Đường dẫn truy cập

Brexit: Khoảnh khắc ‘bức tường Berlin’ của tuổi trẻ Châu Âu


Phần còn lại của Bức tường Berlin vẫn tồn tại trong thành phố như một lời nhắc nhở về những ngày đen tối ở châu Âu, ngày 30 tháng 6 năm 2016.
Phần còn lại của Bức tường Berlin vẫn tồn tại trong thành phố như một lời nhắc nhở về những ngày đen tối ở châu Âu, ngày 30 tháng 6 năm 2016.

Một số người nói cuộc bỏ phiếu của Anh tách ra khỏi EU là khoảnh khắc ‘Bức tường Berlin’, biểu tượng cho sự tự do. Một số người khác lại cho rằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin bắt đầu thời đại toàn cầu hóa trong khi Anh rời bỏ EU mở màn một kỷ nguyên xé bỏ các ràng buộc chính trị vốn giúp cho Châu Âu an toàn và thịnh vượng. Đó là một số ý kiến thông tín viên đài VOA, Heather Murdock, ghi nhận từ Berlin qua cuộc trao đổi với giới trẻ EU dọc theo khu vực tàn dư của Bức tường Berlin về sự thay đổi này.

Năm 1989, người Đức phá bỏ bức tường ngăn chia Berlin và tượng trưng cho những chia rẽ sâu xa hơn trên toàn cầu.

Ngày nay, nhiều phần của Bức tường Berlin vẫn còn đó như một lời nhắc nhớ về những ngày đen tối ở Châu Âu. Sau cuộc trưng cầu dân ý tuần rồi tại Anh để tách khỏi EU, một số người trẻ tự hỏi liệu chăng EU đang có một bước lùi.

Jess Korzenyowska, một thanh niên người Anh, chia sẻ: ‘Thật sự có cảm thấy là lạ khi đến thăm nơi đây vào lúc này khi mà chúng ta lại nghĩ tới chuyện ngăn cách một lần nữa, có cảm giác rất lạ.’

Các cử tri trẻ ở Anh có phần chắc không bỏ phiếu rời khỏi EU, nhưng những người trẻ ở đây không đồng nhất chống lại việc đó.

Jarno Kiri, một người trẻ Phần Lan nói: ‘Một cảm giác hỗn hợp. Không ai biết việc này sẽ tác động tới EU và thế giới như thế nào. Một phần trong tôi cảm thấy việc ấy giống như là trao sức mạnh cho nhân dân, đại loại vậy. Một phần khác trong tôi lại thấy việc này sẽ mang lại những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.’

Đứng trước một phần bức tường trưng bày hình ảnh về những bi kịch từ các cuộc chiến hiện đại, người thanh niên này nói anh không thích một điều là cuộc trưng cầu dân ý ở Anh bị tác động bởi các quan ngại về di dân.

Một điều chắc chắn rằng, nếu hoặc khi Anh rời khỏi EU, các rào cản kinh tế và hậu cần sẽ được dựng lên, mức độ ngăn cách ra sao, chưa ai biết được.’

Domenico Manfredelli, một thanh niên người Ý, bày tỏ: ‘Đối với tôi, London là biểu tượng của sự hợp nhất, nơi có thể gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Cho nên Anh ra khỏi EU để lại cho tôi cảm giác, không biết phải nói sao, quả là một tình cảnh hết sức kỳ quặc.’

Cách này hay cách khác, những người trẻ này cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là một khoảnh khắc ‘Bức tường Berlin’ đối với thế hệ này.

Anh thanh niên người Phần Lan tên Jarno Kiri tiếp lời: ‘Hai mươi năm sau nhất định người ta sẽ nhìn lại khoảnh khắc này: trước và sau khi Anh ra khỏi EU.’

Trong khi các đảng phái chính trị tại những nước khác đang bàn tới việc rời khỏi EU, cũng có những ý kiến cho rằng nền an ninh-thịnh vượng Châu Âu trong mấy chục năm qua có liên quan đến sự đoàn kết của EU. Tuy nhiên, theo họ, khó lòng biết được đích xác điều gì lèo lái lịch sử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG