cái cớ xử dụng một nội dung cho giới trẻ thôi, chứ còn “cô Hằng” kia thì lại chẳng có ai khác hơn là tên người yêu –sau trở thành người bạn đời- của mình! Mà huyền thọai thì cũng chỉ có chuyện chú Cuội bị cây Đa trốc gốc trốc rễ nó kéo bay tuột lên tận cung trăng chứ không có chuyện tình duyên gì giữa chú với chị Hằng!

Nhưng đặc biệt trong “album” tựa là “Trung Thu yêu thương” mà chúng tôi nhắc đến ở phần đầu thì có điều đáng nói mà chúng tôi xin để quý vị nghe trước tiên trích đoạn của ba bài. Bài thứ nhất có cái tựa rất tân thời là “Rock vầng trăng” của Nguyễn Ngọc Thiện, qua hợp ca giọng nam.

( Trích “Rock vầng trăng” )

Vừa rồi là một lượt hát bài “Rock vầng trăng” của Nguyễn Ngọc Thiện, hợp ca giọng nam.

Tiếp đây là trích đoạn bài “Giấc mơ đêm rằm” của Trần Thanh Sơn qua hợp ca giọng nữ.

( Trích “Giấc mơ đêm rằm” )

Vừa rồi là một lượt hát bài “Giấc mơ đêm rằm” của Trần Thanh Sơn, hợp ca giọng nữ. Và trích đọan bài hát thứ ba tiếp theo đây là từ bài “Đêm trăng Thu” của Nhật Anh qua giọng ca Quang Linh mà sau khi đã nghe qua âm hưởng cùng lời lẽ của hai bài vừa rồi thì cũng xin quý thính giả chú ý đến âm hưởng cùng lời hát của bài này luôn thể.

( Trích “Đêm trăng Thu” )

Quý vị thân mến! Vừa rồi là một lượt hát bài “Đêm trăng Thu” của Nhật Anh qua giọng ca Quang Linh! Điều chúng tôi nhận xét và muốn nói đến là ai muốn nói đến những loại bài hát nào khác của ngày hôm nay là lai căng, là cóp nhặt phong cách không của nước này thì cũng của xứ khác thì ấy là chuyện của những bài hát ấy, nhưng ít ra đối với những ca khúc như vừa rồi thì chúng tôi thiết nghĩ là lớp trẻ thơ Việt Nam, còn đủ thơ dại để chưa bị tiêm nhiễm bởi những cái gì lai căng, thì các em đều có thể nghe âm hưởng những bài hát kiểu như thế mà không chút ngỡ ngàng!

Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!

* Chương trình phát thanh ngày 25/9/2010

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG