Đường dẫn truy cập

Các công ty quần áo quốc tế muốn thương lượng tranh chấp với công nhân Campuchia


Một công nhân được điều trị sau khi bị chính quyền trấn áp trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 1, 2014.
Một công nhân được điều trị sau khi bị chính quyền trấn áp trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 1, 2014.
Các công ty may mặc quốc tế cho biết họ quan tâm đến sự an toàn của các công nhân may mặc ở Campuchia và muốn thấy các cuộc hòa đàm giữa công đoàn, nhà máy và chính quyền.

Công nhân may mặc Campuchia đã biểu tình trong nhiều tuần đòi tăng mức lương tháng tối thiểu lên gấp đôi, tức 160 USD. Ngành công nghiệp này hiện có đến 400.000 người làm việc.

5 người đã bị thiệt mạng, 40 người bị thương và 23 người bị bắt trong các cuộc trấn áp các công nhân biểu tình và những người biểu tình khác hồi tuần trước. Nhiều nhân công cho biết đã quay trở lại làm việc nhưng công đoàn vẫn yêu cầu việc tăng lương.

Trong một động thái bất thường, các nhà sản xuất quần áo quốc tế lớn, bao gồm H&M, Adidas, Gap, Columbia, Puma và Levi Strauss, tuần này đã ký vào một thư chung lên án hành động bạo lực đối với các công nhân.

“Chúng tôi cực lực phản đối bất cứ hình thức bạo lực nào, và kêu gọi Chính quyền Hoàng gia Campuchia tổ chức đàm phán giữa các bên để đưa ra giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp,” bà Laura Wilkinson, phát ngôn viên của công ty Gap, phát biểu với ban tiếng Khmer của đài VOA trong một email.

Ông Ron Parham, phát ngôn viên cho công ty Columbia, nói công ty gặp rắc rối lớn vì những sự kiện gần đây. Columbia đã kêu gọi chính quyền và ủy ban tham vấn nhân công của mình đặt ra mức lương tối thiểu dựa trên thong lệ quốc tế.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng mỗi công nhân đều có quyền làm việc trong một điều kiện an toàn và an ninh, được quyền tổ chức và thương lượng một cách hợp pháp và ôn hòa mà không bị phạt vạ, can thiệp hay sợ hãi. Ðiều này bao gồm quyền được thương lượng việc tang mức lương tối thiểu.”

Tuy nhiên, các công ty mà VOA Khmer liên lạc cho biết họ không có ý định dừng việc mua sản phẩm từ Campuchia nếu như mức lương tối thiểu không được tăng lên hay bạo lực vẫn tiếp diễn đối với công nhân.

Anna Eriksson, phát ngôn viên của công ty H&M nói: “H&M vẫn sẽ coi Campuchia là một trong những quốc gia cung ứng chính của chúng tôi. Là một nhà thu mua chính của ngành công nghiệp may mặc Campuchia, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các bên có liên quan tái tục đàm phán và đạt được một giải pháp chung tốt nhất đối với xung đột này”.

Những đại diện của công ty đồ thể thao Adidas và Puma nói họ cùng viết chung nội dung của bức thư ngỏ ngày 7/1 gửi chính quyền, các công đoàn và các nhà máy, kêu gọi hòa đàm và kiềm chế.

Xuất khẩu của ngành may mặc và giày dép Campuchia đạt khoảng 5 tỉ USD mỗi năm, nhưng công nhân cho biết họ không thể sống với mức lương tối thiểu chi 80 USD một tháng.

Hiệp hội May mặc ở Campuchia lúc đầu nói việc tăng lương là không thể và các nhà máy sẽ chuyển đến các nước khác nếu công nhân tiếp tục biểu tình.

Tuy nhiên trong một cử chỉ hòa giải, ông Ken Loo, tổng thư ký của hiệp hội, gần đây nói các nhà máy sẽ tuân thủ việc tăng lương nếu chính phủ ra lệnh.

Hiện đàm phán vẫn chưa được ấn định. Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Lao động Oum Mean nói với VOA Khmer rằng ông rất bận và không thể thảo luận về vấn đề này.

Tại Nam Triều Tiên, những công nhân Campuchia ở đây tuần này cũng tổ chức biểu tình để thể hiện tình đoàn kết với các công nhân may mặc ở quê nhà và kêu gọi chính quyền Phnom Penh điều tra việc bắn nguời tuần rồi và tìm ra thủ phạm chịu trách nhiệm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG