Đường dẫn truy cập

Quốc hội Miến Điện họp phiên đầu tiên kể từ 2 thập niên


Một đoàn xe chở các nhà lập pháp Miến Ðiện đi qua một chốt kiểm soát gần tòa nhà Quốc hội ở Naypyitaw, ngày 31/1/2011
Một đoàn xe chở các nhà lập pháp Miến Ðiện đi qua một chốt kiểm soát gần tòa nhà Quốc hội ở Naypyitaw, ngày 31/1/2011

Miến Điện đã triệu tập phiên họp Quốc hội lần đầu tiên từ hơn 20 năm nay. Chính phủ quân nhân nói đây là một động thái tiến tới dân chủ, nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Bangkok, giới tranh đấu cho dân chủ nói rằng quân đội vẫn nắm mọi quyền hành.

Hôm nay, chính phủ quân nhân Miến Điện khai mạc khóa họp đầu tiên của Quốc hội kể từ năm 1988 sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái.

Các nhà lập pháp đã tề tựu tại thủ đô hành chính Naypyitaw xa xôi dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ.

Chính phủ tuyên bố quốc hội là một phần chủ yếu trong cuộc chuyển tiếp qua chính quyền dân sự.

Nhưng theo giới phê bình thì quân đội đã vận dụng gian lận và đe dọa bầu cử để nhồi vào quốc hội những người ủng hộ họ và nắm giữ quyền hành.

Bà Debbie Stothard thuộc Mạng lưới Thay thế ASEAN về Miến Điện. Bà nói quốc hội là một vỏ bề ngoài của quân đội để tìm cách đạt được sử khả tín với cộng đồng quốc tế.

Bà Stothard nói: “Tôi nghĩ toàn bộ các quy định và luật lệ hạn chế các thành viên quốc hội lên tiếng bầy tỏ ý kiến hay nêu ra các thắc mắc, cùng với những quy định mà trên thực tế áp đặt án tù một năm đối với những người nào vào trụ sở quốc hội mà không có phép, thì điều khá rõ ràng là đây chỉ là một quốc hội có tính cách phô trương đặt dưới sự khống chế của chính quyền quân nhân.”

Hiến pháp do quân đội soạn thảo dành cho quân đội một phần tư số ghế tại quốc hội, ngay trước cuộc bầu cử. Những người ủng hộ quân đội đắc cử vào 80% số ghế còn lại.

Quân đội cũng tự cho mình quyền miễn tố, đóng cửa các phiên họp không cho công chúng tham dự, và loan báo các quy định gắt gao về việc nêu ra những thắc mắc, ngăn chặn mọi cuộc tranh luận về các vấn đề mà họ không muốn đưa ra bàn thảo.

Đảng đối lập lớn nhất là Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, đã bị giải thể vì tẩy chay cuộc bầu cử và từ chối không chịu khai trừ lãnh tụ là bà Aung San Suu Kyi.

Đảng này, còn gọi tắt là NLD đã thắng cuộc bầu cử vào năm 1990 nhưng quân đội không hề cho phép lên nắm quyền và đã quản thúc mà Aung San Suu Kyi phần lớn thời gian trong 2 thập niên qua.

Bà Suu Kyi được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia sau cuộc bầu cử năm ngoái và từ đó đã làm việc với các thành viên trong đảng.
Các đảng của các sắc tộc thiểu số và các đảng ủng hộ dân chủ đã dự tranh trong cuộc bầu cử, nhưng chỉ thắng được một số ít ghế tại quốc hội.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị nói rằng quốc hội có thể đem lại một vài tia hy vọng về sự thay đổi bởi vì các thành phần mới trong xã hội đã được đưa vào chính trường.

Các thủ tục quốc hội không rõ ràng, nhưng các đại biểu dự trù sẽ chọn ra một tổng thống mới và các vị phó tổng thống.

Quân đội đã lật đổ nền dân chủ đa đảng duy nhất của Miến Điện vào năm 1962 và kể từ khi đó đã cai trị đất nước bằng bàn tay sắt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG