Đường dẫn truy cập

Châu Âu tìm cách chặn đứng con đường di dân từ châu Phi


Một tàu chở di dân được cứu ở Địa Trung Hải
Một tàu chở di dân được cứu ở Địa Trung Hải

Đức, Áo và Ý hôm thứ Năm, 5/7, cho biết sẽ có các cuộc thảo luận về việc làm cách nào đóng lại con đường qua Địa Trung Hải mà hàng chục ngàn di dân đã theo đó để đi từ châu Phi sang châu Âu.

Ý mô tả tình trạng này là ‘khẩn cấp’ và ‘nguy hiểm’.

Ý tưởng này được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức, Angela Merkel, đồng ý lập những trung tâm trung chuyển di dân dọc theo biên giới nước Đức để từ đó trả về những di dân bị từ chối đơn xin tỵ nạn, qua đó tháo ngòi một tranh cãi vốn đe dọa làm sụp đổ liên minh cầm quyền mong manh của bà.

Tuy nhiên các trung tâm này, vốn nhằm để ngăn chặn và quản lý dòng người di dân từ châu Phi và Trung Đông, sẽ dựa trên sự hợp tác của các quốc gia EU khác vốn không hề muốn thấy di dân tràn vào nước họ. Điều này làm nảy sinh nhu cầu cần phải có một giải pháp đa quốc gia.

Cuộc khủng hoảng di dân châu Âu lên đến đỉnh điểm với lượng người di cư lên đến mức trên một triệu vào năm 2015 và, mặc dù lượng người mới đến hàng năm đã giảm, các nước EU đã trở nên đối đầu trong việc làm thế nào chia sẻ gánh nặng trong khi mức độ ủng hộ cho các đảng phái bài châu Âu và chống di dân tăng lên.

Kế hoạch của Đức là thiết lập các trung tâm di dân dọc theo biên giới với Áo, những di dân nào đã đăng ký ở nước khác của EU sẽ được đưa về nước đó.

Điều này dẫn đến lo ngại của Áo rằng việc Đức kiểm soát biên giới chặt chẽ sẽ làm tăng số lượng di dân vào nước họ - điều không thể chấp nhận được đối với liên minh cầm quyền của Áo bao gồm phe bảo thủ và lực lượng cực hữu bài di dân do Thủ tướng Sebastian Kurz đứng đầu.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Kurz ở Vienna hôm 5/7, Bộ trưởng Nội vụ Đức nói rằng kế hoạch của Berlin sẽ không dồn gánh nặng lên cho Áo những di dân đã được đăng ký ở nơi khác.

Ông Kurz nói Đức vào Áo nên làm việc cùng với Ý, điểm đầu vào của hầu hết các di dân đến châu Âu, để ngăn chặn dòng người đến từ châu Phi.

“Chúng tôi đã đồng ý rằng… vào tuần tới sẽ có cuộc họp của các bộ trưởng Nội vụ Đức, Áo và Ý với mục tiêu thực hiện biện pháp nhằm đóng lại con đường đến châu Âu qua Địa Trung Hải để đảm bảo rằng tình trạnh di cư bất hợp pháp đến châu Âu qua con đường này sẽ chấm dứt,” ông Kurz phát biểu trong một cuộc họp báo chung.

Ở Rome, Bộ trưởng Nội vụ Ý thuộc phe cực hữu Matteo Salvini cho biết ông sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận với Đức vào tuần tới trước cuộc họp của các bộ trưởng Nội vụ EU ở Innsbruck, Áo.

“Trước khi tiếp nhận thậm chí chỉ là một người tỵ nạn từ một nước châu Âu khác, chúng tôi muốn thấy cam kết rõ ràng về thời gian, chi phí, phương tiện, nhân lực và tài nguyên trong kế hoạch của EU giúp chúng tôi bảo vệ biên giới của mình,” ông nói với các phóng viên sau cuộc gặp phó thủ tướng Libya, nơi xuất phát của hầu hết các di dân lên tàu của những kẻ buôn người hướng đến châu Âu.

“Nếu chúng ta không chặn đứng dòng người từ phía nam, thì đó sẽ là một vấn đề đối với mọi người. Tình hình này rất nguy hiểm,” ông Salvini nói và cho biết ông sẽ đi thăm các nước Bắc Phi vào những tuần tới để gây áp lực cho các nước có hành động giảm bớt dòng di dân bất hợp pháp trên biển.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel tham vấn với những đồng nhiệm EU, trong đó có Ý và Hy Lạp, một cửa ngõ khác mà di dân đến ở châu Âu, về các thỏa thuận nhận lại những di dân đã được đăng ký ở những nước này.

“Nếu các cuộc thương thảo với Ý và Hy Lạp thất bại, chúng tôi sẽ suy nghĩ lại về các giải pháp,” ông Seehofer, người đứng đầu Đảng CSU nằm trong liên minh cầm quyền với Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, nói.

Ở Berlin, bà Merkel đón tiếp Thủ tướng Hungary có lập trường bài di dân Viktor Orban – nhân vật chỉ trích mạnh mẽ nhất lập trường ‘cánh cửa mở đối với di dân’ trước đây của bà Merkel. Hai nhà lãnh đạo đã nhanh chóng có xung đột về giải pháp nhân đạo.

Bà Merkel nói rằng châu Âu có nghĩa vụ về mặt đạo đức ‘không chỉ là tách mình ra khỏi nhu cầu và nỗi khổ của những di dân mà còn phải trợ giúp cho những quốc gia châu Phi nghèo khó và đắm chìm trong xung đột để ngăn người dân các nước đó bỏ nước ra đi’.

“Điều đó có nghĩa là viện trợ phát triển, nhưng đồng thời cũng là các kênh pháp lý (cho di dân), những chỗ học hành, những chỗ dành cho lao động có tay nghề và đó phải là một mối quan hệ đối tác mới với châu Phi,” bà Merkel phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary.

Về phần mình, ông Orban, người tái đắc cử hồi tháng Tư sau một chiến dịch xem những di dân là thảm họa và sau đó đã đưa ra những đạo luật truy tố những tổ chức nhân quyền giúp đỡ di dân, nói rằng EU chỉ có thể thể hiện lòng nhân đạo tốt nhất bằng cách đóng cửa biên giới, ngăn không cho di dân thực hiện những hành trình vượt biển nguy hiểm ngay từ đầu.

“Bằng cách làm như vậy, chúng tôi không chỉ bảo vệ cho Hungary mà còn nước Đức nữa,” ông nói.

Tại một cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý chia sẻ gánh nặng di dân trên cơ sở tự nguyện, và thiết lập những ‘trung tâm được kiểm soát’ để xử lý những đơn xin tỵ nạn và chia sẻ trách nhiệm đối với những di dân được cứu trên biển.

Tuy nhiên, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Ba Lan đã nhanh chóng lặp lại lời từ chối sẽ tiếp nhận bất kỳ di dân nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG