Đường dẫn truy cập

Cuộc nghiên cứu đổi gen cho cây đậu nành của nữ khoa học gia gốc Việt


Cây đậu nành
Cây đậu nành
Dưới đây là câu chuyện về cuộc nghiên cứu đổi gen cho cây đậu nành của nữ khoa học gia gốc Việt, Tara VanToai tại Đại Học Ohio State University.

Sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Cửu Long, trong khung cảnh đồng lúa khắp nơi, cô Trần Kiều Nga, sau khi lập gia đình có tên là Tara VanToai, luôn có ước mộng nghiên cứu về canh nông và hy vọng gia tăng năng suất của nông nghiệp để phục vụ nhân loại.

Cuộc đời của bà Tara VanToai là một hành trình học hỏi và nghiên cứu không ngừng về canh nông. Năm 1966, bà Tara VanToai được học bổng Colombo Plan, đi du học New Zealand và là nữ sinh Việt Nam đầu tiên về canh nông. Sau đó bà về Việt Nam học tiếp cao đẳng canh nông tại Saigon và trở thành giảng viên tại đây.

Biến cố Tháng Tư năm1975 đã đưa Bà sang Hoa Kỳ tị nạn. Tại đây, Bà vào Đại học Cornell University ở New York và tốt nghiệp bằng Thạc sĩ canh nông. Vài năm sau Bà tốt nghiệp Tiến sĩ, cũng về canh nông tại đại học Ohio State University. Ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, bà Tara VanToai trở thành giáo sư tại đại học Ohio, đặc trách các dự án nghiên cứu nông nghiệp.

Một trong các công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Tara VanToai gần đây được bộ Canh Nông Hoa Kỳ ca ngợi là tạo ảnh hưởng tốt cho kinh tế Hoa Kỳ cũng như tăng năng suất đậu nành trên thế giới. Đó là việc biến đổi Gen của cây đậu nành Hoa Kỳ để giống cây này có thể sống và có năng suất cao tại các vùng đất có nhiều độ ẩm tại Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ.

Cuộc nghiên cứu và thử nghiệm của Bà và các cộng sự viên kéo dài trong 27 năm qua với sự hợp tác của các khoa học gia từ Pháp, Trung quốc, Brazil, Hungary. Ngoài ra còn có khoa học gia Henry Nguyễn, thuộc đại học Missouri, khoa học gia từ Việt Nam là Bà Trần Thị Cúc Hoa và một phụ tá là bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ. Trước khi có sự nghiên cứu của Giáo sư Tara VanToai, cây đậu nành của Hoa Kỳ có năng suất kém và hay chết khi đất bị sũng nước vì mưa. Giáo sư VanToai giải thích tóm tắt công trình nghiên cứu trong 27 năm qua của bà và các cộng tác viên như sau:

“Dùng cái gen của một cây chống ủng nước để đưa vào cây đậu nành của Mỹ, không có cái tánh chống ủng nước. Sự khảo cứu của tôi phần lớn là khoa học căn bản, thành ra tôi nghiên cứu về các dữ kiện khoa học, từ đó làm nền tảng cho các phát triển khoa học khác."

Bà nói thêm là những cây đậu nành lai giống do nhóm bà nghiên cứu, có khả năng chống lại sự ủng nước, đã được dùng để gây giống rộng rãi trong kỹ nghệ trồng đậu nành tại Hoa Kỳ và công trình này có thể làm lợi cho kinh tế Hoa Kỳ mỗi năm hàng tỉ mỹ kim:

“Vấn đề ủng nước là một vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Theo các tài liệu thống kê thì khoảng 16% diện tích cây trồng trên thế giới bị nạn ủng nước. Riêng tại Mỹ quốc, từ năm 1951 đến năm 1998 thì nạn ủng nước làm giảm năng suất của cây trồng khoảng 3% tức là khoảng một tỉ rưỡi dollars mỗi năm. ”

Giáo sư Tara VanToai nói rằng, việc nghiên cứu của bà là để đáp ứng nhu cầu của bộ canh nông Hoa Kỳ, nhằm nâng cao năng suất của đậu nành cho vùng Trung Mỹ. Thành quả trên trở thành căn bản cho kỹ thuật biến đổi gen của các loại cây nông nghiệp trên thế giới. Giáo sư Tara VanToai được giới chuyên gia nông nghiệp Hoa Kỳ rất ngưỡng mộ. Năm 2009 Bà được chọn làm thành viên của Fellow American Society of Agronomy, một vinh dự tối cao cho một khoa học gia Hoa Kỳ trong ngành nông học.

Giáo sư Tara VanToai đã từng về giảng dạy tại đại học Cần Thơ và Hà Nội về nông nghiệp trong chương trình Việt Nam Education Foundation của chính phủ Hoa Kỳ. Bà chia sẻ những nhận xét của bà về đại học ở Việt Nam như sau:

“Việt Nam thay đổi về kỹ thuật rất là nhanh chóng. Các trường đại học có nhiều máy móc dụng cụ tinh vi, tối tân mà phần lớn là do các cơ quan quốc tế tài trợ. Máy gì mà trường Mỹ có là hầu như trường Việt Nam có. Nhưng mà các hóa chất để làm thí nghiệm thì họ phải nhập cảng. Có máy là một chuyện nhưng khi mình xài thì nó có thể hư mà phải bảo tồn. Bảo tồn rất là đắt đỏ cho nên sinh viên VN phần lớn ít có cơ hội thực tập như sinh viên ở Mỹ."

Tiến sĩ Tara VanToai chia sẻ những quan ngại của các khoa học gia trên thế giới trước viễn cảnh những vùng trồng trọt ven biển Việt Nam có thể ngập nước biển do sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Bà cũng tỏ ý lo ngại cho tương lai nông nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn vì phần đất xa biển lại trở nên khô cằn, do các đập nước mà Trung Quốc xây cất ở thượng nguồn sông Mekong. Thêm vào đó là nhà nước Việt Nam lại dành quá nhiều đất cho công nghệ nên diện tích trồng trọt ngày càng ít trong khi dân số ngày càng đông:

“Trong khi đó bao nhiêu đất vùng đất gần Cần Thơ, vùng đó ngày xưa rất trù phú, phì nhiêu nhưng bây giờ họ làm khu kỹ nghệ hết, như khu Trá Nóc này kia toàn là khu kỹ nghệ hết. Chẳng những thế sở dĩ đồng bằng Cửu Long ngày xưa trù phú sản xuất bao nhiêu lúa để xuất cảng thì bây giờ người Tàu họ đắp đập ở thượng du của sông Mekong, thành ra họ hạn chế nước xuống mà hạn chế nước xuống thì tuy không ngập lụt nhưng đất sẽ khô cằn, thành ra tương lai về canh nông ở Việt Nam có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn.”

Măc dù rất thành công trong sự nghiệp, Bà VanToai luôn trân trọng sự khuyến khích của chồng là ông Norman VanToai, là một kỹ sư và cũng là Tiến sĩ Kinh tế tại Hoa kỳ. Bà tâm sự:

“Cuộc đời của tôi rất may mắn là tại vì nhà tôi lúc nào cũng hết lòng giúp đỡ và ủng hộ việc làm của tôi. Cũng nhờ sự giúp đỡ này mà tôi mới có ngày nay.”

Trong khi đó ông VanToai nói về người bạn đường của ông suốt 43 năm như sau:

“Gia đình tôi rất vui mừng về những thành quả khoa học của Nga sau hàng chục năm tận tụy nghiên cứu. Nga căn bản là một con người bình dị, luôn luôn là một người đàn bà Việt Nam tiêu biểu, hết lòng lo cho gia đình đã hơn 43 năm nay. Nga cũng rất tha thiết với những vấn đề cộng đồng và đã hết lòng hoạt động trong các lãnh vực xã hội và thiện nguyện. Gia đình tôi luôn luôn ủng hộ và cảm phục lòng hy sinh và khả năng của một con người đa dạng như là Nga.”

Sự thành công của Giáo sư Tiến sĩ Tara VanToai làm cho nhiều người Việt hải ngoại hãnh diện về Phụ nữ Việt Nam. Tuy thành công rạng rỡ trong sự nghiệp tại Hoa Kỳ nhưng họ vẫn hết lòng lo cho hạnh phúc gia đình và an sinh của cộng đồng xã hội.

Nguyễn Phục Hưng, cộng tác viên VOA tường trình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG