Đường dẫn truy cập

Hậu duệ của nhân vật khai phá ngành phát thanh TQ xúc động về vinh dự dành cho cha ông mình


Tại Đài Loan, đảo quốc đã tự trị từ năm 1949, mẹ tôi được giáo dục trong sự sợ hãi và không tin tưởng vào những người cộng sản đã chiếm đóng Trung Quốc.
Tại Đài Loan, đảo quốc đã tự trị từ năm 1949, mẹ tôi được giáo dục trong sự sợ hãi và không tin tưởng vào những người cộng sản đã chiếm đóng Trung Quốc.

Hoa Kỳ là quốc gia của các di dân và về mặt này, thông tín viên VOA Stephanie ở Bắc Kinh không có gì khác. Điểm đặc biệt là bà là chắt của ông Phùng Kiến, người đi tiên phong trong ngành phát thanh của Trung Quốc và đã điều hành đài phát thanh duy nhất của Trung Quốc không nằm trong tay kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật vào thập niên 1940. Và mặc dầu đã rời khỏi Trung Quốc khi cuộc nội chiến kết thúc, ông vẫn được người dân ở đó nhớ tới.

Một bức tượng của ông cố Phùng Kiến của tôi được đặt tại một điểm chính ở trường đại học Trùng Khánh miền tây nam Trung Quốc. Ông được biết tới như “khoa trưởng của ngành phát thanh Trung Quốc”, nhờ công trình mở đường trong ngành vô tuyến truyền thanh Trung Quốc, và ông cũng là người Trung Hoa đầu tiên đi tới Bắc cực. Ông đến đó vào năm 1947 để nghiên cứu thực tế về ảnh hưởng của bầu khí quyền vùng Bắc băng dương đối với sóng phát thanh.

Mẹ tôi, bà Margaret Yunching Feng Ho, là cháu của ông. Bà còn nhớ lúc lớn lên cùng với người anh ở nhà của ông Phùng ở Trùng Khánh, lúc đó là thủ phủ thời chiến của đảng viên Quốc Dân Đảng.

Bà nói thân mẫu của bà đi dậy học xa vì thế bà còn nhớ lúc còn bé thường theo chân ông ngoại quanh khắp nhà.

Quốc Dân Đảng lấy Trùng Khánh làm thủ phủ thời chiến vào năm 1937, sau khi quân đội Nhật buộc họ rời khỏi thành phố duyên hải Nam Kinh. Đài phát thanh của ông nội bà giúp phát đi tin tức khắp nước về diễn biến của cuộc chiến.

Sau đó Trùng Khánh đã trở thành thủ phủ của Quốc Dân Đảng trong suốt cuộc nội chiến chống Cộng sản.

Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, lãnh tụ Cộng sản Mao Trạch Đông tuyên bố chiến thắng ở Bắc Kinh, mặc dù lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thách vẫn còn ở Trùng Khánh.

Mẹ tôi còn nhớ vào một đêm tháng 11 năm 1949, khi ông ngoại bà nhận được một cú điện thoại của ông Tưởng Giới Thạch vào nửa đêm. Ông sắp rời Trùng Khánh và muốn ông Feng đi cùng với ông đến Đài Loan trong chuyến bay sáng sớm.

Mẹ tôi lúc đó mới có 8 tuổi. Bà kể lại: “Chúng tôi đang ngủ, và rồi tôi bỗng tự hỏi tại sao tất cả các cửa sổ còn mở, và đèn còn sáng. Trong văn phòng, mọi người đang nói chuyện. Ông tôi vẫn còn đang nói chuyện với mọi người. Tôi thấy ông đi ra đi vào và nói, ta sẽ phải rời khỏi đây, đi đâu. Đài Loan ư? Đài Loan ở đâu. Tôi nhìn thấy gương mặt ông tôi nặng chĩu.”

Bà nội của bà vội vàng thu xếp hành trang, nhưng giấu một số của cải trong bức tường của ngôi nhà. Bà kể tiếp: “Chúng tôi hy vọng có ngày trở lại. Ai cũng biết là người Trung Quốc lúc nào cũng đấu tranh. Chúng tôi sẽ trở lại. Họ giấu đồ đạc ở trong tường. Bà nói, chúng ta sẽ trở lại. Ngày hôm sau, bọn Cộng sản đã chiếm căn nhà.”

Trên đường ra sân bay, lửa cháy khắp nơi. Bà còn nhớ xe bị quân đội chận lại ở nhiều điểm, nhưng lần nào cũng đi lọt.

Những giờ trước tảng sáng trời tối và lạnh buốt. Mẹ tôi nhớ là đã kinh ngạc khi nhìn thấy nhiều người tụ tập bên lề đường. Bà kể tiếp: “Phải biết là hồi đó các hãng máy bay đã đóng cửa lâu rồi. Nhưng họ vẫn chờ ở đó. Hy vọng sẽ có cơ hội đi thoát.”

Gia đình ông Phùng Kiến đáp một trong hai chuyến máy bay quân sự chót của Quốc Dân Đảng rời khỏi Trùng Khánh. Lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch đáp chuyến bay kia, gần như là chuyến chót rời khỏi lục địa.

Mẹ tôi nhớ là đã mặc quần áo ấm, vì trời rất lạnh ở Trùng Khánh. Thời tiết ở Đài Bắc ấm áp hơn nhiều, vì thế mà lúc đến nơi, với trang phục ấm quá lố thì rõ ra bà đã đến một chỗ lạ.

Năm 1963 bà kết hôn với một người Mỹ gốc Hoa và dời cư sang Hoa Kỳ.

Mẹ tôi trở lại Trùng Khánh lần đầu tiên như một du khách vào thập niên 1980. Hồi tháng 10, tôi đã đưa bà trở lại để nhìn bức tượng ông Phùng Kiê, được dựng lên năm 2004 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập trường Đại học Trùng Khánh.

Bà đã gặp lại một trong những người học trò cũ thân nhất của ông nội bà, là ông Giang Trạch Giai nay đã 90 tuổi. Khi bà gặp ông lần đầu vào thập niên 1980 ông cho biết nhà chức trách đã hạch xách ông về tung tích của ông Phùng Kiến sau khi ông ra đi.

Nhưng lần này, vợ của ông Giang, 89 tuổi, nói rằng họ đã không bị đối xử tệ vì có liên hệ với một nhân vật nổi tiếng của Quốc Dân đảng. Bằng chứng là một vật quý bầy trên một giá sách trong căn nhà thuộc trường đại học của hai vợ chồng bà – một huân chương mà ông Jiang đã được tặng vào nằm 2006 để kỷ niệm 50 năm gia nhập Đảng Cộng Sản.

Vì tài năng của ông Phùng Kiến, cả Quốc Dân Đảng lẫn Đảng Cộng Sản đều muốn ông làm việc cho họ. Mẹ tôi nói đảng Cộng Sản mời ông ở lại, nhưng cuối cùng, ông quyết định ra đi.

Tại Đài Loan, đảo quốc đã tự trị từ năm 1949, mẹ tôi được giáo dục trong sự sợ hãi và không tin tưởng vào những người cộng sản đã chiếm đóng Trung Quốc. Tuy nhiên, bà rất xúc động khi thấy trường Đại học Trùng Khánh bầy tỏ sự hãnh diện về ông nội của bà, cho dù ông đã bỏ đi, mà họ vẫn dựng một bức tượng để tỏ lòng kính trọng ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG