Đường dẫn truy cập

Phẫu thuật cấy ốc tai nhân tạo


Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Lê Quang Tâm ở Đà Lạt về phẫu thuật cấy ốc tai nhân tạo.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chúng tôi có nhận được email của một thính giả, nội dung như sau:

"Tôi có người cháu sinh được 15 tháng tuổi mới phát hiện cháu bị ĐIẾC BẨM SINH 100% do phòng khám Bệnh Viện Nhi Đồng Việt Nam cho kết quả, Đồng thời BS nơi đây tư vấn cho tôi là đặt máy nghe ngay từ bây giờ bằng phương pháp phẩu thuật chứ sau 26 tháng không đặt được - giá đặt máy rất nhiều tiền (trên 1 tỷ). Điều tôi suy nghĩ và đắn đo là nếu cháu bị CÂM luôn theo bẩm sinh thì việc phục hồi ĐIẾC dẩn tới hậu quả rất xấu, nhưng BS ở đây nói là sau khi cháu nghe được sẽ nói được. Tôi muốn nhờ quý BS Y Học đài VOA tư vấn giúp tôi thông qua chương trình phát thanh vào tối thứ 3 - thứ 5 cho mọi người cùng cảnh ngộ được biết, đồng thời qua Email của tôi để tôi có thêm tư liệu giúp cho cháu tôi yên tâm hơn."

Chúng tôi đã chuyển thư cho bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia và được bác sĩ giải đáp như sau:

Chứng bịnh điếc có từ lúc trẻ mới sanh gọi là bịnh điếc bẩm sinh. Ở Mỹ để phát hiện bịnh này và can thiệp kịp thời, người ta thử thính giác tất cả mọi trẻ sơ sinh. Bịnh điếc loại khá nặng (moderate) hoặc điếc nặng ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng nói và ngôn ngữ của bịnh nhân (speech and language skills development). Trẻ điếc rất nặng (profound hearing loss) chỉ nghe được tiếng đông từ 90 decibels trở lên, có nghĩa là cở tiếng máy cắt cỏ, máy xe mô tô, hoặc máy bay phản lực bay trên cao 1 mile trước khi đáp xuống thì cháu mới nghe được.

Ở Mỹ, chừng 2000 trẻ ra đời thì một trẻ bị điếc đáng kể (từ khá nặng đến rất nặng). Đa số trẻ bị điếc vì hư bộ phận ốc tai (cochlea) của tai trong (inner ear), là nơi biến đổi các sóng âm thanh thành những tín hiệu thần kinh được truyền vào não bộ, qua dây thần kinh thính giác (TK số 8). Người ta gọi loại điếc này là loại điếc cảm giác-thần kinh (sensorineural hearing loss). Bộ phận chính của tai trong là bộ phận hình giống vỏ ốc sên (ốc tai, cochlea) gồm những tế bào lông (chừng hài chục ngàn) (hair cells) có khả năng phát hiện những tần số cao thấp khác nhau trong sóng âm thanh. Có tiếng động thì các tế bào lông này rung và phát ra dòng điện, từ đó gởi tín hiệu rất chi tiết về óc, tựa như một máy vi âm microphone. Nhờ số lượng thông tin phong phú đó do hai tai trong cung cấp, chúng ta có khả năng thưởng thức đầy đủ những âm thanh đa dạng mỗi ngày, trong tiếng nói cũng như trong ngôn ngữ. Đa số những đứa trẻ bị điếc bẩm sinh do tế bào lông của bộ phận ốc tai (cochlea) của chúng bị hư hại. Để thay thế những tế bào lông nói trên, người ta gắn vào đầu bịnh nhân một bộ phận nhân tạo gọi là cochlear implant:

1. Có khả năng thu tiếng nói nhờ một cái microphone

2. Đến một speech processor (ngoài da đầu, mang như một máy điếc), âm thanh được biến thành những tín hiệu điện tử (electronic impulses)

3. Truyền xuyên qua da vào một cái máy nhận (receivor/stimulator) nhét dưới da đầu. Máy này thu nhận các tính hiệu, và qua một dàn điện cực (electrode array) được nối liền với dây thần kinh thính giác (auditory nerve), kích thích những vùng khác nhau của thần kinh thính giác. Từ đó tín hiệu vào não bộ và được cảm nhận thành âm thanh.

4. Hiện nay, dàn đây điện này chỉ phân tích âm thanh, tiếng nói thành ra chừng hai chục tín hiệu khác nhau (rất thô sơ, so với 20000 tế bào lông tự nhiên), cho nên âm thanh mà người bịnh cảm nhận được chỉ là một loại âm thanh sơ sài, mờ ảo, tuy nhiên có ích trong việc giúp cho người đó hiểu hoặc đoán người khác đang nói gì và ý thức những tín hiệu âm thanh chung quanh mình. Người bịnh có thể khó chịu lúc nghe âm nhạc vì bị biến dạng.

Sự khác biệt giữa máy điếc thông thường (hearing aid) là máy điếc phóng đại tiếng nói lớn lên nhiều lần, đủ lớn để tai của người bịnh có thể cảm nhận được. Trong lúc đó cochlear implant bỏ qua phần tai trong bị hư của người bịnh, và kích thích trực tiếp vào dây thần kinh thính giác. Tiếng người mang implant nghe được không phải là tiếng bình thường, và người bịnh phải tập thích ứng với tiếng đó. Ví dụ tiếng nói mà chúng ta nghe thường, qua cochlea implant trở thành một tiếng rè rè rất nghèo nàn, với những âm hưởng khá mơ hồ, mà người bịnh phải tập đi tập lại mới thích ứng và hiểu được.

Hiện nay trên thế giới có chừng 200.000 người mang cochlear implant. Ở Mỹ chừng 70.000, người, trong đó chừng 30000 trẻ em. Các kkhảo cứu gần đây cho thấy, nếu cho mang implant sớm, thường từ 2-6 tuổi, và sau đó bé được huấn luyện, dạy dỗ về nói và ngôn ngữ một cách tích cực và trường kỳ (intensive and prolonged post implantation therapy), bé có thể đạt khả năng nói và giao tiếp gần như bình thường. Gần đây (2010) FDA chấp thuận cho phép dùng một loại implant cho trẻ 12 tháng.

Năm 2006, môt công bố của trường Y, Đại Học Washington (J. G. Nicholas, Geers A. E.), cho thấy lúc so sánh khả năng nói một nhóm 76 trẻ 3 1/2 tuổi được gắn implant ở tuổi khác nhau, thì các trẻ được gắn implant sớm chừng nào, khả năng nói của chúng càng tốt hơn. Những trẻ gắn lâu hơn thì ngữ vựng phong phú hơn, nói được câu dài hơn, phức tạp hơn và dùng những từ khó hơn các trẻ kia. Đến 4 1/2 tuổi, những trẻ mang implant lâu hơn thường ăn nói bằng các trẻ bình thường và theo học lớp mẫu giáo chung với các trẻ khác. Nói tóm lại, tác giả cho rằng trong khoảng 24 tháng đầu đời, có một “cửa sổ cơ hội” trong đó cochlear implant giúp cho bộ óc đứa bé tiếp cận với những âm thanh cần thiết cho sự phát triển vùng não phụ trách khả năng nói, càng về sau, cơ hội nói bình thường như các trẻ khác sẽ giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên,phụ huynh cũng thường do dự trước việc cho con mình giải phẩu sớm vì:

1. -phụ huynh cần có thì giờ tìm hiểu về bịnh điếc và các phương pháp trị liệu
2. -cần chắc chắn là trẻ bị điếc thật sự (khó định bịnh trên trẻ nhỏ), có khi định bịnh sai.
3. -cha mẹ do dự vì phải phẩu thuật trong óc bé
4. -đặt implant là con đường một chiều, không đão ngược,vì toàn bộ khả năng nghe bằng tai thường (dù khả năng này còn ít bao nhiêu) sẽ bị phá hủy hoàn toàn (vì các tế bào lông sẽ bị huỷ lúc đặt implant), không thể dùng máy điếc thường được nữa.
5. -phẫu thuật rất đắt tiền.

Người mang cochlear implant dễ bị viêm màng óc hơn người thường, cần chủng ngừa vi trùng phế cầu trùng (pneumococcus, thuốc ngừa: Prevnar13, Pneumovax), vi trùng Hemophilus influenza (Hib, thuốc ActiHib, Hiberix), vi trùng viêm màng óc (Menactra) trước khi đặt implant.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG