Đường dẫn truy cập

An ninh giao thông công cộng là mối quan ngại đối với Anh


Vụ đánh bom xe điện ngầm tại Moscow cho thấy các hệ thống giao thông công cộng dường như rất dễ bị tấn công. Hệ thống giao thông công cộng tại nước Anh được coi là lớn nhất và phức tạp nhất thế giới. Theo Thông tín viên Jennifer Glasse tường trình cho VOA, thì các giới chức Anh từ lâu vẫn nỗ lực bảo vệ an toàn cho hệ thống giao thông, nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công.

Vào tháng 7 năm 2005, các tay đánh bom tự sát đã tấn công 3 chuyến xe điện ngầm Luân Đôn và 1 chuyến xe buýt giết hại 52 người, kể cả chính họ.

Hai tuần sau, 4 tay đánh bom khác lại mưu toan tấn công các chuyến xe điện ngầm, nhưng thất bại, vì bom không nổ.

Ông Jonathan Wood, phân tích gia thuộc công ty An ninh Control Risks tại Luân Đôn, nói rằng các hệ thống an ninh công cộng là một mục tiêu hấp dẫn đối với quân khủng bố:

“Một cuộc tấn công vào một nơi công cộng, đặc biệt một địa điểm mà dân chúng phải dùng đến trong đời sống hàng ngày, có một ảnh hưởng tâm lý rất mạnh và giới truyền thông thường chú mục tường trình rất kỹ. Vì thế nó thu hút sự chú ý của các nhóm khủng bố và là mục tiêu nhắm tới của chúng.

Theo Adam Gadahn, một phát ngôn viên người Mỹ của al-Qaida, thì al-Qaida đặt trọng tâm vào các hệ thống giao thông công cộng. Gadahn nói:

“Chúng ta phải ghi nhớ rằng, ngay những cuộc tấn công có vẻ thất bại vào các hệ thống giao thông công cộng tây phương cũng làm ngưng trệ hoạt động của các thành phố lớn, gây tốn kém hàng tỉ cho kẻ thù khiến các xí nghiệp của họ đi tới phá sản.”

London nổi tiếng về những chiếc xe bus 2 tầng màu đỏ của họ, nhưng chính hệ thống xe điện ngầm với nhiều chỗ được xây dựng từ hơn 100 năm tại đây mới đặc biệt dễ bị nguy cơ tấn công.

Thành phố này đặt hơn 10 ngàn máy thu hình mạch kín, một số được đặt trong hệ thống giao thông công cộng. Các phần mềm khác có thể được cài đặt thêm để nhận ra những điều bất thường, chẳng hạn như một cái túi xách bỏ trên một băng ghế.

Nhưng, các phân tích gia nói, cảnh sát khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa một hành khách bình thường và một tay khủng bố, dù từ máy thu hình hay ở ngoài đời.

Ông Nikel Inkster, một chuyên gia về khủng bố tại Viện Nghiên Cứu Về An Ninh Quốc Tế nói rằng vụ đánh bom năm 2005 ở Luân đôn đã chứng minh rằng hệ thống giao thông của thành phố này rất dễ gặp rủi ro.

Ông Inkster nói: “Ít nhất đã có 1 tay đánh bom kích nổ tại đường hầm sâu nhất trong hệ thống xe điện ngầm, gây khó khăn to lớn cả cho việc cứu hộ lẫn việc điều tra dấu tích tại hiện trường.”

Nhà chức trách tại đây trông cậy vào sự giúp đỡ của công chúng để canh chừng những gói hàng hay hành khách có vẻ bất thường.

Ngoài ra, hệ thống chuyên chở công cộng ở Luân Ðôn cũng áp dụng loại thẻ trả tiền gọi là thẻ Oyster, có từ tính, có thể dò tìm ra hành khách đã ở đâu và khi nào. Nhưng thẻ này chỉ giúp ích điều tra một sự cố đã xảy ra rồi.

Ông Inkster nhận định: “Tôi cho rằng người ta không nên coi giao thông công cộng là một lãnh vực riêng lẻ. Người ta cần phải coi nó như là một phần của toàn bộ các biện pháp chống khủng bố."

Trước sự kiện Luân Đôn sẽ là nước chủ nhà đứng ra tổ chức Thế Vận Hội 2012, an ninh là một mối quan ngại lớn. Các tuyến đường dẫn tới làng Thế Vận đang được xây dựng.

Trong lúc người ta có thể xây những trạm xe mới theo cách để có thể giảm thiểu mức hư hại do bom gây ra, nhưng các giới chức nói sự phòng vệ tốt nhất vẫn là nhận diện được những kẻ tấn công trước khi chúng ra tay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG